Hải quan Lạng Sơn: Sát cánh cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn

08:30 | 16/03/2022 Print
(TBTCO) - Ngay từ những tháng đầu năm, lực lượng hải quan trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã phải cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu đối diện với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thách thức là động lực để cơ quan hải quan nơi đây sáng tạo, linh hoạt, tìm kiếm ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp được tốt hơn, hiệu quả hơn.

Nhiều giải pháp phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ

Năm 2022, Cục Hải quan Lạng Sơn được giao dự toán thu ngân sách 5.500 tỷ đồng, chỉ tiêu phấn đấu 6.500 tỷ đồng. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này trong điều kiện hoạt động thông thương trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, đơn vị đã xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp, giải pháp cụ thể, sát với tình hình thực tế. Trong đó, quan tâm đến công tác cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hóa, 100% hồ sơ giải quyết đúng hạn và đúng quy định. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, đơn vị sát cánh, hỗ trợ tối đa cho từng chuyến hàng được thông quan nhanh nhất, giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.

Kết quả, 2 tháng đầu năm, các đơn vị đóng tại cửa khẩu thuộc Cục Hải quan Lạng Sơn đã tiếp nhận và làm thủ tục cho 8.878 bộ tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu với kim ngạch đạt 343.203 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2021. Đơn vị đã nộp ngân sách nhà nước đạt 1.180 tỷ đồng, đạt 21,47% so với chỉ tiêu được giao, tăng 27,84% so với cùng kỳ năm 2021.

Nguồn: Cục Hải quan Lạng Sơn Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Cục Hải quan Lạng Sơn Đồ họa: Hồng Vân

Theo ông Vi Công Tường - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, kết quả trên có được một phần do chủ động triển khai các nhiệm vụ thường xuyên ngay từ ngày đầu, tháng đầu. Bên cạnh đó, có “công” của việc duy trì, vận hành ổn định và sử dụng có hiệu quả hệ thống thông quan hàng hóa tự động; thực hiện có hiệu quả thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu…

Bên cạnh đó, để thông quan hàng hóa kịp thời, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, Cục Hải quan Lạng Sơn ưu tiên giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, công tác quản lý thuế, chế độ kế toán, hoàn thuế, miễn thuế cho doanh nghiệp theo quy định của Nhà nước.

Hải quan Lạng Sơn cũng quán triệt phương châm “đồng hành với doanh nghiệp vượt khó”, tức là, cán bộ hải quan trực tiếp hướng dẫn doanh nghiệp kê khai thủ tục hải quan, nhanh chóng xử lý vướng mắc, không để doanh nghiệp phải chịu thêm bất cứ chi phí nào phát sinh trong quá trình làm thủ tục.

Đặc biệt, toàn đơn vị tăng cường kiểm tra hàng hóa; đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại; thường xuyên đôn đốc thu hồi nợ thuế, đồng thời phối hợp với các đơn vị xác minh tình trạng hoạt động của doanh nghiệp để áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhằm thu hồi nợ thuế quá hạn. Đồng thời, tiếp tục tập trung rà soát các mặt hàng nằm trong danh mục rủi ro về giá; tăng cường công tác kiểm tra tên hàng, mã số, trị giá, mức thuế tại khâu thông quan, khâu sau thông quan để phát hiện và xử lý các trường hợp khai sai mã số, khai báo sai tên hàng...

Linh hoạt các hình thức hỗ trợ thông quan

Từ cuối năm 2021 đến nay, đang có một thực trạng tạo thách thức lớn cho lực lượng hải quan đóng tại địa bàn Lạng Sơn. Như TBTCVN đã phản ánh trong nhiều bài trước, hiện nay, hàng hóa dồn lên các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn ngày một tăng, nhưng khả năng thông quan lại hạn chế do việc siết chặt công tác phòng, chống dịch của phía Trung Quốc. Đặc biệt, từ 6/3, cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) đã tạm thời dừng thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa, khiến cho lượng hàng hóa tồn đọng tại khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ngày càng tăng lên.

2 tháng đầu năm, các đơn vị đóng tại cửa khẩu thuộc Cục Hải quan Lạng Sơn đã tiếp nhận và làm thủ tục cho 8.878 bộ tờ khai hàng hoá xuất nhập khẩu với kim ngạch đạt 343.203 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2021. Đơn vị đã nộp ngân sách nhà nước đạt 1.180 tỷ đồng, đạt 21,47% so với chỉ tiêu được giao, tăng 27,84% so với cùng kỳ năm 2021.

