Theo số liệu được công bố tại hội thảo xây dựng đề án đổi mới và phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 – 2030, tổ chức ngày 16/3/2016, hiện cả nước có 9,4 triệu người cao tuổi; 7 triệu người khuyết tật; 2,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trên 234.000 người nhiễm HIV được phát hiện. Ngoài ra còn nhiều phụ nữ trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố. Đồng thời, hàng năm thiên tai hỏa hoạn mất mùa dẫn đến khoảng 1,8 triệu lượt hộ thiếu đói.

trơ giup xa hoi
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh:MĐ

Đến nay đã có hơn 2,6 triệu người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng (khoảng 3% dân số). Trong tổng số đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng có 58% là người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa thuộc hộ nghèo, độ tuổi từ 60 trở lên và người cao tuổi từ 80 trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; 27,63% là người khuyết tật; 4,66% là người đơn thân nuôi con nhỏ thuộc diện nghèo; khoảng 2% trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng…

Tính riêng theo vùng miền, cơ cấu đối tượng hưởng trợ cấp cũng có sự khác biệt, cao nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng với 739.918 người chiếm tỷ trọng là 27,92%, vùng Bắc Trung bộ chiếm tỷ trọng là 18,9%, thấp nhất là vùng Tây Bắc 3,1%.

Nếu so sánh số đối tượng được thụ hưởng chính sách trợ cấp hàng tháng với tổng dân số của từng vùng miền, sẽ nhận thấy mặc dù độ bao phủ được hưởng trợ cấp tiền mặt hàng tháng chung toàn quốc là 2,97% dân số, nhưng cũng có sự chênh lệch đáng kể ở các vùng miền.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, trong thời gian tới cần phải chuyển trợ giúp xã hội từ hoạt động nhân đạo sang bảo đảm thực hiện quyền cho đối tượng hưởng trợ giúp xã hội. Chính sách trợ giúp xã hội là biện pháp công cụ tác động để thực hiện mục tiêu đảm bảo cuộc sống cho bộ phận dân cư không may gặp phải hoàn cảnh khó khăn.

Đồng thời, việc nghiên cứu xây dựng chính sách trợ giúp xã hội dựa trên vòng đời sẽ đảm bảo sự thống nhất, hài hòa với các chính sách an sinh xã hội khác, đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Trong khi đó, ông Chang – Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam cũng cho biết thêm, việc mở rộng hệ thống an sinh xã hội ở những nước có thu nhập trung bình như Việt Nam rất quan trọng để giảm bất bình đẳng và đảm bảo công bằng cho người dân. Đây cũng là một mục tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

“Đầu tư vào con người sẽ đảm bảo hiệu quả trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội giúp giải quyết nhiều mục tiêu về phát triển xã hội và tôi xin nhấn mạnh chúng ta phải coi đây là một đầu tư chứ không phải là một chi phí. Việt Nam, mặc dù trong thời gian ngắn đã có được hệ thống an sinh xã hội cơ bản nhưng cần phải hiện đại hóa hệ thống trợ giúp xã hội nhiều hơn nữa”, ông Chang – Hee Lee nhấn mạnh./.

Mai Đan