Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng cao… Nhiều thành quả đã đạt được trong năm 2013, nhưng vẫn có cảm giác là “một năm kinh tế buồn” khi hàng chục nghìn doanh nghiệp phải phá sản, tái cấu trúc hệ thống tín dụng, xử lý nợ xấu… vẫn còn nhiều dang dở.
Những gánh nặng này đang được chuyển sang năm 2014 với nhiều mối lo khác đang hình thành lớn hơn. Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trò chuyện với TS.Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương xung quanh vấn đề này.
* Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào về chính sách tài chính, tiền tệ trong thời gian qua, nhất là quá trình tái cấu trúc hệ thống tổ chức tín dụng?
- Chúng ta đã bắt tay vào xử lý những vấn đề của hệ thống ngân hàng với mục đích trước hết là tránh sự đổ vỡ và có thể đưa hệ thống ngân hàng dần quay trở lại hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh theo nghĩa là nền kinh tế hoạt động tương đối bình thường.
Hiện nay thanh khoản không còn là vấn đề trong hệ thống ngân hàng như trước
|
|
 |
Trong trường hợp nào cũng phải đưa ra thông điệp rõ ràng, đó là kiên trì giữ ổn định kinh tế vĩ mô
|
 |
|
Ông Võ Trí Thành
|
|
|
đây. Rõ nhất là lãi suất ngân hàng giảm nhiều. Thậm chí ở một số ngân hàng, vốn dư thừa, khó cho vay. Các ngân hàng yếu kém được tái cấu trúc, xử lý. Và bước đầu cố gắng có nhiều giải pháp để xử lý nợ xấu.
Sự lũng đoạn trên thị trường vàng cũng được hạn chế, “cá sấu”, “cá mập”… lặn đi. Điều đó góp phần hạn chế được rủi ro cho hệ thống ngân hàng mà trước kia tài sản gắn với vàng quá nhiều.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã có sự điều tiết tài chính để hướng nguồn lực vào những vấn đề an sinh xã hội cũng như những lĩnh vực muốn tăng trưởng để tạo công ăn việc làm. Ví dụ như những chính sách khuyến khích hướng tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, những người có thu nhập thấp để tiếp cận được nhà ở (đề án 30 nghìn tỷ đồng).
Nhưng đây chỉ là những kết quả bước đầu. Nhìn tổng thể, vẫn còn nhiều việc dang dở, gánh nặng phía trước còn rất lớn.
* Những cái dang dở và gánh nặng đó là gì, thưa ông?
- Có thể thấy là sự uyển chuyển và phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa chưa tốt. Khi thực hiện Nghị quyết 11/NĐ-CP vẫn biết tăng trưởng kinh tế, sản xuất kinh doanh sẽ khó khăn hơn vì việc thắt chặt chính sách vĩ mô, nhưng do sự phối hợp chưa tốt, cũng như chưa nhận thức đầy đủ ngay từ đầu những vấn đề nội tại của hệ thống ngân hàng, nên đã gây khó khăn hơn cho sản xuất kinh doanh.
Nhìn rộng hơn, ngay cả vấn đề kinh tế vĩ mô mặc dù đã có nhiều điểm tốt lên rất nhiều, nhưng vẫn chưa vững chắc, lạm phát cơ bản không tính đến những biến động của giá lương thực khoảng 8% là còn khá cao.
Niềm tin vào sự ổn định cũng chưa ổn. Vừa rồi có rất nhiều đánh giá việc Nhà nước nâng trần bội chi 4,8 lên 5,3 năm nay và năm 2014 và tăng cho năm 2014 - 2016 thêm 170 ngàn tỷ đồng phát hành trái phiếu để đầu tư. Không bàn đến những tính toán cụ thể nó sẽ tác động thế nào về tăng trưởng, về ổn định, về nợ công… mà ở chỗ niềm tin của thị trường, niềm tin về chính sách có thể sẽ bị “lắc lư”.
Đối với hệ thống ngân hàng thì vấn đề nợ xấu vẫn hết sức nghiêm trọng, chúng ta mới bắt tay vào xử lý và kết quả chưa được bao nhiêu. Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chỉ là một trong những giải pháp để xử lý nợ xấu.
