Làm chủ được thị trường sẽ hạn chế thấp nhất rủi ro

07:52 | 09/03/2022 Print
(TBTCO) - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khi đề cập đến những nguyên nhân dẫn tới tình trạng nông sản xuất khẩu cứ “đến hẹn lại lên” ùn tắc ở khâu xuất khẩu. Chúng ta “hay quên”, vì khi giải phóng ùn tắc tại cửa khẩu xong thì những câu chuyện đó lại trôi đi mà không kiên trì tìm các giải pháp đối phó việc đứt gãy.

PV: Thưa Bộ trưởng, ông đã từng phát biểu việc ùn ứ hàng hóa nông sản ở các cửa khẩu là do chúng ta bị động? Vậy ông có thể nói rõ hơn căn nguyên này được không?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu đã phát sinh nhiều năm. Mỗi khi xảy ra câu chuyện, chúng ta lại nháo nhào tìm nguyên nhân, đặt ra những câu hỏi: Tại sao lại lệ thuộc 1 thị trường lớn? Sao không đa dạng, không phát triển thị trường 100 triệu dân? Sao không tăng chế biến hàng hoá mà lại xuất khẩu thô? Sao không chuẩn hoá chất lượng, làm ăn chính ngạch? Sao không đầu tư phát triển logistics?...

Làm chủ được thị trường sẽ hạn chế thấp nhất rủi ro
Bộ trưởng Lê Minh Hoan

Đó là những câu hỏi từ 3 - 5 năm trước nhưng chúng ta "hay quên", vì khi giải phóng ùn tắc tại cửa khẩu xong thì những câu chuyện đó lại trôi đi mà không kiên trì tìm các giải pháp đối phó việc đứt gãy. Cách làm kinh tế của chúng ta vẫn "mù mờ" cung và cầu, không đi vào quỹ đạo; đôi khi giống như đi buôn chuyến nhiều hơn là hợp tác bài bản, kết nối cung cầu.

Ở các địa phương, hoạt động nuôi trồng hầu hết là thả nổi người nông dân tự làm. Hầu hết địa phương cũng chỉ biết trồng bao nhiêu ha, các câu chuyện cụ thể hơn về mùa vụ sản lượng chất lượng, thị trường còn chưa chắc chắn. Tư duy sản xuất nông nghiệp mới chú ý tạo ra sản lượng, chưa có tư duy kinh tế, tìm kiếm thị trường, vênh nhau giữa sản xuất và thị trường.

Quan hệ thương nhân 2 bên vừa qua cũng là vấn đề, hoàn toàn phụ thuộc vào biến động thị trường,… Chúng ta cần có giải pháp căn cơ, từ gốc, làm chủ được câu chuyện thị trường sẽ hạn chế thấp nhất rủi ro…

PV: Từ những chia sẻ của Bộ trưởng, có thể thấy sản xuất chưa tính đến thị trường, chưa tính đến nhu cầu tiêu dùng. Nhưng vấn đề này không phải là mới như Bộ trưởng đã chia sẻ từ 3 - 5 năm trước, vậy tại sao đến bây giờ chưa có lối ra bài bản?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Theo tôi gần như là câu chuyện bị quên lãng. Chúng ta say sưa nhất định với thành tích xuất khẩu và thật sự nhờ đó mà bà con đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, những vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, những nông sản thường xuyên có mặt tại thị trường Trung Quốc thấy bản báo cáo kết quả xuất khẩu hằng năm và hồ hởi với kết quả đó.

Nguồn: Hải quan Lạng Sơn Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Hải quan Lạng Sơn Đồ họa: Hồng Vân

Chúng ta không nghĩ tới rủi ro, trong khi rủi ro luôn luôn hiện hữu trước mắt. Đây là dịp cả Bộ NN&PTNT với trách nhiệm quản lý nhà nước ngành nông sản, Bộ Công thương và hiệp hội ngành hàng rau củ quả cùng ngồi lại để giải mã, đặt từng câu hỏi, đưa ra giải pháp và tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng là chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Đồng thời phải có tiến độ rõ ràng, hành động nhất quán từ cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và có sự tham gia của các hiệp hội ngành hàng cũng như các DN xuất khẩu nông sản qua thị trường Trung Quốc.

