Bếp lửa luôn đỏ hồng của người Mông
Người Mông là một trong những dân tộc có phong tục Tết cổ truyền đậm đà bản sắc và được gìn giữ lâu đời. Trước đây, do cách tính lịch khác nhau nên Tết của người Mông diễn ra trước Tết Nguyên đán 1 tháng. Theo quan niệm của người Mông, một năm không có tháng thiếu và không có năm nhuận. Mỗi tháng có 30 ngày đều đặn, ngày thứ 361 là ngày mồng 1 Tết.
Chị Giàng Thị Chu - người dân tộc Mông, sống tại bản Tà Phềnh II, Tân Lập, Sơn La chia sẻ, món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người Mông là món bánh dày. Ngoài ra, ngày Tết cũng là dịp những người phụ nữ Mông trổ tài nấu rượu, làm bánh ngô. Hương thơm của ngô kết hợp với một loại men đặc trưng cùng với bí quyết nấu rượu ngô từ nhiều đời nay của người Mông đã làm ra những chén rượu có hương vị thơm ngon, đậm đà. Những tiệc rượu ngô có thể kéo dài cả ngày bên bếp lửa ấm cúng.
Đặc biệt, trên bàn thờ của người Mông ngày tết không thể thiếu một nhúm lông gà có tẩm tiết gà dán vào mảnh giấy, rồi tất cả đem dán trên bờ tường - nơi người Mông quan niệm đó là chỗ trú ngụ của thần linh.
Chị Chu chia sẻ thêm, người Mông không đón giao thừa. Đối với mọi người trong bản, tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng 1 mới là cái mốc đánh dấu một năm mới bắt đầu. Tối hoặc nửa đêm 30, người ta cúng ma nhà (tổ tiên) bằng một con lợn sống, một con gà còn sống (và phải là gà trống, mà tốt nhất là gà trống tơ), sau đó mới mang lợn và gà ấy đi giết thịt (nhà nào giàu có thì thịt một con lợn từ ngày 28, 29 tết để ăn trước). Thịt xong đem cúng một mâm thịt chín, rồi ăn cơm uống rượu đến khi nghe thấy tiếng gà gáy đầu tiên.
Sau 3 ngày ăn tết, người Mông bắt đầu chơi từ ngày mùng 4. Tết là dịp để trẻ con trong bản chơi các trò truyền thống như đánh tu lu (đánh cù), ném pao, và đây cũng là dịp để tất cả đồng bào dân tộc từ các miền đổ về chung vui.
Trong ngày Tết của mình, người Mông đặc biệt rất thích có khách là người Kinh tới chơi nhà. Họ quan niệm nhà nào mời được khách đến chơi sẽ gặp may mắn trong cả năm tới. Bởi vậy, người Mông rất hiếu khách. Khách tới chơi nhà những ngày này sẽ được mời uống một chén rượu đôi – một nghi thức truyền thống của người Mông. Chén rượu đôi không chỉ thể hiện thịnh tình với khách mà còn là chén rượu giữa những người bạn tâm giao, cùng chúc tụng cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.
Người Mông coi trọng lửa và luôn đỏ bếp trong những ngày tết. Họ không ưa thích những ai thổi vào bếp nhà mình bởi theo quan niệm nếu có người thổi vào bếp hoặc làm tắt lửa thì năm tới cả gia đình họ sẽ gặp sóng gió, không may mắn.
Tết về theo tiếng chiêng của người Thái
|
Múa xòe - điệu múa đặc trưng của người Thái. Ảnh: T.L
|
Cũng như nhiều dân tộc khác, Tết cổ truyền của người dân tộc Thái được tổ chức đúng vào thời điểm Tết Nguyên đán của người Kinh. Đối với người Thái ở nhiều vùng, thường coi ngày 25 tháng Chạp là phiên chợ cuối cùng, lớn nhất trong năm. Mọi người đều xuống chợ mua sắm, sau đó là nghỉ ngơi chơi tết.
Anh Quách Phương Đông - người dân tộc Thái ở Mộc Châu, Sơn La chia sẻ, sau khi chuẩn bị tươm tất để đón tết, người Thái sẽ cúng tất niên vào đêm 30. Người Thái có tục đón giao thừa “Pông Chay”. Thường cả nhà không ai ngủ, đèn luôn sáng, hương nhang không được tàn. Cả nhà ngồi quanh bếp lửa, làm các loại bánh trái như bánh ít, bánh rán, đồ cá, mọoc, nạp… thỉnh thoảng chủ nhà lại đánh ba tiếng chiêng báo hiệu giờ giao thừa sắp đến.
