Có một câu hỏi lớn trải dài suốt năm 2013: Vì sao vẫn có nhiều người găm giữ vàng không bán ra, Ngân hàng Nhà nước vẫn đều đặn bơm hàng mà vẫn tun tút đi hết?
Sống chung với giá giảm
Kéo dài cả thập kỷ, giá vàng chỉ biết đến tăng, tăng đến lóa mắt. Nhưng năm 2013 là sự đứt gãy không thể gắng gượng và kéo dài. Tính chung năm vừa qua, giá vàng thế giới giảm khoảng 28%, giá vàng trong nước giảm khoảng 25%.
Thế nhưng, nguồn cung trên thị trường vẫn thiếu. Nhiều người vẫn găm giữ, sống chung với giá giảm. Thiếu nên Ngân hàng Nhà nước phải tạo cung, bơm thêm gần 70 tấn vàng miếng, tương ứng với khoảng 1,8 triệu lượng.
Thực ra, từ cuối 2012 đến quý 1/2013, khi đà giảm thể hiện rõ nét, hoạt động chốt lời và cắt lỗ cũng đã thể hiện. Bằng chứng là các ngân hàng thương mại đã mua được khoảng 100 tấn từ dân cư để phục vụ tất toán trạng thái, khi Ngân hàng Nhà nước chưa mở cửa đấu thầu. Thị trường tự dưỡng bằng nguồn đó, gần 70 tấn nguồn mới qua đấu thầu là đáp ứng nhu cầu mới.
Song về tổng thể, 2013 là một cuộc thi gan kéo dài của các quyết định găm giữ vàng với thực tế bốc hơi nhanh chóng của tài sản kim loại quý này. Cuộc thi gan được nhìn nhận như thế nào?
Mở đầu năm 2013 với gần 47 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC trượt dần rồi đón cú rơi khủng khiếp ngày 16/4, xuống còn 39,7 triệu đồng/lượng. Chỉ sau 4 tháng, là một diễn biến quá nhanh và phũ phàng đối với những quyết định găm giữ với hy vọng phục hồi. Đúng 4 tháng sau, lại thêm một cú bồi nữa, giá rơi xuống còn 34,9 triệu đồng/lượng ngày 28/6. Thế nhưng, cung lớn vẫn không xuất hiện, hay không có hiện tượng nhả hàng diện rộng hay tháo chạy, thậm chí Ngân hàng Nhà nước còn phải tăng tốc đấu thầu bán ra.
Đó là cả một quá trình thi gan. Giám đốc một quỹ đầu tư chứng khoán nhìn sang vàng và nêu suy tính: Có lẽ nhiều người găm giữ vàng không dám thừa nhận sự thật là tài sản đã bốc hơi ghê gớm như vậy. Họ bị ru ngủ bởi hy vọng phục hồi mà chuỗi tăng giá ồ ạt suốt chục năm qua chưa dễ quên; Đây cũng là những nguyên nhân dẫn đến thua lỗ lớn trên sàn chứng khoán những năm 2007 - 2008.
Ở góc nhìn kinh nghiệm, một chuyên gia lại cho rằng, với truyền thống và tâm lý ưa thích vàng, quen tích trữ vàng hàng trăm năm, nhiều người vẫn chỉ quan niệm và trung thành với quan niệm đánh giá tài sản của mình là bao nhiêu lượng, bao nhiêu chỉ, mà không quy đổi thành tiền đồng.
Chuyên gia này cũng dẫn chứng thêm một thực tế: Năm 2013, tiền gửi ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng vẫn tăng tới trên 13%, trong khi lãi suất “bọt bèo” 0,5 - 1,25%/năm, thấp hơn và thiệt hơn rất nhiều so với chuyển đổi và gửi bằng VND.
Sống chung với đấu thầu
Tại một hội thảo trung tuần tháng 12/2013, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá: “Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã giảm được sự lũng đoạn của “cá mập” trên thị trường vàng”.
