Đà Lạt xưa
Đà Lạt là thành phố trực thuộc tỉnh Lâm Đồng, nằm trong cao nguyên Lang Biang, ở độ cao 1.500 m so với mặt nước biển và diện tích tự nhiên gần 400 km².
Hàng trăm năm trước, Đà Lạt là địa bàn cư trú của người Lạch, vốn là cư dân của toàn bộ cao nguyên Lang Biang. Khí hậu ở đây mang nhiều đặc tính của miền ôn đới (nhiệt độ trung bình 18–21°C, nhiệt độ cao nhất chưa bao giờ quá 30°C và thấp nhất không dưới 5°C).
Với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, hùng vĩ, Đà Lạt là một trong những thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Trong thời Pháp thuộc, tên tiếng Latin: Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem có nghĩa là "cho những người này niềm vui, cho những người khác sự mát mẻ", Đà Lạt được mệnh danh là: “thành phố ngàn hoa”, “thành phố của mùa xuân”, “thành phố sương mù”, hay “thành phố của những câu chuyện tình”.
Được ví như một "tiểu Paris", Đà Lạt mộng mơ và nên thơ nhờ cái lạnh cao nguyên ban đêm, sương mù buổi sớm và những dải rừng thông bao quanh thành phố. Đà Lạt có nhiều công trình xây dựng đặc sắc, phần nhiều mang đặc trưng của kiến trúc kiểu Pháp. Hiện nay, Ga Đà Lạt là ga duy nhất của Việt Nam được công nhận Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Văn hoá của người dân tộc vùng cao nguyên Lang Biang, văn hoá của các cộng đồng dân cư khu vực châu thổ sông Hồng - Trung bộ - Đông Nam bộ và sự giao thoa với văn hoá thế giới, đã tạo nên những nét đặc trưng trong phong cách người Đà Lạt: hiền hòa, thanh lịch và mến khách.
 |
Vườn hoa TP. Đà Lạt
thu hút nhiều du khách trong dịp chào mừng Đà Lạt 120 năm hình thành và phát
triển.
|
Thương hiệu "Hoa Đà Lạt"
So với nhiều đô thị khác, bề dày thời gian của Đà Lạt tuy chưa phải là nhiều, nhưng 120 năm đó cũng đủ cho thấy đây là miền đất hoa đầy tiềm năng mà thiên nhiên ban tặng cho con người.
Theo cuốn “Đà Lạt năm xưa” xuất bản năm 2001 của tác giả Nguyễn Hữu Tranh, từ năm 1901, trạm nông nghiệp Lang Biang có diện tích hơn 16,6 ha do kỹ sư A.D’André (Pháp) làm trạm trưởng đã trồng thử nghiệm nhiều loại rau, cây ăn quả, cây lương thực, cây công nghiệp và đặc biệt là hoa. Kỹ sư A.D’André ghi nhận: Có một số lượng tương đối lớn giống hoa được trồng thử nghiệm như: hoa hồng, cúc, cúc tím, dong riềng, sen cạn, thược dược, mõm sói, bất tử, phong lữ, móng rồng, hoa tím, cúc lá nhám, cúc trắng, cẩm chướng, cẩm nhung…
Kết quả cho thấy, các giống hoa đều phát triển tối đa, đẹp rực rỡ và ít tốn công chăm sóc. Hầu hết các giống hoa đều cho hạt tốt và được thu hái giữ làm giống. Như vậy, lịch sử trồng hoa ở Đà Lạt đã được 112 năm. Từ đó đến nay, người dân Đà Lạt đã biết tận dụng lợi thế của vùng đất này để trồng hàng ngàn giống hoa mà không nơi đâu trên đất nước Việt Nam có được.