Đúng giờ giao thừa, các loại bánh trái, xôi đồ, cá khô, xôi cốm… hai cơi trầu (mỗi cơi 8 miếng); một ấm trà xanh, rót 8 chén rượu, tất cả được xếp vào thúng. Người vợ mở hòm lấy các loại vải thổ cẩm, khăn váy, quần áo mới, vòng cổ, vòng tay, bạc nén… Những thứ đồ đó được đem đặt tại bàn thờ ma nhà. Khăn mũ chỉnh tề, chủ nhà kính cẩn đọc bài cúng “chào đón tổ tiên xuống tề tựu”. Sau bài cúng, con cái trong nhà thay phiên nhau túc trực để tiếp đón tổ tiên.
Đặc biệt, trong ngày tết người Thái thường chơi một số trò chơi đặc trưng như hái hoa dân chủ, ném còn, múa xòe. Thường thì, múa xòe được tiến hành từ đêm 25 âm lịch. Người Thái có 6 điệu xòe, nhưng trong những ngày này người ta chủ yếu tổ chức “xoe khằm khẻn” (xòe cầm tay).
Buổi tối, mọi người trong bản sẽ tập trung đến sân nhà văn hóa của bản tổ chức múa xòe. Múa xòe là để mọi người thể hiện sự đoàn kết thân thiện gắn bó, có tính tập thể, dân chủ cao, nên mọi người Thái đều biết múa xòe và yêu thích nghệ thuật xòe của dân tộc. Khi tiếng trống, tiếng chiêng vang lên thì tất cả mọi người cùng cầm tay nhau đi vào vòng xòe.
Xem lá gan đoán vận hạn của người Hà Nhì
|
Phụ nữ Hà Nhì, Lai Châu khâu trang phục đón tết. Ảnh: T.M
|
Không giống như Tết Nguyên đán của người Kinh được cố định theo lịch hàng năm, Tết Hà Nhì thường được quyết định bởi những bậc chức sắc, những dòng họ lớn trong vùng. Thông thường, Tết Hà Nhì được tổ chức vào trung tuần tháng 12 dương lịch.
Đó là thời điểm người Hà Nhì cho rằng có thể nghỉ ngơi sau một năm lao động miệt mài, vất vả. Cũng như quan niệm của rất nhiều dân tộc khác ở vùng cao phía Bắc, người Hà Nhì quan niệm ngày tết là ngày no đủ, quãng thời gian thụ hưởng thành quả lao động.
Anh Phạm Văn Thời - cán bộ Bảo tàng Dân tộc tỉnh Lai Châu cho biết, trong ngày tết cổ truyền của người Hà Nhì không thể thiếu bánh dày, thịt gác bếp, xúc xích và dưa muối ăn kèm với nước chấm làm từ quả mắc có.
Đặc biệt, trong bữa ăn ngày tết của người Hà Nhì không thể thiếu món cơm đỏ. Món cơm được nấu từ loại gạo tẻ nương được xát một lần duy nhất nên vẫn giữ được những vệt đỏ. Khi cơm chín, hạt cơm dẻo, ngọt và thơm.
Điểm đặc sắc nhất trong văn hóa Tết của người Hà Nhì đó là trong bản, nhà nào mổ trâu thì được coi là ăn tết to, còn nếu đơn giản lắm thì cũng phải mổ chú lợn béo tốt cỡ một tạ ăn “lai rai” mấy ngày tết. Việc đầu tiên sau khi lợn được mổ là lấy lá gan để xem. Người Hà Nhì cho rằng lá gan sẽ cho thấy vận hạn của năm tới. Nếu lá gan có mầu đỏ sẫm tức là năm tới gặp rất nhiều may mắn. Còn nếu trong lá gan có vết như vết sẹo hoặc có những vết tụ máu đen ở mật tức là năm đó gia đình có chuyện không may.
Trong những ngày tết, từ khắp các nóc nhà, khói bếp sẽ bay không ngừng, rượu “tràn” qua chiếu. Khi vào các bản làng chúc tết nhau, mỗi người đem theo một chum rượu nhà tự nấu để cùng nhau thưởng thức “lộc trời”, cùng chúc cho nhau những điều tốt đẹp trong một năm mới./.