Đánh giá trên không mới. Ngay từ phiên đấu thầu đầu tiên 28/3/2013, nhiều chuyên gia và người trong cuộc đã lường trước “cá mập” sẽ khó quậy. Bởi lẽ, Ngân hàng Nhà nước đã nắm mọi lợi thế trong tay; hay như cách nói của ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn DOJI, là đã có “thập bát môn võ nghệ”. Đó là độc quyền thương hiệu SJC, độc quyền xuất nhập khẩu và sản xuất vàng miếng, có nguồn lực dự trữ ngoại hối vừa gia tăng mạnh…
Thế nhưng, xuyên suốt 9 tháng 76 phiên đấu thầu vẫn là một cuộc thi gan giữa Ngân hàng Nhà nước và “giới cá mập” không dễ lộ diện.
Một số nhà đầu tư từng tính toán rằng, nguồn hàng đấu thầu là có hạn. Ngân hàng Nhà nước không thể mạnh tay dùng ngoại tệ từ dự trữ để nhập vàng về. Họ dự kiến sau khi tung khoảng 30 tấn, “đạn” sẽ cạn dần, thị trường sẽ có phản ứng nảy sinh những cơ hội kiếm lời… Nhưng, 30 tấn, 50 tấn rồi gần 70 tấn và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo tính toán tương đối, bình quân nhu cầu của thị trường Việt Nam mỗi năm cần khoảng 70 tấn, từ cuối 2011 đến nay cộng dồn cần khoảng 150 tấn để đáp ứng, nhưng thực tế mới chỉ gần 70 tấn mà giữ được ổn định thị trường, hẳn là điều mà Ngân hàng Nhà nước tự tin để làm tiếp. Hơn nữa, họ hiện là nguồn tạo cung mới duy nhất cho thị trường, hay thị trường sẽ vẫn sống chung với đấu thầu vàng.
Câu hỏi thú vị là, sau khi bao tiêu gần 70 tấn, nguồn tiền trên thị trường, trong đó có lực lượng “cá mập”, có đủ sức để tiếp tục theo đuổi cuộc thi gan, nhất là khi càng đấu giá trị tài sản bằng vàng càng giảm như năm qua?
Và cuộc thi gan ở đây không dừng lại ở tương quan lực lượng. Ngân hàng Nhà nước còn phải thi gan với vấn đề giá đấu và chênh lệch giá trong nước so với thế giới.
Sống chung với thắc thỏm
Cuộc thi gan trên thị trường vàng năm 2013 có thể chia thành hai phía tham gia: Ngân hàng Nhà nước với “cá mập” và những ai quyết định găm giữ. Vậy, phần thắng rồi sẽ thuộc về ai?
Riêng năm 2013, rõ ràng Ngân hàng Nhà nước đã thắng khi giữ ổn định được thị trường vàng, hạn chế tác động bất lợi của nó từng gây nhiễu các mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, gây bất ổn trong dư luận trước đây… Và khoảng 8.000 tỷ đồng thu từ đấu thầu nộp ngân sách nhà nước cũng là “phần thắng” cụ thể.
Cuộc thi sắp tới, Ngân hàng Nhà nước vẫn nắm các lợi thế đã có. Càng lợi thế hơn khi họ đang chờ đợi một sự bỏ cuộc thực sự của “cá mập”, của những quyết định găm giữ gắn với một triển vọng thắc thỏm trong năm 2014.
Tín hiệu đã có. Cuối 2013, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định cắt giảm gói nới lỏng định lượng (QE3). Giá vàng lao dốc là phản ứng tức thì, xa hơn là triển vọng không mấy sáng sủa cho giá vàng. Không chỉ Mỹ, các nền kinh tế lớn khác như Nhật Bản đang thắp hy vọng phục hồi. Nếu vậy, vàng sẽ càng bị thất sủng hay bớt hấp dẫn.
Thế nên, một tình huống sẽ ngã ngũ phần thắng trong cuộc thi gan hiện nay trên thị trường vàng Việt Nam cần xét đến là: Giá vàng vẫn tiếp tục giảm theo xu hướng trên thế giới, trong khi nền kinh tế ấm lên, thị trường chứng khoán và có thể cả bất động sản sôi động lên, thị trường vàng sẽ có nhiều cuộc chia tay.
Trong tình huống đó, một khi lời chia tay mở rộng, chênh lệch giá thu hẹp, thậm chí về sát và thấp hơn giá thế giới, Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên có thể tính chuyện mua vào; chí ít, họ sẽ nhẹ nhàng hơn với hoạt động đấu thầu bán ra.