Năm 2013, một năm kinh tế đầy khó khăn, nhưng với ngành bảo hiểm, đây là năm ghi dấu những nỗ lực và thành công vượt bậc của thị trường với tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 44.388 tỷ đồng và số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 109.000 tỷ đồng.
20 năm cho một tấm lá chắn rủi ro
Nghị định 100/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ được ban hành ngày 18/12/1993 có thể coi là một mốc son đánh dấu sự phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam, từ chỗ chỉ có một 1 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) thuộc sở hữu của Nhà nước là Bảo Việt, đến nay thị trường bảo hiểm đã có 59 DNBH hoạt động trong lĩnh vực nhân thọ, phi nhân thọ, tái bảo hiểm và môi giới bảo hiểm.
Các DNBH đã không ngừng xây dựng các sản phẩm bảo hiểm có điều kiện, điều khoản, phí bảo hiểm phù hợp với tình hình kinh doanh và đời sống của người tham gia bảo hiểm, số lượng sản phẩm đã tăng từ 20 sản phẩm bảo hiểm lên gần 800 sản phẩm bảo hiểm vào năm 2013. Ngoài các sản phẩm bảo hiểm truyền thống còn có các sản phẩm bảo hiểm mới mang yếu tố đầu tư tài chính, sản phẩm triển khai nhằm phục vụ chính sách của Nhà nước, thực hiện chính sách tam nông, thực hiện chính sách hỗ trợ hoạt động xuất khẩu; bảo hiểm vi mô cho người có thu nhập thấp...
 |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà (thứ tư từ phải qua) trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính cho các DNBH. Ảnh: Hồng Chi
|
Với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Chính Phủ, Bộ Tài chính cùng với nỗ lực của cơ quan quản lý và của chính các DNBH, bất chấp khó khăn chung, thị trường ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc qua các năm, từ mức doanh thu 700 tỷ đồng vào năm 1993 đến năm 2007 mức doanh thu của toàn thị trường đã đạt được con số 17.650 tỷ đồng và đến nay thị trường đã đạt mức doanh thu 44.388 tỷ đồng.
Đặc biệt, tổng số tiền mà các DNBH đã bồi thường và chi trả tiền bảo hiểm tăng nhanh, từ 120 tỷ đồng vào năm 1993 lên 16.290 tỷ đồng vào năm 2013, trong đó các DN bảo hiểm nhân thọ chi trả khoảng 7.500 tỷ đồng, các DN bảo hiểm phi nhân thọ chi trả khoảng 8.790 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm các DNBH đã chi trả bồi thường hơn 8000 tỷ đồng/năm, nhiều vụ tổn thất lớn đã chi hàng trăm tỷ đồng.
Nếu như trước năm 1993, số tiền thị trường bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế là con số 0 thì đến nay, thị trường bảo hiểm đã trở thành kênh huy động vốn dài hạn hữu hiệu của nền kinh tế, với tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế năm 2013 đạt 109.000 tỷ đồng, chủ yếu được đầu tư vào các chương trình, dự án lớn của Nhà nước.
Ghi nhận những thành quả đạt được trong chặng đường 20 năm phát triển, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã đánh giá cao những thành tựu mà thị trường bảo hiểm đã đạt được trong suốt 20 năm qua.
Thứ trưởng nhấn mạnh, thị trường bảo hiểm đã từng bước thực hiện được vai trò là tấm lá chắn vững chắc trước mọi rủi ro giúp các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm nhanh chóng ổn định hoạt động và cuộc sống, là kênh huy động vốn dài hạn, hữu hiệu của nền kinh tế, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới. Cơ quan quản lý bảo hiểm Việt Nam đã tham gia Hiệp hội quốc tế các cơ quan quản lý bảo hiểm, tham gia hợp tác bảo hiểm với các nước ASEAN nhằm chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác quản lý giám sát, góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Niềm tin vào một chặng đường phát triển mới
Năm cũ qua đi, Xuân mới đang về, phát huy kết quả đã đạt được trong những năm qua, toàn ngành bảo hiểm đang nỗ lực ngay từ những ngày đầu năm để đạt được những kết quả cao trong năm 2014, ghi dấu một chặng đường mới, một giai đoạn phát triển mới của toàn ngành bảo hiểm.
Để tiếp tục phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam trong giai đoạn mới, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, ban hành các tiêu chí an toàn tài chính, kiểm tra giám sát các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các vi phạm nhằm đảm bảo thị trường phát triển nhanh, lành mạnh, bảo vệ lợi ích của người tham gia bảo hiểm và các nhà đầu tư. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cần làm tốt hơn nữa vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các DNBH và các nhà đầu tư.
Đặc biệt, các DNBH cần tiếp tục mở rộng phát triển các sản phẩm dịch vụ, nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo khả năng thanh toán, cải thiện công tác quản trị điều hành, quản trị rủi ro nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo quyền lợi khách hàng, công khai, minh bạch, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Phó Cục trưởng Cục quản lý, giám sát bảo hiểm Phùng Ngọc Khánh cho biết, năm 2014 toàn ngành sẽ dốc toàn lực thực hiện các mục tiêu đã được cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và thực hiện Đề án “Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm”.
Cục sẽ sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhằm đơn giản hoá và giảm bớt thủ tục hành chính hỗ trợ hoạt động của các DNBH, hướng dẫn DNBH rà soát mạng lưới hoạt động, từng bước mở rộng hoạt động tại các khu vực còn nhiều tiềm năng, thu hẹp phạm vi hoạt động tại những khu vực không có hiệu quả...
Cũng theo ông Khánh, các DNBH cần tăng cường năng lực tài chính, năng lực kinh doanh và năng lực quản trị điều hành; khuyến khích các DNBH triển khai sản phẩm bảo hiểm mới và phát triển kênh phân phối chuyên nghiệp; từng bước tiến tới các chuẩn mực quản lý, giám sát bảo hiểm quốc tế tạo nền tảng phát triển bền vững trong chặng đường mới./.