PV: Bảo đảm an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ, đầu tư là nhiệm vụ quan trọng, luôn được lực lượng Công an đặt lên hàng đầu. Xin Bộ trưởng cho biết những nét nổi bật trong hoạt động của lực lượng Công an trên lĩnh vực này năm 2013?
Bộ trưởng Trần Đại Quang: Năm 2013, lực lượng Công an đã phát huy vai trò nòng cốt, tập trung thực hiện tốt chức năng tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các ngành kinh tế, tài chính, tiền tệ, đầu tư và các tổ chức kinh tế, xã hội, triển khai quyết liệt nhiều kế hoạch, biện pháp đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm trên các lĩnh vực kinh tế; nắm chắc tình hình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về kinh tế, tài chính, tiền tệ, đầu tư; kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót để tham mưu với Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục.
Tham mưu, phối hợp giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện, đình công, lãn công, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng lao động và quyền lợi của người lao động, đồng thời đấu tranh vô hiệu hóa hoạt động lợi dụng công nhân đình công, lãn công để kích động chống phá của các thế lực thù địch. Chủ động phối hợp giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vấn đề kinh tế - xã hội phức tạp nảy sinh liên quan đến an ninh, trật tự, các vụ kiện, tranh chấp kinh tế, thương mại quốc tế, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia và của doanh nghiệp Việt Nam.
Triển khai thực hiện các giải pháp bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, vô hiệu hóa hoạt động thâm nhập, tác động, thông qua kinh tế nhằm chuyển hóa chính trị của các thế lực thù địch. Phát hiện, đề xuất xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước những cán bộ, đảng viên thoái hóa về tư tưởng chính trị, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Tăng cường bảo vệ bí mật nhà nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cũng như trách nhiệm của các ngành, các cấp và của cán bộ, công nhân viên đối với công tác này; coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cơ quan, tổ chức kinh tế, tài chính, tiền tệ, đầu tư. Phối hợp xây dựng các quy định, quy trình, quy chuẩn, hệ thống bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong rà soát, phát hiện và phòng ngừa sự cố, khắc phục “lỗ hổng” bảo mật. Tổ chức kiểm tra, đánh giá toàn diện công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin tại các cơ quan, tổ chức kinh tế, tài chính, tiền tệ, đầu tư; từ đó đề ra các giải pháp phòng ngừa và khắc phục nguy cơ mất an ninh, an toàn, bảo vệ bí mật nhà nước.
Tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, góp phần thực hiện có hiệu quả các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tăng cường công tác phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm trên các lĩnh vực kinh tế và chống tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, xử lý, bảo đảm đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không để oan sai, thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông đại chúng, các ngành kinh tế, tài chính, tiền tệ, đầu tư trong công tác tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ,công nhân viên và nhân dân về các âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, nhất là số đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tăng cường phối hợp với cấp ủy đảng, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức kinh tế, tài chính, tiền tệ, đầu tư trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức. Tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị định của Chính phủ về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, phát huy vai trò, hiệu quả của lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự tại các cơ quan, tổ chức kinh tế, tài chính, tiền tệ, đầu tư.
PV: Thưa Bộ trưởng, trong xu thế phát triển hiện nay, bên cạnh những mặt thuận lợi là cơ bản, cũng nảy sinh một số vấn đề phức tạp. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?
Bộ trưởng Trần Đại Quang: Tình hình an ninh, trật tự trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, đầu tư có những diễn biến phức tạp. Việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế kết quả có mặt còn hạn chế, quá trình tái cơ cấu kinh tế bộc lộ những bất cập; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn, giải quyết việc làm còn khó khăn, tác động tiêu cực đến an sinh và ổn định xã hội, làm nảy sinh phức tạp về an ninh, trật tự.
Tình trạng lợi dụng kẽ hở trong chủ trương, chính sách kinh tế để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước vẫn xảy ra, tình trạng trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng, lợi dụng tạm nhập tái xuất để buôn lậu, đã tác động xấu đến an ninh tài chính, ngân hàng. Tình trạng doanh nghiệp, dự án FDI vắng chủ, nợ thuế, trốn thuế và nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, nợ vốn vay của các tổ chức tín dụng trong nước bỏ trốn, tác động xấu đến môi trường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.
