Ngành Tài chính: Không ngừng cải cách, hiện đại hóa, hỗ trợ doanh nghiệp

07:00 | 10/03/2022 Print
(TBTCO) - Xác định cải cách, hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nên ngay từ đầu năm, các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước đã đẩy mạnh cải cách trên tất cả các lĩnh vực, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp cũng như các đơn vị sử dụng ngân sách, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Cải cách hiện đại hóa trên tất cả các lĩnh vực

Thời gian qua, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước (KBNN); tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công nghệ thông tin; mở rộng hỗ trợ người nộp thuế thực hiện khai thuế, nộp thuế điện tử và các đơn vị sử dụng ngân sách.

Tính đến ngày 19/2, trong lĩnh vực thuế đã có 99,64% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, với số lượng hồ sơ tiếp nhận là 3,1 triệu hồ sơ; đã có 99% doanh nghiệp đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế, với số tiền thuế đã nộp là 122,7 nghìn tỷ đồng và 5,87 triệu USD thông qua hơn 1 triệu giao dịch.

Về triển khai hóa đơn điện tử, đã có 90% doanh nghiệp đang hoạt động và 14,9 nghìn hộ kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử tại 6 địa phương; đồng thời, tích cực chuẩn bị đầy đủ cơ sở, điều kiện vật chất để triển khai giai đoạn 2.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Hồng Vân

Bên cạnh đó, đã có hơn 533 nghìn tài khoản đăng ký khai thuế điện tử đối với cá nhân cho thuê nhà tại 63 địa phương, với tổng số tờ khai đã nhận là 16,76 nghìn; có 16,45 nghìn hồ sơ khai lệ phí trước bạ điện tử với ô tô, xe máy tại Cục Thuế TP. Hà Nội (đạt 27,7%) và 18,2 nghìn hồ sơ tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh (đạt hơn 23,6%); có 53,3 nghìn giao dịch nộp lệ phí trước bạ ô tô xe máy trên cả nước thông qua hình thức ebanking và mobi banking (đạt 5,9%).

Ngoài ra, có 9,4 nghìn người sử dụng app Mobile (trên tổng số người đăng ký tài khoản là 13,2 nghìn), thực hiện 1,8 nghìn giao dịch nộp thuế điện tử, với tổng số tiền trên 4,5 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực hải quan, đã có 244 TTHC được cung cấp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (với 13 bộ, ngành tham gia kết nối), xử lý được 4,8 triệu hồ sơ của 51,8 nghìn doanh nghiệp tham gia. Ngành Hải quan tiếp tục trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước ASEAN, trong 2 tháng đầu năm đã nhận 31 nghìn C/O và gửi đi 25,4 nghìn C/O.

Đồng thời, các cơ quan chức năng đang kết nối thử nghiệm và chuẩn bị các yêu cầu liên quan để kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật trong năm 2022.

Bên cạnh đó, cơ quan hải quan đang đàm phán các nghị định thư, thống nhất yêu cầu kỹ thuật và xây dựng hệ thống để trao đổi về chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á - Âu; thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc; chứng nhận điện tử với New Zealand.

Trong lĩnh vực KBNN, đến nay đã cung cấp 9 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để phục vụ 9/11 TTHC; đồng thời đang nghiên cứu cải tiến quy trình và hệ thống công nghệ thông tin nhằm liên thông giữa các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, kiểm soát thanh toán vốn đầu từ, TABMIS và thanh toán điện tử với ngân hàng đối với chi đầu tư (đã hoàn thành đối với chi thường xuyên).

Hỗ trợ doanh nghiệp khi dịch bệnh còn phức tạp

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc luôn nhấn mạnh, một trong những ưu tiên trong chỉ đạo điều hành của ngành Tài chính đó là các chính sách tài chính, bên cạnh việc phải đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, điều cốt yếu là phải vì sự phát triển của đất nước, vì dân và vì sự phát triển của doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là trung tâm.

