Ngành Hải quan chủ động đấu tranh với tội phạm ma túy

06:30 | 27/03/2022 Print
(TBTCO) - Trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm ma túy với những chiêu thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, ngành Hải quan đã chủ động nhiều giải pháp để kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ việc vi phạm.

Bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép ma túy lớn

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy từ nước ngoài qua địa bàn các cục hải quan tỉnh, thành phố diễn biến khá phức tạp. Qua các vụ phát hiện và bắt giữ của các lực lượng chức năng cho thấy, tội phạm ma túy trong và ngoài nước đã câu kết chặt chẽ với nhau, hình thành đường dây, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, hoạt động với phương thức che giấu nhân thân và ngụy trang tinh vi, thủ đoạn vận chuyển ngày càng manh động, mang tính liều lĩnh.

Lực lượng hải quan đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép cần sa và ma túy tổng hợp MDMA (thuốc lắc) với quy mô, số lượng lớn từ một số quốc gia châu Âu dưới hình thức quà biếu phi mậu dịch thông qua đường hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh vào Việt Nam và xuất ma túy tổng hợp methamphetamine trái phép sang Hồng Kông.

Nguồn: Tổng cục Hải quan  Đồ  họa: Hồng Vân
Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Hồng Vân

Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép ma túy tổng hợp methamphetamine, heroin lớn từ Myanmar, Lào, Campuchia xâm nhập qua các cửa khẩu đường bộ chuyển về TP. Hồ Chí Minh, sau đó tập kết xuất sang Đài Loan, Philippines bằng đường biển. Đây là hiện tượng đáng báo động.

Một vụ việc điển hình là vụ Đội Kiểm soát phòng chống ma túy - Cục Hải quan Hà Tĩnh phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ đối tượng đang vận chuyển trái phép 8.000 viên ma túy tổng hợp. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã tạm giữ 1 túi ni lông màu đen, bên trong đựng 1 hộp giấy các tông màu vàng chứa khoảng 8.000 viên ma túy tổng hợp. Hiện vụ việc đang được lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định.

Một vụ việc khác có quy mô tương đối lớn là tổ công tác lực lượng gồm: Công an huyện Kỳ Sơn, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Bộ đội Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Đồn biên phòng Na Ngoi phát hiện đường dây có dấu hiệu mua bán trái phép chất ma túy từ Lào về huyện Kỳ Sơn tiêu thụ.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ tang vật 2 bánh heroin (655 gam), 6.000 viên ma túy tổng hợp, gần 3 kg katamine. Hiện ban chuyên án đang tiếp tục phối hợp với các lực lượng liên quan để điều tra mở rộng chuyên án.

Đa dạng chiêu thức

Tổng cục Hải quan đã chỉ ra nhiều phương thức, thủ đoạn của đối tượng trong các đường dây ma túy xuyên quốc gia. Điển hình như ma túy được mang theo người, giấu trong quần áo, “chỗ kín” và trong hành lý xách tay của hành khách xuất cảnh, nhập cảnh với số lượng từ nhỏ lẻ đến vừa phải. Cất giấu ma túy trong phương tiện cá nhân, phương tiện chở khách được gia cố, nhập cảnh dưới dạng thăm thân, du lịch thông thường và trong phương tiện vận chuyển hàng quá cảnh.

Đáng lo ngại là tình trạng ma túy được trà trộn, ngụy trang trong hàng hóa thông thường và hàng hóa thuộc diện quà biếu, quà tặng như: bánh kẹo, đường sữa, lon nước, hoa quả, hàng điện tử, loa thùng, loa kéo, ampli… ngày càng trở nên phổ biến. Thủ đoạn của đối tượng là lợi dụng khu vực biên giới địa hình hiểm trở, đối tượng vi phạm thực hiện giao ma túy vào ban đêm, người giao nhận không biết nhau; sử dụng vũ khí “nóng” sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng…

Địa bàn có nguy cơ cao về tội phạm ma túy

Trên tuyến biên giới đường bộ, tập trung vào các cửa khẩu thuộc các tỉnh giáp ranh biên giới Trung Quốc, Lào, Campuchia như: Điện Biên, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, Long An, Bình Phước, Tây Ninh.