 |
Festival Hoa Đà Lạt là lễ hội của những sắc màu rực rỡ. |
Vào năm 2005, ngành trồng hoa Đà Lạt có diện tích khoảng 1.000 ha, đến năm 2013 đã tăng lên trên 3.000 ha, với sản lượng khoảng trên 1,4 triệu cành/ha; thu nhập của người dân trong lĩnh vực trồng hoa cũng tăng từ 3 - 4 lần. Giá trị bình quân hiện nay khoảng từ 300 đến 400 triệu đồng/ha, cá biệt có những diện tích trồng hoa có thể thu nhập gần 2 tỷ đồng/ha.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng, ngành hoa Đà Lạt phát triển về cả về quy mô lẫn chất lượng, phong phú về chủng loại và được canh tác đạt các tiêu chuẩn…, do vậy cần có chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu để khẳng định giá trị trên thương trường. Trước yêu cầu khách quan đó, năm 2012, UBND TP. Đà Lạt đã cấp Chứng nhận nhãn hiệu độc quyền “Hoa Đà Lạt” đối với hoa địa lan cho 34 tổ chức, cá nhân; và trong tháng 11/2013 vừa qua, có 5 loại hoa gồm: hoa hồng, cúc, cát tường, cẩm chướng và lay ơn của 42 tổ chức, cá nhân trồng hoa ở địa phương này cũng đã được cấp chứng nhận “Hoa Đà Lạt”.
Những năm gần đây, sản phẩm hoa ở địa phương này đã vươn mạnh ra thị trường thế giới với số lượng xuất khẩu toàn tỉnh Lâm Đồng đạt khoảng 200 triệu cành/năm, trong đó tỷ trọng hoa của Đà Lạt xuất khẩu chiếm khoảng hơn 50%. Tuy nhiên, sản lượng hoa xuất khẩu đi nhiều nước chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và một số ít doanh nghiệp lớn của địa phương…
|
Nhiều du khách tranh
thủ chụp ảnh lưu niệm với cỗ xe ngựa làm bằng hoa do Dalat Hasfarm thực hiện.
|
Trò chuyện với chúng tôi, ông Bernhard Schenke - Phó Tổng giám đốc Công ty Dalat Hasfarm, chia sẻ: “Chúng tôi rất tự hào về những gì đã làm được, đó là ngoài việc xây dựng một doanh nghiệp phát triển vững chắc, chúng tôi còn góp phần đưa tên Đà Lạt - Việt Nam lên bản đồ hoa thế giới. Ngày nay, khi nói đến các quốc gia trồng và xuất khẩu nhiều hoa, chắc chắn phải có tên Việt Nam của chúng ta”.
Cũng theo ông Bernhard Schenke, nhiều năm qua, Dalat Hasfarm đã đồng hành với các nhà trồng hoa địa phương. Hiện nay, Dalat Hasfarm đã hợp tác và hỗ trợ cho hơn 30 nhà trồng hoa thông qua các chương trình cung cấp cây con chất lượng cao, tư vấn - hỗ trợ kiến thức chuyên môn và thu mua thành phẩm thu hoạch với giá cả luôn ổn định để cung cấp cho thị trường nội địa cũng như xuất khẩu. Và Dalat Hasfarm đã thành công trong việc hợp tác, hỗ trợ với các nhà vườn để xuất khẩu hoa đến nhiều quốc gia, nhất là những thị trường mới khai thác như Nhật Bản, Trung Quốc...
Tại Diễn đàn Kinh tế Đà Lạt - Lâm Đồng tiềm năng và cơ hội, nhiều chuyên gia kinh tế đã đặt vấn đề về cơ chế đặc thù cho TP. Đà Lạt và giải pháp thu hút đầu tư… Nhấn mạnh về tiềm năng, thế mạnh của Đà Lạt - Lâm Đồng, các đại biểu đều cho rằng, liên kết về thị trường, chú trọng quảng bá, gắn kết nghề trồng hoa với du lịch… và phát triển một nền nông nghiệp công nghệ cao là cách thức để Đà Lạt xây dựng thương hiệu, nâng tầm đẳng cấp của một “Thành phố Festival Hoa” -thành phố du lịch luôn có sức quyến rũ kỳ lạ với du khách./.
“Năm 2013, tổng GDP của Đà Lạt đạt 2.999 tỷ đồng, trong đó tăng trưởng kinh tế đạt 16,5%, nông - lâm nghiệp đạt 14,1%, công nghiệp - xây dựng 18,9%, dịch vụ 16,4%; thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 38,3 triệu USD; tổng thu ngân sách nhà nước do thành phố quản lý đạt 682,4 tỷ đồng; lượng du khách đến Đà Lạt là 3,35 triệu lượt người…”. Ông Trần Văn Việt - Phó chủ tịch UBND TP. Đà Lạt. |