ht

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Văn Nam.

Ngày 26/4, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội thảo khởi động dự án hỗ trợ tăng cường thể chế và chính sách BHYT tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, thực tế hiện nay, năng lực hệ thống tham mưu quản lý nhà nước về BHYT còn hạn chế. Ở Trung ương, các cán bộ còn chưa được thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên sâu về xây dựng chính sách BHYT, đặc biệt trong lĩnh vực mới và phức tạp như xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng đánh giá công nghệ y tế. Ở địa phương, các cán bộ còn thiếu kiến thức tổng quan cũng như được cập nhật chính sách BHYT để giải quyết được các vướng mắc giữa các cơ sở y tế và cơ quan bảo hiểm xã hội.

Một trong những tồn tại trong lĩnh vực BHYT là công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Một số cán bộ hiểu không đúng tinh thần của luật và các văn bản hướng dẫn gây vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Người dân thiếu thông tin về những quy định mới của Luật BHYT, nhất là vùng đặc biệt khó khăn…

Xuất phát từ nhu cầu trên, Bộ Y tế đã đề xuất với ADB về việc hỗ trợ thực hiện dự án tăng cường thể chế và chính sách BHYT tại Việt Nam. Đến nay, ADB đã chính thức phê duyệt khoản viện trợ không hoàn trả 1,8 triệu USD và Bộ Y tế cũng đã hoàn thiện các thủ tục tiếp nhận khoản viện trợ. Vụ BHYT đã được giao làm đầu mối để thực hiện dự án, đã phối hợp với các chuyên gia của ADB và chuyên gia từ công ty tư vấn hỗ trợ dự án để lên kế hoạch thực hiện các hợp phần và hoạt động.

Tại hội thảo, các chuyên gia đánh giá, Dự án hỗ trợ tăng cường xây dựng thể chế và chính sách BHYT tại Việt Nam là dự án hỗ trợ kỹ thuật đầu tiên chuyên sâu về lĩnh vực BHYT hiện nay tại Việt Nam; bảo đảm không trùng lặp với những hoạt động của các chương trình, dự án đã và đang được triển khai.

Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ cung cấp bằng chứng xây dựng chính sách BHYT thông qua nghiên cứu, đánh giá, xây dựng văn bản chính sách BHYT; nghiên cứu xây dựng và triển khai thí điểm mô hình chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh BHYT người cao tuổi; tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ y tế và các bên liên quan về BHYT.

Bên cạnh đó, với sự chuyển dịch cơ cấu dân số theo hướng già hóa, thay đổi mô hình bệnh tật với sự gia tăng bệnh không lây nhiễm và sự đòi hỏi ngày càng cao hơn của người dân về nhu cầu chăm sóc sức khỏe, việc xây dựng các gói quyền lợi chăm sóc sức khỏe cho các nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt cho người cao tuổi là rất cần thiết./.

Văn Nam