* Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vừa qua?

- Việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được thực hiện theo hai quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, theo kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 tại Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì có khoảng 20 bãi rác, 10 bệnh viện chưa hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ phải hoàn thành trước 31/12/2015.

Việc xử lý một số các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ở các đơn vị công ích như bãi rác, bênh viện rất khó có thể đình chỉ hoạt động được.

ong tung

Ông Hoàng Dương Tùng

Bên cạnh đó, còn 8 bãi rác do cấp tỉnh quản lý, 5 bệnh viện trực thuộc các bộ, 42 bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh, 2 bệnh viện tư nhân, 21 trung tâm chữa bệnh, giáo dục, xã hội và 108 cơ sở sản xất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được phê duyệt bổ sung cũng phải hoàn thành việc xử lý trước ngày 31/12/2015.

Trong tổng số 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64, hiện đã có 389/439 cơ sở cơ bản đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để. Trong số 50 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hiện nay có 26 cơ sở hoạt động công ích (18 bãi rác, 8 bệnh viện) chưa hoàn thành việc xử lý ô nhiễm triệt để.

Đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788 có thời hạn xử lý đến 31/12/2015, đến nay đã có 140/186 cơ sở cơ bản hoàn thành biện pháp xử lý, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Như vậy, qua một số năm đã xử lý được 88% còn lại 12% chủ yếu là các bãi rác và bệnh viện. Những cơ sở gây ô nhiễm môi trường còn lại cũng đã xử lý được nhiều, và theo lộ trình hết năm 2015 sẽ xử lý xong khoảng 70% số cơ sở còn lại này.

* Giải pháp nào để hạn chế tình trạng phát sinh thêm cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thưa ông?

- Hiện tại, chúng ta đã có Luật Bảo vệ môi trường 2014, cùng với đó Tổng cục Môi trường sẽ tăng cường quá trình thanh tra, kiểm tra kết hợp cùng một số giải pháp đồng bộ nhằm hạn chế ô nhiễm, từ đó hạn chế các cơ sở ô nhiễm phát sinh. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, giám sát liên ngành và xử lý nghiêm đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cố tình chây ì, không đầu tư thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường.

Cùng với đó, Tổng cục Môi trường cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, đồng thời công khai thông tin về xử lý vi phạm triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

* Có ý kiến cho rằng sau 10 năm, việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vẫn dậm chân tại chỗ, quan điểm của ông về vấn đề này?

- Chúng ta phải nhìn nhận, xác định những tiêu chí cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ở những thời điểm khác nhau thì việc xác định tiêu chí cũng khác nhau, 10 năm trước khác với tiêu chí bây giờ.

Không thể nói các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ngày càng nhiều hơn được vì chúng ta cũng đã thấy sự cố gắng của các cấp các ngành, địa phương. Việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm cần có lộ trình chứ không phải việc có thể giải quyết trong ngày một ngày hai.

* Xin ông cho biết trong quá trình thực hiện xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, sự phối hợp các bộ ngành và địa phương có những khó khăn gì?

- Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các bộ có cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên, vướng mắc lại ở địa phương, việc xử lý một số các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ở các đơn vị công ích như bãi rác, bênh viện rất khó có thể đình chỉ hoạt động được.

Đồng thời, việc xử lý các cơ sở này liên quan tới kinh phí địa phương vì 50% nguồn kinh phí của nhà nước và 50% nguồn kinh phí là của địa phương, nhiều địa phương cũng đang huy động nguồn để có kinh phí đối ứng.

* Xin cảm ơn ông!

Hồng Quyên (thực hiện)