NQ

Ngày 12/6, Quốc hội đã tiếp tục chương trình chất vấn với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân. Các chủ đề chính được các ĐB quan tâm là làm thế nào áp dụng hiệu quả kết quả khoa học, đề tài nghiên cứu vào cuộc sống; trách nhiệm của ngành trong góp phần làm tăng năng suất, chất lượng, nông nghiệp; việc phát triển thị trường khoa học công nghệ của Việt Nam.

3 loại đề tài nghiên cứu khoa học “xếp ngăn kéo”

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đặt câu hỏi hiện nay tình trạng đề tài nghiên cứu xong “xếp ngăn kéo” đang là phổ biến, ít được ứng dụng vào cuộc sống. Phải chăng do tính ứng dụng thấp, việc nghiên cứu dàn trải, thiếu công khai minh bạch? Nguyên nhân và trách nhiệm của tình trạng này như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Quân giải thích không phải đề tài nào “xếp ngăn kéo” cũng là không hiệu quả mà có loại đề tài phải “xếp ngăn kéo”. Loại thứ nhất là đề tài nghiên cứu cơ bản, đi trước thời đại, phải chờ đến thời điểm thích hợp mới ứng dụng được, vì vậy “xếp ngăn kéo” chờ đợi. Hai là đề tài ứng dụng, phải chờ tìm nguồn đầu tư từ doanh nghiệp, nhà đầu tư để thương mại hoá, vì Nhà nước chỉ hỗ trợ phần nghiên cứu. Còn loại thứ 3 là đề tài nghiên cứu theo sở thích và mong muốn của người làm khoa học, “mặc dù việc này cũng tốt, nhưng không xuất phát từ thực tiễn nên nghiên cứu xong thì không ứng dụng được”, Bộ trưởng cho biết.

Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng này, Luật KHCN năm 2013 đã quy định rõ đề tài nghiên cứu phải xuất phát thực tiễn, có đơn đặt hàng. Nghị định 08 đã quy định chặt chẽ về cơ chế đặt hàng, xét duyệt đề tài nghiên cứu qua nhiều cấp, yêu cầu các cơ quan đặt hàng cam kết khi nghiên cứu thành công phải ứng dụng. Nếu thực hiện nghiêm Luật KHCN, sẽ không còn tình trạng đề tài nghiên cứu lãng phí…

Cùng câu hỏi với ĐB Nguyễn Mạnh Cường, ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) đề nghị Bộ trưởng Bộ KHCN làm rõ có hay không việc lãng phí trong nghiên cứu khoa học. “Có người nói nghiên cứu khoa học là cách kiếm tiền khá dễ dàng. Xét duyệt qua nhiều cấp, nhưng vì sao vẫn có nhiều đề tài không mang tính ứng dụng?”.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định Luật KHCN đặt ra cơ chế đặt hàng, sẽ hạn chế rất nhiều đề tài không có địa chỉ ứng dụng. Quy trình xét duyệt tại NĐ 08 hiện rất chặt chẽ, có 8 Thông tư quy định về điều này. Hiện nay, Bộ đã xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia, chỉ những người đủ tiêu chí mới tham gia hội đồng xét duyệt và họ được lựa chọn khách quan, ngẫu nhiên, “không có chuyện thành lập hội đồng quanh đi quẩn lại chỉ có những nhà khoa học quen biết”.

Nếu các dự án vi phạm, không hoàn thành đã có chế tài xử lý rất rõ, cá nhân vi phạm có thể bị loại bỏ vĩnh viễn hoặc treo bút từ 3 – 5 năm, đủ để răn đe các tổ chức, cá nhân vi phạm. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết có một số đề tài khoa học xã hội nhạy cảm, khó đánh giá, địa chỉ ứng dụng khó xác định. Nhiều khi chỉ là kiến nghị, giải pháp để đóng góp cho quan điểm nào đó trong xây dựng cơ chế chính sách.

Chưa phát hiện tham nhũng trong duyệt đề tài nghiên cứu

Làm rõ thêm yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về việc có lãng phí hay không, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết trong ngân sách dành cho lĩnh vực này, có 40% dành chi thường xuyên, 40% dành cho đầu tư phát triển (hạ tầng, thiết bị) còn lại khoảng hơn 20% cho nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tương ứng mức 3.800 tỷ đồng trong năm nay. Bộ trưởng nhìn nhận việc lãng phí là có, do đầu tư không tới ngưỡng, nên rất dễ bị thất bại, không hiệu quả hoặc lãng phí do đề tài chưa áp dụng thực tế. Còn việc lãng phí do tham nhũng, nếu phát hiện sẽ được xử lý nghiêm.

Nhấn mạnh việc công khai minh bạch trong việc xét duyệt, phân bổ các đề tài nghiên cứu, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho biết một số cử tri là nhà khoa học có phản ánh việc nhiều cơ quan, cá nhân nhất là thuộc Bộ KHCN thường được xét duyệt đề tài dễ dàng, còn các cơ quan, cá nhân ngoài ngành khác thì rất khó khăn. Thậm chí có cơ quan trong ngành gợi ý thẳng việc trích lại kinh phí 20 – 50%, tác động rất lớn đến hiệu quả nghiên cứu khoa học. “Bộ trưởng có nhận được thông tin về việc này hay không?”, ĐB nêu câu hỏi.

Trả lời ĐB, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định cho đến nay, chưa nhận được thông tin phản ánh vấn đề này hay có bằng chứng cụ thể. “Nếu có, các ĐB có thể chuyển địa chỉ cho tôi, tôi xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng đề nghị.

Nợ đọng dự án chưa hoàn thành lớn biến thành nợ xấu

Cũng liên quan đến việc phân bổ ngân sách cho đề tài nghiên cứu khoa học, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt vấn đề xử lý ra sao với các đề tài không hoàn thành, không nghiệm thu được.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết hiện nay các đề án không hoàn thành, không nghiệm thu được đều có chế tài xử lý. Bộ sẽ dừng dự án và thu hồi kinh phí Nhà nước đã đầu tư, nhưng cũng trừ lại những kinh phí đã đầu tư hợp lý, đồng thời sẽ báo cáo Bộ Tài chính về kinh phí chưa thu hồi, sử dụng sai mục đích.

Bộ trưởng cũng thừa nhận, để tồn tại vấn đề này cũng có tâm lý ỉ lại của nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Cho đến nay, nợ đọng phải thu hồi trong lĩnh vực này tương đối lớn, tạo nên nợ xấu trong khoa học công nghệ./.

Hoàng Yến