PV: Chất lượng sản phẩm cũng là vấn đề then chốt. Đôi khi ùn ứ cũng do sản phẩm không đạt chuẩn để xuất khẩu. Bộ lọc chất lượng sản phẩm của chúng ta đã lơi lỏng ở khâu nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công thương thường xuyên tổ chức, hướng dẫn DN về những thay đổi của thị trường. Nhưng nhiều DN, nhất là DN vừa và nhỏ, rất thờ ơ. Bản thân DN phải năng động, tìm kiếm những thông tin thị trường, trong đó có quy định về từng loại thị trường. Thị trường Trung Quốc chuyển từ thị trường dễ tính sang khó tính từ lâu rồi. Họ đã thông báo cho mình, chứ không phải đột ngột.

DN là người dẫn dắt nông dân sản xuất, bởi vì DN mua như thế nào thì người dân sản xuất như thế. Nếu DN thấy thị trường Trung Quốc là thị trường khó tính, tầng lớp trung lưu nhiều, họ tìm kiếm nông sản không như ngày xưa nữa thì chính DN đó sẽ dẫn dắt người nông dân. Bản thân DN lại đang dễ dãi với chính mình.

Tôi phát hiện, mọi bẫy của chúng ta nằm ở 3 chỗ: nông dân tư duy mùa vụ, mùa nào tính mùa đó; DN tư duy thương vụ, thương vụ nào tính thương vụ đó; còn chính quyền tư duy nhiệm kỳ.

Chúng ta nghĩ ngắn quá, cho nên cứ thấp thỏm từng mùa vụ, như đánh bài may rủi, rồi khi gặp vấn đề lại trách thị trường khó tính, để ùn ứ. Thay vì "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", nhiều khi chính chúng ta phải xem lại mình trước.

PV: Về dài hạn, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu thành lập tổ nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách để chuyển mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch đối với các mặt hàng nông sản hiện đang chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Theo Bộ trưởng, cần triển khai những định hướng lớn như thế nào để giải quyết vấn đề tiểu ngạch?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tôi đã lên lịch chủ trì các công việc, để bắt đầu con đường chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Mỗi sự thay đổi đều không đơn giản và đều phải có lộ trình nhưng nếu chúng ta không khởi hành thì sẽ không có kết thúc.

Chúng ta cũng tách bạch ra các công việc: việc nào bộ, ngành trung ương làm, việc nào địa phương làm, việc nào hiệp hội ngành nghề làm.

Bộ NN&PTNT đã triển khai nhiều việc, như tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại từ khâu sản xuất đến thị trường thông qua hệ thống hạ tầng logistics. Bắt đầu từ việc xây dựng trung tâm kết nối nông sản xuất khẩu, hiện đã triển khai ở Quảng Ninh, tới đây là Lạng Sơn, Cần Thơ. Tại đây, phía bạn có thể đưa bộ phận thông quan, kiểm dịch sang, nghĩa là kiểm một lần bên này rồi xe chạy suốt, có thể đi sâu vào nội địa tùy theo mối quan hệ của thương nhân hai bên. Nếu có trường hợp ùn ứ, chúng ta đóng gói, sơ chế, tạm trữ được một thời gian để tránh nông sản nằm ở container vì rủi ro rất nhiều. Khi xảy ra dịch bệnh thì đó là một "vùng xanh" để chứng tỏ nông sản của chúng ta bảo đảm tiêu chuẩn quy định phòng dịch của phía bạn.

Sắp tới Bộ NN&PTNT dự thảo đề án về xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sau khi tham khảo ý kiến của các đơn vị liên quan.

Chúng tôi cũng xây dựng đề án riêng cho thị trường EU. Việc cần làm là liên minh để xuất khẩu vì EU là thị trường tiềm năng rất lớn với 27 quốc gia.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Đông Mai (ghi)

© Thời báo Tài chính Việt Nam