Thống kê trong tuần trước, tình hình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại nhiều cửa khẩu trên địa bàn vẫn rất chậm. Tổng lượng xe chờ xuất khẩu tại các khu vực cửa khẩu trên địa bàn lên tới gần 2.000 xe, trong đó, lượng xe chở hoa quả là chiếm tới hơn 60%. Thực tế này không chỉ gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, mà còn là áp lực lớn lên công tác thông quan của lực lượng hải quan tại đây.

Thời điểm này, Hải quan Lạng Sơn đã chỉ đạo các chi cục hải quan cửa khẩu bám sát diễn biến tình hình thông quan, nhằm nắm tình hình và có biện pháp điều chỉnh, không để thời gian làm thủ tục kéo dài quá 1 phút đối với những lô hàng thuộc luồng Xanh và không quá 3 phút đối với lô hàng thuộc luồng Vàng.

Vừa qua, Cục Hải quan Lạng Sơn cũng triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh phòng, chống dịch và tăng cường năng lực thông quan. Từ ngày 26/2, thực hiện chỉ đạo của tỉnh Lạng Sơn, Hải quan Lạng Sơn và các doanh nghiệp dịch vụ vận tải đã áp dụng hình thức cắt container, các lái xe từ tỉnh ngoài sẽ bàn giao hàng hóa sang cho xe đầu kéo và lái xe chuyên trách tại cửa khẩu. Lực lượng này sẽ bàn giao cho phía Trung Quốc tương tự tại vùng đệm trên biên giới. Mô hình cabin khép kín, không tiếp xúc đảm bảo an toàn gần như tuyệt đối trong phòng, chống Covid-19. Hơn nữa khi triển khai theo hình thức này, tổng chi phí còn giảm đi so với trước.

Đồng thời, Hải quan Lạng Sơn còn đẩy mạnh hướng dẫn các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả nền tảng cửa khẩu số, hoàn thiện thủ tục xuất nhập khẩu qua internet; duy trì hoạt động Tổ tư vấn hướng dẫn về thủ tục, chính sách, từ đó tiết giảm thời gian một cách tối đa.

Tạo điều kiện tái nhập các lô hàng xuất khẩu không thành công sang Nga và Đông Âu

Thời gian qua, do ảnh hưởng của cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina, nhiều lô hàng xuất khẩu của Việt Nam không thể đưa vào Nga, Ukraina và một số quốc gia Đông Âu.

Để kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam đã làm thủ tục xuất khẩu, nhưng phải đưa hàng hoá trở lại Việt Nam, hoặc thay đổi đối tác nhập khẩu, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố tạo thuận lợi hàng hoá tái nhập trở lại.

Cụ thể, trường hợp hàng hoá đã đăng ký tờ khai hải quan, nhưng không thể thực hiện tiếp thủ tục xuất khẩu, nếu doanh nghiệp đề nghị hủy tờ khai hải quan xuất khẩu để đưa hàng hoá trở lại nội địa, chi cục hải quan hướng dẫn doanh nghiệp và thực hiện huỷ tờ khai hải quan theo quy định tại Điều 22 Thông tư số 38/2015/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC.

Trường hợp hàng hóa đã hoàn thành thủ tục xuất khẩu nhưng phải tái nhập trở lại Việt Nam, chi cục hải quan hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan tái nhập theo quy định tại Điều 47 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP; không yêu cầu người khai hải quan phải nộp giấy phép hoặc văn bản thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành; giải quyết thủ tục không thu thuế nếu tại thời điểm làm thủ tục tái nhập người khai hải quan nộp đủ bộ hồ sơ không thu thuế theo quy định.

Trường hợp hàng hóa đã được đăng ký tờ khai hải quan, nhưng thay đổi đối tác nhập khẩu (kể cả trường hợp đã hoàn thành thủ tục xuất khẩu, hàng hoá đã vận chuyển đến nước nhập khẩu), nếu đối tác nước ngoài từ chối nhận hàng và doanh nghiệp Việt Nam đề nghị được thay đổi đối tác nhập khẩu, chi cục hải quan hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục khai sửa đổi, bổ sung thông tin tờ khai hải quan và nộp, xuất trình các chứng từ chứng minh việc sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều 20 Thông tư số 38/2015/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC.

Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan trực thuộc tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp được đưa hàng hoá trở lại Việt Nam, hoặc thay đổi thông tin đối tác nhận hàng tại nước ngoài, thông quan nhanh chóng, giảm bớt chi phí phát sinh. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc các đơn vị khẩn trương báo cáo Tổng cục Hải quan để được hỗ trợ giải quyết.

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam