Gia đình nhỏ của Nam sống nép mình ngay dưới chân Đèo Ngang, đầu phía Bắc. Ấy nhưng các “đại gia” có tiếng trong “làng” chăn nuôi và cung cấp giống lợn rừng nuôi hiện nay, từ Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội cho đến Bình Dương, Đăk Lăk… đều biết tiếng “Nam lợn rừng Đèo Ngang”. Họ biết đến Nam không chỉ là người cung cấp nhiều lợn con giống, mà chính là chất lượng đàn lợn rừng chuẩn của anh. Về điều này, với Nam như là một đặc ân của núi rừng ban tặng cho anh, vừa là bí quyết thành công trong việc giữ và nhân giống lợn rừng.
|
Nguyễn Văn Nam - Người bạn của rừng. Ảnh: PV
|
“Nam lợn rừng” xuất hiện không như tưởng tượng của chúng tôi về “nhân vật” có tiếng trong làng đặc sản thịt lợn rừng. Bởi đó là một người nhỏ thó, da bóng như đồng hun, “cưỡi” trên chiếc công nông đầu ngang, nhẩy chồm chồm vào khu nhà “cây xăng” anh đang ở nhờ… nhanh nhẹn nhảy xuống, bắt tay khách. Nhìn nụ cười cởi mở với bàn tay nắm chặt, ít ai biết được anh đã từng một thời lận đận làm thuê, kiếm ăn xuôi ngược hết trong Nam, ngoài Bắc rồi lại lên Tây Nguyên.
Còn nhớ lần đó, vợ anh - chị Nguyễn Thi Hoa, đã ôm đứa con gái vào lòng nhìn anh ra đi trong hàng nước mắt… Đêm ấy ôm con nằm giữa túp lều dưới chân Đèo Ngang, chị nhớ cái ngày đôi vợ chồng mới cưới quyết tâm gây dựng cơ nghiệp ở nơi này. Chị và anh đã tâm sự với nhau rằng phải lên cổng trời, nơi thờ bà Chúa Liễu Hạnh để cầu khẩn bà phù hộ cho hai vợ chồng có đời sống khá giả. Nhưng rồi đứa con gái đầu lòng ra đời, kết quả của “hai trái tim vàng”, thì cái nghèo túng lại càng bám riết lấy đôi vợ chồng chỉ có hai bàn tay trắng.
Thế là Nam dứt áo ra đi, cầm theo ít tiền vay được. Không hiểu sao lúc đó Nam nghĩ rằng phải tìm cách nuôi lợn rừng, nhưng không thể lấy đâu ra tiền mua con giống. Nam thường nói vui với bạn, anh tuổi Thân nên phải nương nhờ vào rừng mà sống. Nam lần mò lên tận A So, A Lưới (Huế), tìm cách bẫy lợn rừng để về nuôi. Gian nan, vất vả nhưng không mấy thành công, tiền đã cạn, không nỡ quay về làm tiêu tan niềm hy vọng của vợ con, Nam lại ngược ra Tây Ninh. Ba tháng liền, anh kiên trì lặng lẽ, có hôm nhịn đói để đeo bám, một con lợn rừng “độc” hung dữ. Trời đã không phụ công anh, khi bắt được con lợn đực nặng 1,7 tạ ấy. Công việc thuần hóa con lợn có hàng lông gáy dựng ngược và chiếc đuôi mầu trắng rất đặc biệt, cũng là cả một câu chuyện dài. Bây giờ, nó đã thành con lợn giống tốt, nặng gần 2 tạ. Có người biết giá trị nhân giống từ nguồn gen hoang dã của nó, đã trả anh gần tỷ đồng, nhưng Nam kiên quyết không bán. Sau khi đăng ký với kiểm lâm theo đúng quy định, anh bắt đầu học và áp dụng nhân giống để bán lợn con, đồng thời để lại một số con nuôi cung cấp thịt cho các nhà hàng đặc sản. Bây giờ trại lợn rừng nuôi của Nam có hơn 100 con, với 7 con lợn nái loại tốt, đã được chọn lọc. Ngoài ra, vợ chồng anh còn nuôi cá, trồng rau và cả làm thuê.
Có thể nói, Nguyễn Văn Nam chưa phải là một “đại gia” lắm tiền nhiều của, mặc dù đàn lợn của anh hiện cung cấp con giống và lợn thịt cho nhiều “nhà hàng” đặc sản nổi tiếng, thu về hàng trăm triệu mỗi năm. Đến nay, Nam đã xây xong móng của ngôi nhà tương lai rộng hơn trăm mét vuông ngay tại khu vực dựng chiếc lều xưa. Niềm hạnh phúc lớn của anh là hai đứa con ngoan và đều học rất giỏi.
Luôn gắn bó với núi rừng, Nam còn có một “người bạn” là một con cú mèo lớn, mắt xanh lè. Đến đêm khi thả ra, nó thường lặng lẽ theo Nam đi soi cá và không có một con chuột nào thoát, khi lọt vào mắt nó… Chắc bà Chúa Liễu Hạnh đã ghi nhận lời khẩn cầu của vợ chồng anh hơn 10 năm về trước? Chắc rằng bà Huyện cũng sẽ gật đầu hài lòng khi nhìn thấy một “tiều phu” không hề “khom lưng” như anh… Nghe chúng tôi đọc bài thơ của “bà Huyện”, Nam cười hiền từ, gương mặt thoắt trầm ngâm, anh biết và xúc động mỗi khi có ai đọc lại bài thơ ấy.
Cảm phục trước con người đầy bản lĩnh vươn lên thoát nghèo để làm giầu, nhà thơ Châu Nho đã “tức cảnh” tặng anh mấy câu thơ, với đầu đề “Người hùng Đèo Ngang”:
Vung trời một cõi Đèo Ngang
Không cam nghèo đói nên làm đó thôi
Bôn ba khắp bốn phương trời
Cảm thơ bà Huyện nên dời về đây.
Hà Tĩnh, tháng 11/2013