Công tác quản lý người lao động nước ngoài tại các dự án còn lỏng lẻo, thậm chí vi phạm nhiều quy định về cấp phép lao động, dẫn đến mất ổn định về an ninh, trật tự tại địa phương. Hoạt động khai thác khoáng sản chưa được quản lý chặt chẽ gây thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến môi trường. Trong hợp tác kinh tế, đối tác nước ngoài lợi dụng sự yếu kém trong quản lý kinh tế và tình trạng khó khăn về tài chính của nhiều doanh nghiệp Việt Nam để chi phối, tìm cách đưa các công nghệ, thiết bị lạc hậu vào nước ta.
Tội phạm kinh tế, tham nhũng, lãng phí xảy ra rất phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của Nhà nước, tổ chức và công dân. Năm 2013 đã phát hiện 12.138 vụ vi phạm về trật tự quản lý kinh tế, nhiều hơn 518 vụ so với năm 2012; 435 vụ tham nhũng, nhiều hơn 104 vụ so với năm 2012. Tội phạm tham nhũng chủ yếu xảy ra trong các dự án đầu tư, quản lý tài sản công, xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất đai, thực hiện chính sách xã hội. Tình hình buôn lậu vàng, ngoại tệ, thuốc lá, hàng tiêu dùng và một số mặt hàng cao cấp, có giá trị kinh tế cao vẫn còn diễn biến phức tạp. Lực lượng Công an đã khởi tố, điều tra 1.730 vụ, 3.068 bị can; đã kết thúc điều tra chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn.
Nguyên nhân của tình trạng nêu trên có nhiều, nhưng chủ yếu là do cấp ủy, lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp chưa nhận thức đúng đắn, đầy đủ vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ, đầu tư; còn chủ quan, sơ hở, mất cảnh giác, chưa chú trọng bảo vệ bí mật nhà nước; đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, nhân viên bị suy thoái, xuống cấp, thậm chí móc nối với đối tượng bên ngoài để thực hiện hành vi phạm tội... Đây là những vấn đề mà lực lượng Công an nhân dân cần phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo khắc phục trong thời gian tới.
PV: Theo Bộ trưởng, đâu là những thách thức đối với lực lượng Công an nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự nói chung và trong bảo vệ an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ, đầu tư trong thời gian tới?
Bộ trưởng Trần Đại Quang: Năm 2014, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn trên thế giới, nhưng tình hình còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định. Quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế tiếp tục diễn ra mạnh mẽ; khủng hoảng tài chính - suy thoái kinh tế thế giới và sự cạnh tranh gay gắt do xu hướng liên kết kinh tế, bảo hộ mậu dịch, đã tác động sâu rộng đến sự phát triển về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của các nước trong khu vực, trên thế giới, trong đó có Việt Nam. An ninh của đất nước ta phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức, chủ yếu xuất phát từ những biến động của sự thay đổi cục diện thế giới, khu vực; các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống. Các thế lực thù địch, phản động tiếp tục thực hiện âm mưu, chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ nhằm chuyển hóa chế độ chính trị ở nước ta; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có xu hướng ngày càng bộc lộ rõ nét và nghiêm trọng hơn; nguy cơ chiến tranh mạng, mất an ninh, an toàn thông tin, lộ lọt bí mật quốc gia sẽ ngày càng nghiêm trọng nếu không có giải pháp hữu hiệu; các loại hình tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia ngày càng tăng cả về quy mô, tính chất nguy hiểm, nhất là tội phạm khủng bố, tội phạm ma túy, tội phạm rửa tiền, tội phạm mua bán người, tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Trong nước, kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc, nguy cơ lạm phát vẫn còn tiềm ẩn, nợ xấu còn cao, hoạt động của một số tổ chức tín dụng chưa thật an toàn; cân đối ngân sách khó khăn. Việc thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm và nhiều bất cập; tái cơ cấu ngành, lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.