Đối với tuyến đường biển, cảng biển, cảng sông quốc tế, tập trung vào khu vực cảng biển có lưu lượng hàng hóa lớn thuộc các tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu; khu vực đường sông thuộc các tỉnh như: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang.

Tuyến hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh tập trung vào các sân bay quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất; Bưu điện Hà Nội, Bưu điện TP. Hồ Chí Minh; các kho hàng chuyển phát nhanh...

Một số chiêu thức khác được sử dụng làm “bình phong”, “vỏ bọc” để buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia như: khai tên theo tên doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp ưu tiên để làm bình phong; từ đó thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong đó trà trộn, cất giấu ma túy hoặc nhập khẩu thiết bị, phương tiện, tiền chất phục vụ cho việc sản xuất, điều chế ma túy bất hợp pháp.

Ngoài ra, việc sử dụng trái phép tiền chất để điều chế ma túy tổng hợp cũng là vấn đề hết sức đáng quan ngại.

Thời gian tới vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài lợi dụng tuyến cảng biển, tuyến hàng không (bao gồm sân bay, bưu điện, chuyển phát nhanh) để vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam, một phần để sử dụng trong nước, phần lớn để trung chuyển sang nước thứ ba.

Trên tuyến cảng biển, các tổ chức tội phạm lựa chọn các doanh nghiệp chưa từng vi phạm pháp luật về hải quan để ủy thác xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Theo đó, ma túy được chúng ngụy trang tinh vi trong các container hàng nguyên liệu sản xuất (hạt nhựa, nhựa tái sinh…) được miễn kiểm tra thực tế (luồng xanh, luồng vàng).

Trước thực trạng đó, ngành Hải quan đã ban hành Kế hoạch phòng, chống và kiểm soát ma túy giai đoạn 2021 - 2025, trong đó xác định 5 nhóm mục tiêu trọng tâm.

Trước tiên là triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị; Thủ tướng Chính phủ; Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; Bộ Tài chính và ngành Hải quan về công tác phòng chống ma túy. Bên cạnh đó, ngành Hải quan tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy thông qua thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; đảm bảo hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn từ xa, từ sớm hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới; kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến ma túy, tiền chất.

Ngành Hải quan đặt mục tiêu 100% lực lượng hải quan chuyên trách kiểm soát, phòng chống ma túy được đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn về kỹ năng, kiến thức nghiệp vụ về công tác phòng chống ma túy trong lĩnh vực hải quan. Quy định pháp luật, quy trình nghiệp vụ về phòng chống ma túy được phổ biến, hướng dẫn và tổ chức triển khai đến 100% lực lượng chuyên trách kiểm soát, phòng chống ma túy toàn ngành trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống ma túy.

Đặc biệt, thúc đẩy quan hệ phối hợp, hợp tác giữa cơ quan Hải quan với các bộ, ngành, lực lượng chức năng và cơ quan hải quan nước ngoài, tổ chức khu vực, quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy và kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Xử lý gần 2.800 vụ buôn lậu, vi phạm pháp luật hải quan trong 3 tháng

Theo Tổng cục Hải quan, trong 3 tháng cao điểm chống buôn lậu vừa qua (từ ngày 15/12/2021 đến 15/2/2022), ngành Hải quan đã chủ trì và phối hợp phát hiện, bắt giữ xử lý 2.733 vụ vi phạm, tăng 29,04% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.230 tỷ đồng, tăng 57,39%; số tiền phạt, thu nộp ngân sách nhà nước là 38,014 tỷ đồng, tăng 27,27%.

Đáng chú ý, cơ quan hải quan đã khởi tố, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố hình sự 27 vụ, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021.

Mặt hàng vi phạm được phát hiện đa dạng liên quan đến hàng tiêu dùng (đường cát, nước ngọt, bánh kẹo, rượu, bia, thuốc lá điếu, điện thoại di động, giày dép, túi xách quần áo, đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm, ngoại tệ,…); hàng cấm (ma túy tổng hợp, ma túy đá, heroin, thuốc phiện, cocain, cần sa, cá thể rùa, cá thể tê tê, vảy tê tê, ngà voi, máy móc thiết bị đã qua sử dụng); các mặt hàng y tế phục vụ chống dịch Covid-19...

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam