* Thưa ông, với tư cách là một chuyên gia, một nhà tư vấn độc lập về ngân hàng và doanh nghiệp, ông đánh giá thế nào về bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2013?
- Tình hình kinh tế năm 2013 là những diễn biến tiếp nối của năm trước, với những khó khăn, hạn chế còn đó. Bằng Nghị quyết 02, Chính phủ muốn vực dậy nền kinh tế, dù đã có nhiều biện pháp hỗ trợ nhưng hiệu quả chưa mong muốn. Doanh nghiệp vẫn khó khăn do lực cầu vẫn trên đà suy giảm.
Gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường nhà ở không đạt hiệu quả như mong muốn. Để giải quyết yếu kém của hệ thống ngân hàng, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đã ra đời để giải quyết nợ xấu - “cục máu đông” của nền kinh tế. Tuy nhiên, mô hình hoạt động của công ty này khác hẳn những mô hình đã hoạt động hiệu quả trên thế giới, không xóa dứt nợ xấu của ngân hàng, chủ yếu chỉ “giữ hộ” mà thôi.
Trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn như vậy thì thu ngân sách nhà nước tất nhiên bị ảnh hưởng và bội chi tăng cũng hoàn toàn dễ hiểu.
Để kết luận về kinh tế Việt Nam trong năm 2013, theo tôi, đánh giá ngắn gọn của Ngân hàng thế giới (Worldbank) là phù hợp “Kinh tế Việt Nam đã bình ổn trở lại trong xu hướng phát triển thấp”.
* Vậy theo ông, vấn đề lớn của kinh tế Việt Nam hiện nay là gì?
- Từ 2 năm nay, nguồn cầu trong nước đã giảm, hạ nhiệt những cơn sốt của thị trường với lạm phát trên hai con số. Chính sự giảm cầu này đã giúp cho sự ổn định của nền kinh tế, giá cả hạ dần xuống mức vừa phải, nhập khẩu giảm khiến cán cân thương mại cân bằng hơn và dự trữ ngoại tệ khá hơn. Nhưng ngược lại, toàn hệ thống doanh nghiệp đã phải trả một giá đắt.
Vấn đề cấp bách hiện nay là làm sống lại hệ thống doanh nghiệp. Làm sống lại doanh nghiệp là bảo đảm an sinh xã hội cho người dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
* Để giải quyết những vấn đề này và tạo đà cho phát triển kinh tế, theo ông, trong năm 2014, Chính phủ cần có những quyết sách gì?
- Việt Nam cần đặt quyết tâm mạnh mẽ vực dậy nền kinh tế trong năm 2014. Nếu ta e ngại lạm phát trở lại thì kịch bản 2013 sẽ tái diễn, dậm chân tại chỗ, thậm chí còn có nguy cơ suy thoái kinh tế.
Muốn khôi phục tăng trưởng kinh tế, thì cụ thể phải bơm tiền vào. Vấn đề ở đây là tiền ở đâu ra và phải đổ vào đâu. Theo tôi, có hai nguồn vốn phải tận dụng. Thứ nhất, là vốn nước ngoài, khi thị trường châu Âu đang đi xuống, các nước trong khối Brazin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi đang gặp khó khăn, thì các nhà đầu tư thế giới chỉ còn lựa chọn là vùng Đông Nam Á.
Đây là cơ hội hy hữu cần phải nắm bắt, nhưng Việt Nam phải rất năng động trong vấn đề này. Phải sớm gỡ bỏ những rào cản hiện tại, vì sớm muộn gì Việt Nam cũng phải làm bởi những hiệp ước đã ký trong khuôn khổ WTO, hay sắp ký gia nhập Hiệp định xuyên Thái Bình dương (TPP), nếu làm muộn thì dòng tiền quốc tế sẽ chảy đi nơi khác. Tiếp đó, Việt Nam cần phải tiến hành công tác truyền thông, mời chào các nhà đầu tư vào.
Nguồn vốn thứ hai là vốn của dân, khi các kênh đầu cơ truyền thống đều không phát huy hiệu quả thì dòng tiền thặng dư đang tràn ngập ngân hàng và các ngân hàng cũng không biết dùng để làm gì vì không dám cho doanh nghiệp vay. Phi lý nhất là trong khi nền kinh tế đang thiếu vốn thì người dân đã chôn chặt vốn vào vàng.
Nếu 2 dòng vốn trên chưa đủ thì ta phải làm như mọi quốc gia khác khi muốn kích thích nền kinh tế, dùng tiền ngân sách. Chính vì suy thoái kinh tế đã mang đến tình trạng bội chi, vực dậy nền kinh tế lại đúng là phương án tốt nhất để về lâu có thể cân đối chi tiêu nhà nước.
* Với những phân tích trên, ông nhận định như thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2014?
- Nếu nói đến dự báo kinh tế Việt Nam cho năm tới, có lẽ ta nên bỏ qua những giấc mơ đầu xuân, nó chỉ có giá trị của những lời chúc tụng đầu năm và phải nhìn vào thực tế, thông qua những báo cáo và kế hoạch đưa ra trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi cũng như dự đoán của những tổ chức quốc tế như IMF, Worldbank, ADB.
Trong năm 2014, trên phương diện kinh tế vĩ mô, Việt Nam chắc sẽ không có thay đổi lớn, GDP sẽ tăng trưởng xấp xỉ bằng năm nay ở vào khoảng 5,4%, lạm phát sẽ ở mức 7% và cán cân thanh toán quốc tế giữ mức 4%.
Nhìn từ bên trong, thì tình hình kinh tế của nước ta trong 2014 sẽ phức tạp hơn. Nếu ta án binh bất động thì sẽ rất khó giữ được mức tăng trưởng trên 5%. Khi kinh tế đi xuống, thì thiệt thòi nhất vẫn là người lao động, năm 2014, lương cứng có thể được duy trì ở mức cũ nhưng hãy nên chia tay với lương mềm.
Trong năm 2014, nhiều ngành có thể sẽ bị dao động mạnh bởi các cơn sốt đầu cơ. Hiện có một khoản vốn được rút ra từ những đợt đầu cơ bị “xì”, đang nhàn rỗi, phải cấp bách sinh lời và họ áp dụng liền những thủ thuật cổ điển, mua vào, tạo giá rồi bán lại kịp thời, họ sẽ làm như vậy trên mọi sản phẩm, mọi sân chơi, riêng thị trường chứng khoán, thị trường mua bán doanh nghiệp (M&A) sẽ có nhiều pha rất ngoạn mục.
Vì tất cả những lý do trên, năm 2014 sẽ là một năm đầy thử thách nhưng tôi tin rằng Đảng và Nhà Nước Việt Nam có đầy đủ năng lực, vượt qua những khó khăn trên, đưa kinh tế Việt Nam trở lại con đường tăng trưởng tốt và là một hình mẫu phát triển kinh tế cho những quốc gia trong khu vực.q
* Xin trân trọng cảm ơn ông!