Để bảo đảm an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ, đầu tư, đối phó có hiệu quả với những thách thức nêu trên, lực lượng Công an tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các ngành kinh tế, tài chính, tiền tệ, đầu tư và các tổ chức kinh tế, xã hội trong công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, chống địch thâm nhập nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước; đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tập trung nắm tình hình liên quan đến an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ, đầu tư, trọng tâm là quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức tín dụng, đầu tư công, giải quyết nợ xấu, thị trường vàng, thị trường chứng khoán, hoạt động mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp; kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót để tham mưu với Đảng, Nhà nước và kiến nghị các bộ, ngành có chủ trương, giải pháp khắc phục.
Chủ động triển khai các biện pháp công tác, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các dự án, công trình kinh tế trọng điểm, không để xảy các sự cố nghiêm trọng, các hoạt động phá hoại. Kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm liên quan đến quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, như “chạy” chính sách, thâu tóm, chuyển dịch tài sản bất hợp pháp, chuyển giá, trốn thuế, vay vốn ngân hàng rồi bỏ trốn... Xử lý nghiêm số đối tượng vi phạm và thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt cho Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Bảo đảm an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ, đầu tư là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Nhà nước, trong đó lực lượng Công an đóng vai trò nòng cốt, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
PV: Là Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên - một địa bàn chiến lược quan trọng, xin Bộ trưởng cho biết những kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên trong năm 2013?
Bộ trưởng Trần Đại Quang: Năm 2013, trong bối cảnh đất nước ta phải đối phó với những tác động tiêu cực của tình hình thế giới, khu vực, các địa bàn chiến lược nói chung, Tây Nguyên nói riêng luôn là mục tiêu trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, mà trực tiếp là Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành và các địa phương trong cả nước, Tây Nguyên đã và đang đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa quan trọng. Tăng trưởng kinh tế đạt 10,69%; thu nhập bình quân đầu người đạt 31,26 triệu đồng/năm.
Chính sách dân tộc và công tác bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; năm 2013, đã có 63,6 nghìn người được đào tạo nghề, tạo thêm việc làm cho 104 nghìn lao động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp; cơ sở vật chất, chất lượng dạy học, khám chữa bệnh được cải thiện. Công tác xóa đói, giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện, xã, thôn, buôn nghèo được đẩy mạnh, không để xảy ra tình trạng thiếu đói. Một số vướng mắc, tồn đọng kéo dài nhiều năm trong việc đền bù, tái định cư ở một số công trình thủy điện lớn, các dự án trồng cao su đã được tập trung giải quyết từng bước; quy hoạch thủy điện đã được rà soát, loại bỏ những dự án hiệu quả thấp, ảnh hưởng nhiều đến diện tích đất rừng, đất nông nghiệp và môi trường và cuộc sống của người dân.
An ninh chính trị được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, an ninh biên giới tiếp tục được tăng cường; đã phối hợp tốt với các lực lượng chức năng và các tỉnh biên giới của hai nước bạn Lào và Cămpuchia trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự. Triển khai có hiệu quả các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng tham gia đấu tranh với các hoạt động chống phá của bọn phản động; công tác tranh thủ chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng; có nhiều hình thức, biện pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, cảm hoá số đối tượng liên quan đến FULRO ở cộng đồng.
Công tác đấu tranh xóa bỏ tà đạo đã đạt được những yêu cầu cơ bản cả về nhận thức và các biện pháp thực hiện; vận động được nhiều người tự nguyện từ bỏ tà đạo và thuyết phục các đối tượng lẩn trốn ra đầu thú. Tập trung giải quyết nhiều vụ việc phức tạp về tranh chấp, khiếu kiện đất đai, bảo đảm an ninh nông thôn.
Công tác tôn giáo được các cấp ủy đảng, chính quyền triển khai thực hiện đúng chính sách, pháp luật, bảo đảm nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Hệ thống chính trị cơ sở có chuyển biến tích cực trong việc bám dân, nắm tình hình, đề cao trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, giữ gìn an ninh, trật tự và xây dựng nếp sống văn hóa mới ở địa phương. Tập trung kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng các tổ chức đảng, nhất là ở những địa bàn khó khăn, phức tạp, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục thu hẹp số thôn, buôn chưa có đảng viên và tổ chức đảng...
Những kết quả nêu trên đã góp phần bảo vệ tốt an ninh, trật tự ở Tây Nguyên và của cả nước, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
PV: Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng!