Nợ thuế vẫn có xu hướng tăng

Nhờ thực hiện quyết liệt các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế tài khoản ngân hàng của đối tượng nợ thuế để thu hồi nợ, lũy kế tính đến cuối tháng 8/2022, toàn ngành Thuế thu được 22.829 tỷ đồng nợ thuế, bằng 54,4% chỉ tiêu thu nợ năm 2022. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ được 21.384 tỷ đồng, thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ được 1.445 tỷ đồng.

Mặc dù thực hiện quyết liệt các giải pháp thu hồi nợ thuế, song hiện số tiền thuế nợ do ngành Thuế quản lý vẫn có xu hướng tăng. Ước tính đến thời điểm ngày 31/8/2022 tổng nợ toàn ngành quản lý là 134.097 tỷ đồng, tăng 0,3% so với thời điểm ngày 31/7/2022. Trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu là 67.702 tỷ đồng; tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi là 25.512 tỷ đồng; tiền thuế nợ đang xử lý là 8.142 tỷ đồng.

Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung

Giao nhiệm vụ thu nợ thuế cho các địa phương tại hội nghị giao ban triển khai công tác thuế tháng 9/2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn yêu cầu các địa phương tiếp tục tổ chức rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng nợ thuế, lập danh sách các doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế theo từng nhóm nguyên nhân nợ, đặc biệt tập trung rà soát, phân loại những người nộp thuế bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19, trên cơ sở đó áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp với từng đối tượng, thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định.

Ngoài việc chỉ đạo toàn ngành áp dụng các biện pháp thu nợ phù hợp với từng đối tượng nợ thuế, người đứng đầu ngành Thuế đề nghị các địa phương tập trung giải quyết kịp thời việc xử lý gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022 theo quy định tại Nghị định số 34/2022/NĐ-CP; xử lý miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020 theo quy định tại Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để hỗ trợ người nộp thuế trong sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Tập trung phân loại, xử lý nhóm nợ thuế lớn

Để kéo giảm nợ thuế trước tình hình nợ thuế đang có xu hướng tăng cao trên địa bàn, nhiều địa phương đã sát sao vào cuộc và đưa ra giải pháp cụ thể. Chẳng hạn như ở Khánh Hòa, Ban Chỉ đạo thu hồi nợ thuế tỉnh Khánh Hòa đã họp đánh giá, xem xét và chỉ đạo các thành viên thực hiện các biện pháp thu hồi nợ thuế. Trong đó, tập trung xử lý nợ thuế đối với 4 nhóm nổi trội, bao gồm: nhóm doanh nghiệp có vướng mắc liên quan đến tiền thuê đất, tiền sử dụng đất (nhóm 1), nhóm doanh nghiệp có vướng mắc liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (nhóm 2), nhóm thu hồi miễn giảm, đang khiếu nại, khởi kiện (nhóm 3) và nhóm các doanh nghiệp đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý theo quy định của pháp luật về tài nguyên khoán sản (nhóm 4).

Tuyên truyền nâng cao tính tự giác của người nộp thuế

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn chỉ đạo toàn ngành tiếp tục thực hiện rà soát, thu thập, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ và thực hiện xử lý nợ theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị quyết 94/2019/QH14 của Quốc hội; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan trong việc thu hồi nợ đọng thuế, đặc biệt là xử lý thu hồi các khoản nợ đọng liên quan đến đất đai, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Tích cực tuyên truyền, giải thích các quy định pháp luật về nợ thuế để nâng cao tính tuân thủ, tự giác của người nộp thuế trong việc thực hiện các quy định về thuế, phòng ngừa nợ thuế.

Đại diện Cục Thuế Khánh Hòa cho biết, đối với nhóm 1, 2 và 4, UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý các kiến nghị về xác định nghĩa vụ về đất, hạn chế để doanh nghiệp cố ý làm thủ tục kiến nghị nhằm kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ, gây khó khăn trong đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế tại nhóm 1; giải quyết dứt điểm vướng mắc đối với tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại nhóm 2; xử lý trường hợp nợ thuế dây dưa kéo dài tại nhóm 4.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo thu hồi nợ thuế tỉnh Khánh Hòa giao Cục Thuế Khánh Hòa bám sát và thường xuyên đôn đốc Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo, tham mưu các cấp xử lý các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp về căn cứ xác định nghĩa vụ tài chính (nhóm 1); tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (nhóm 2). Theo dõi kết quả Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu xử lý theo quy định về pháp luật tài nguyên khoáng sản, đối với các trường hợp nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo kiến nghị của cục thuế (nhóm 4). Thực hiện rà soát các doanh nghiệp nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dây dưa kéo dài, thật sự gặp khó khăn về tài chính; báo cáo UBND tỉnh xem xét, có ý kiến về việc áp dụng thời hạn cuối cùng thực hiện nghĩa vụ. Khi có kết quả của các cấp thẩm quyền, xác định nghĩa vụ tài chính và tiền chậm nộp chính thức, làm cơ sở đôn đốc, thu hồi nợ thuế.

Đối với nhóm 3, Ban Chỉ đạo thu hồi nợ thuế tỉnh Khánh Hòa giao Cục Thuế Khánh Hòa phối hợp đơn vị liên quan báo cáo UBND tỉnh cụ thể các trường hợp đang khiếu nại, khởi kiện để có ý kiến chỉ đạo.

Đồng thời, lựa chọn các trường hợp nợ lớn, kéo dài, phức tạp để đề nghị cơ quan công an cùng cấp phối hợp, mời làm việc đôn đốc, thu hồi nợ thuế.