Nhìn chung tái cấu trúc hệ thống tổ chức tín dụng vẫn còn nhiều vấn đề như minh bạch hóa, giám sát hệ thống tài chính, chất lượng quản trị, sở hữu chéo, và kể cả vấn đề tiếp tục cải tổ các ngân hàng yếu kém.
 |
Năm 2013, lãi suất ngân hàng đã giảm nhiều. Ảnh: ĐT
|
* Gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta nên chấp nhận sự ra đi của một số ngân hàng yếu kém để đổi lấy sự ổn định và phát triển của toàn hệ thống. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Ngân hàng là hệ thống rất nhạy cảm về mặt kinh tế, xã hội, chính trị. Do nó là mạch máu của nền kinh tế, mức độ liên đới và sự lan tỏa của nó rất lớn. Không chỉ ở Việt Nam mà các nước khi xử lý các ngân hàng cũng rất cẩn trọng để đảm bảo rằng không gây ra tác động đổ vỡ lan truyền.
Gần đây có nhiều ý kiến cho rằng, đối với một số ngân hàng quá yếu kém thì vẫn có khả năng cho phá sản. Nhưng để làm được điều đó phải đòi hỏi hai điểm rất cơ bản. Thứ nhất sự minh bạch và thông điệp về thị trường phải rõ ràng để đảm bảo rằng cả hệ thống an toàn. Thứ hai là có cơ chế xử lý các vấn đề liên quan đến sự ra đi của ngân hàng, đặc biệt bảo vệ những khách hàng gửi tiền.
Thực tế, chúng ta chưa chọn cách làm này. Nhưng đây là thông điệp để giảm thiểu rủi ro đạo đức, không để tình trạng làm liều rồi lại được cứu. Mà cần phải có người chịu trách nhiệm và phải trả giá.
* Vậy theo ông chính sách tiền tệ trong thời gian tới chúng ta nên vận dụng thế nào cho hợp lý?
- Chính sách tiền tệ trong năm 2014 về cơ bản như năm 2013. Tuy nhiên ở đây có vài điểm cần lưu ý. Đó là phải có sự phối hợp với chính sách tài khóa, không chỉ phối hợp tổng thể mà phối hợp cả về những khía cạnh dòng tiền, kỹ thuật. Phải có chuyển biến cơ bản để tiếp tục tái cấu trúc ngân hàng, xử lý nợ xấu đi vào thực chất đảm bảo dòng vốn luân chuyển trơn tru hơn.
Tiếp tục hoàn thiện những biện pháp khác cần thiết đối với thị trường vàng, không chỉ ổn định theo nghĩa không có những cơn sốt vàng mà cần cả sự liên thông với thị trường vàng thế giới. Nếu không đầu cơ và buôn lậu vàng vẫn được khuyến khích. Bên cạnh đó là tìm những cách thức, công cụ thị trường thích hợp đề huy động vàng thành nguồn vốn đầu tư phát triển.
Ngoài ra, chúng ta cần chuẩn bị những phản ứng cần thiết đối với những biến động của kinh tế thế giới, những chính sách của các nước phát triển, nhất là việc Mỹ dừng gói nới lỏng định lượng (QE3). Chúng ta hy vọng họ sẽ giảm dần dần, tránh cắt giảm đột ngột, dễ gây ra các cú sốc. Nhưng cũng phải đặt ra giả thiết trong trường hợp bị cắt giảm mạnh, đồng USD sẽ lên giá, lãi suất USD tăng, khi đó các chính sách điều hành lãi suất, tỷ giá và toàn bộ thị trường tiền tệ cần có những điều chỉnh phù hợp.
Trong trường hợp nào cũng phải đưa ra thông điệp rõ ràng, đó là kiên trì giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Có ổn định thì các nguồn lực mới được phân bổ một cách hiệu quả, đấy là nền tảng quan trọng cho tái cấu trúc nền kinh tế.
Tôi luôn cho rằng, với ổn định kinh tế vĩ mô thì phải kiên trì và nhất quán, với phục hồi đừng quá hấp tấp, vội vã, với cải cách và tái cấu trúc phải kiên quyết và triệt để.
* Xin trân trọng cảm ơn ông!