Thành quả này là sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý tài sản công, ngày đêm đi sớm về muộn, gác lại việc gia đình để nhập cho kịp các dữ liệu vào phần mềm đăng ký TSNN theo đúng yêu cầu của Bộ Tài chính....
Từ ngày đầu gian khó...
Một ngày đầu tháng 12, tôi đến gặp anh Nguyễn Tân Thịnh, Cục Phó Cục Quản lý công sản (QLCS), Bộ Tài chính, người gắn bó với CSDL từ khi còn là “trứng nước”. Bên tách trà nóng, anh ngược thời gian trở về 5 năm trước....
Đã từ rất lâu rồi (vào thời điểm ngày 1/1/1998) cả nước mới có một cuộc tổng kiểm kê tài sản, đây cũng chính là lần kiểm kê duy nhất giúp các cơ quan chức năng nắm được tổng thể khối lượng cũng như hiện trạng của TSNN nằm ở từng cơ quan, đơn vị, bộ, ngành. Tuy nhiên, do thiếu trang thiết bị và khâu lưu trữ còn lạc hậu nên các số liệu cũng dần mai một. Điều này đã gây khó khăn cho nhà nước khi ban hành các chính sách liên quan đến tài sản cũng như gây khó khăn cho việc điều hòa tài sản từ chỗ thừa sang chỗ thiếu.
Trước tình hình này, Quốc hội đã đưa ra yêu cầu, hàng năm tất cả các cơ quan, đơn vị các cấp phải thực hiện báo cáo tình hình quản lý, sử dụng TSNN của đơn vị mình và Cục QLCS, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ tổng hợp chung các số liệu này để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội.
Những câu hỏi: Tiếp cận số liệu như thế nào đây? Lưu trữ thế nào để các số liệu này trở thành chuẩn mực cho bất cứ một báo cáo nào liên quan tới TSNN luôn là nỗi trăn trở với những người làm công tác quản lý công sản lúc bấy giờ. Và rồi phương án xây dựng CSDL quốc gia về TSNN trực tuyến với giải pháp sử dụng Phần mềm đăng ký TSNN thông qua mạng Internet đã được lựa chọn.
Phương án đã có, nhưng khi bắt tay vào triển khai mới thấy “cả núi” khó khăn đang chờ trước mặt, bởi đây là lần đầu tiên ứng dụng CNTT vào việc quản lý TSNN, mà lại là quản lý mang tính chất tập trung trong cả nước, “đối với bản thân cán bộ của Cục Quản lý công sản còn bỡ ngỡ với công việc này chứ chưa nói gì tới các cán bộ của các cơ quan tài chính các cấp”, anh Thịnh cho biết.
Hơn nữa, để phù hợp với giai đoạn đầu triển khai, chỉ có 4 loại tài sản lớn được đưa vào CSDL đó là: Nhà, đất, xe ô tô và các tài sản có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên. Thế nhưng 4 loại tài sản này lại được sử dụng ở gần 100.000 đơn vị với nhiều số liệu, thông tin không đầy đủ nên công tác kê khai, rà soát mất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, việc cập nhật thông tin vào trong CSDL lại không nhận được sự quan tâm nhiều của các cấp, các ngành cũng như thủ trưởng các đơn vị khi ấy. Rồi đội ngũ cán bộ làm công tác quản trị dữ liệu của các bộ, địa phương, hoặc là có kinh nghiệm về quản lý tài sản nhưng lại thiếu kinh nghiệm về CNTT hoặc ngược lại, có cán bộ có trình độ tin học cao nhưng thiếu kinh nghiệm về quản lý TS.
Nhưng có lẽ, những vất vả này vẫn chưa thể so sánh được với khó khăn về nhận thức của các cấp, các ngành đối với vị trí, vai trò của CSDL trong công tác quản lý tài sản. Việc coi CSDL chỉ là một báo cáo thống kê thông thường là tâm lý chung của nhiều cấp, địa phương tại thời điểm đó...
... bước tới thành công
Nhớ về những ngày đầu xây dựng CSDL, đã có lúc giọng anh chùng xuống, anh tâm sự “đã qua 5 năm rồi, vậy mà hôm nay các kí ức lại ùa về như mới chỉ là ngày hôm qua”. Ai cũng biết, khó khăn về cơ sở vật chất, về kinh nghiệm, trình độ đều có thể khắc phục được, nhưng khó khăn về nhận thức làm sao có thể khắc phục được trong ngày một, ngày hai. Tuy nhiên, với sự cấp thiết của công việc, Cục QLCS đã triển khai hàng loạt các giải pháp khác nhau như tập huấn, hỗ trợ thường xuyên cho các đơn vị, đôn đốc nhắc nhở các đơn vị cập nhật dữ liệu, tổ chức các đoàn kiểm tra tới tận cơ sở để trực tiếp hỗ trợ việc lập báo cáo kê khai tài sản, xác lập thông tin chuẩn xác ngay từ đầu.
Với câu hỏi làm cách nào để thay đổi nhận thức của mọi người, anh Thịnh cho biết, Cục QLCS trước tiên đã rất gương mẫu trong công tác này, sau đó, Cục có thông báo chỉ lấy số liệu trong CSDL làm số liệu chuẩn phục vụ cho việc báo cáo Quốc hội, Chính phủ cũng như phục vụ cho lãnh đạo Bộ Tài chính khi làm việc với cán bộ, địa phương. Bên cạnh đó, công việc quản lý của Cục cũng sẽ dựa vào các số liệu này, không dựa vào báo cáo của đơn vị (báo cáo của đơn vị chỉ để tham khảo).
Số liệu của Cục QLCS ban đầu có thể chưa chuẩn vì nhiều đơn vị chưa thực sự quan tâm đến việc cập nhật dữ liệu liên tục vào phần mềm, nhưng Cục vẫn dứt khoát sử dụng. Từ đó các đơn vị đã nhận thức được tầm quan trọng của CSDL và đồng lòng ủng hộ. Ngoài ra, qua các hội nghị, Cục QLCS cũng đã lồng ghép thêm ý nghĩa của việc sử dụng CSDL và rất mừng là các bộ, ngành đã quan tâm hơn và đã cùng Cục QLCS xây dựng quy chế phối hợp đăng nhập thông tin về TSNN vào trong CSDL.
Rồi còn biết bao vất vả của đội ngũ cán bộ tại các địa phương khi tham gia đăng nhập dữ liệu. Anh Thịnh cho biết, có đi về các địa phương mới thấy hết được sự tận tụy, yêu nghề của đội ngũ cán bộ nơi đây khi các anh, chị luôn là những người đi sớm nhất, về muộn nhất. Việc gia đình cũng được các anh, chị tự nguyện gác lại để chuyên tâm cho công việc nhập liệu.
Nhưng đấy là với những địa phương có hạ tầng truyền thông tốt, còn một số địa phương hạ tầng truyền thông chưa tốt, công tác tin học hóa chưa về tới huyện, xã thì việc nhập dữ liệu chỉ có thể thực hiện tại Sở Tài chính tỉnh, công việc nhập liệu càng vất vả hơn. Lúc này “mỗi cán bộ làm việc bằng hai, bằng ba và việc ngủ lại qua đêm tại cơ quan là chuyện bình thường”.
Tới đây CSDL sẽ giải quyết được rất nhiều bài toán lớn trong công tác quản lý tài sản công, mà trước mắt là bài toán về quản lý tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước”, anh Thịnh cho biết./.