Đặt mục tiêu nâng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đạt tối thiểu 90%

Trong Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Tài chính sẽ cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các quy định thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính, mục tiêu đặt ra là mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90% (con số hiện nay là 80%).

Sang năm 2022, tối thiểu 30% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công thủ tục hành chính trước đó.

Năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký quyết định ban hành Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Tài chính.

Theo đó, Bộ Tài chính xác định, quán triệt chủ trương của Đảng về CCHC trong lĩnh vực tài chính là một trong những đột phá phát triển ngành. CCHC trong lĩnh vực tài chính phải xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.

Trong thực hiện kế hoạch CCHC năm 2022, đến nay, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện 117/159 nhiệm vụ (trong đó đã hoàn thành 12 nhiệm vụ, triển khai 60 nhiệm vụ thường xuyên có hiệu quả và đảm bảo tiến độ, đang tiếp tục thực hiện 45 nhiệm vụ theo kế hoạch). Tổng số TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 876 thủ tục. Tổng số dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) thực tế triển khai là 868 thủ tục. Trong đó: số DVCTT mức độ 1 là 91 (tỷ lệ 10,48%); số DVCTT mức độ 2 là 258 (tỷ lệ 29,73%); số DVCTT mức độ 3 là 78 (tỷ lệ 8,98%); số DVCTT mức độ 4 là 441 (tỷ lệ 50,81%). Tổng số DVCTT mức độ 3, 4 là 519 (tỷ lệ 59,79%).

Cùng với đó, Bộ phận Một cửa của Bộ Tài chính tiếp tục được vận hành ổn định, hiệu quả. Tính từ đầu năm đến nay, đã tiếp nhận 138 hồ sơ, trong đó đã trả kết quả 70 hồ sơ, đang giải quyết trọng hạn 68 hồ sơ và không có hồ sơ quá hạn.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa trong mọi quy trình thủ tục, sẽ góp phần không nhỏ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cũng như cơ quan quản lý, tiết kiệm cả thời gian và chi phí trong thực thi các thủ tục.

Góp phần quan trọng xây dựng chính phủ điện tử

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), theo khảo sát của VCCI, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đánh giá khá tích cực trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) hải quan, như thông tin về chính sách và TTHC xuất nhập khẩu dễ tiếp cận hơn. Một số cải cách lớn của cơ quan hải quan, thuế cũng được doanh nghiệp ghi nhận như giảm bớt sự chồng chéo, trùng lập trong kiểm tra…

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong cũng đã dành nhiều lời ngợi khen khi theo sát quá trình thực hiện cải cách hiện đại hóa ngành Tài chính, cũng như cải cách TTHC, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Ông cho rằng, những cải cách của ngành Tài chính góp phần quan trọng vào xây dựng chính phủ điện tử. Ngành Tài chính luôn là “cơ quan đi đầu trong khối các bộ ngành của Chính phủ” thực hiện cải cách hiện đại hóa. Trong đó, thủ tục thuế, hải quan có tác động nhiều nhất tới doanh nghiệp đã không ngừng được cải thiện nhiều năm qua.

Theo vị chuyên gia này, về cơ bản, các TTHC lĩnh vực tài chính ngày càng được hoàn thiện theo hướng thống nhất, đồng bộ, đơn giản, công khai, minh bạch, tăng tính liên thông, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận và thực hiện TTHC; đồng thời, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Được biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính tập trung vào một trong những định hướng lớn và cũng là một mũi nhọn đột phá CCHC của ngành Tài chính trong giai đoạn tới, đó là ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để thúc đẩy CCHC. Nhóm giải pháp này nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế số với mục tiêu hướng tới là xây dựng nền tài chính số kết nối với các bên thông qua việc chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa để cho phép nhiều bên tạo ra các dịch vụ tài chính thông minh.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp hiện nay, đây là hướng đi đúng và “hợp lòng dân”, sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia ở giai đoạn phát triển mới này.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam