Triển khai vốn phục hồi kinh tế: Nhanh nhưng phải đảm bảo đúng quy định

22:11 | 04/04/2022 Print
(TBTCO) - Công tác giải ngân vốn của chương trình phục hồi kinh tế hiện nay được thực hiện tích cực, nhưng phải bảo đảm yếu tố vừa nhanh, vừa đúng quy định pháp luật, đảm bảo không tiêu nhầm, không tiêu sai và đạt hiệu quả đề ra.

Chiều 4/4, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã cung cấp một số thông tin về tiến độ triển khai Chương trình phục hồi kinh tế.

Các chính sách miễn giảm thuế được triển khai sớm nhất

Theo đánh giá chung của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiến độ triển khai các nhiệm vụ được phân công tại Nghị quyết số 11 của Chính phủ cơ bản bám sát các mục tiêu về thời gian đã đề ra đối với các bộ ngành, cơ quan có liên quan.

Trong đó, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu rõ có 3 nhóm vấn đề chính đang được triển khai theo Chương trình.

Một là nhóm các cơ chế, chính sách đã được ban hành và đang triển khai thực hiện. Đặc biệt có những chính sách đã được thực hiện ngay sau khi ban hành Nghị quyết số 11, như các chính sách của Bộ Tài chính liên quan đến miễn giảm thuế. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, có lẽ mới có chính sách này được thực hiện và giải ngân. Báo cáo sơ bộ cho thấy, hiện nay số tiền thực hiện miễn giảm thuế đạt khoảng 9.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một số chính sách vừa được ban hành trong tuần trước như: Quyết định số 08 của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/3 về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến cơ chế đặc thù về khai thác mỏ làm vật liệu thông thường phục vụ cho các dự án hạ tầng quan trọng, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc - Nam…

Thứ hai là nhóm nhiệm vụ mà các bộ, ngành cũng đã hoàn thành nhiệm vụ theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 11 là trình các văn bản, dự thảo các quy định để Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét quyết định. Cụ thể như: Dự thảo nghị định về hướng dẫn hỗ trợ lãi suất cho vay thông qua các ngân hàng thương mại, dự thảo nghị định hướng dẫn liên quan đến cơ chế đặc thù về chỉ định thầu, dự thảo quyết định phê duyệt về hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu của Ngân hành chính sách xã hội.

Nhóm nhiệm vụ thứ ba là các văn bản, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành ban hành theo thẩm quyền cũng đang trong quá trình hoàn thiện, lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan, như sửa đổi Thông tư số 12 về sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp, dự thảo thông tư về trang bị máy tính bảng cho chương trình "Sóng và máy tính cho em", dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến thủ tục, trình tự lãi suất cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập…

Đánh giá chung, các nhiệm vụ này đều được các bộ, ngành thực hiện hết sức tích cực, bám sát tiến độ yêu cầu của Nghị quyết 11.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại buổi họp báo.

Cho phép dùng vốn phục hồi để giải ngân trước cho các dự án đã có kế hoạch

Riêng về đầu tư công, lĩnh vực sử dụng nhiều tiền ngân sách nhất trong nhóm các giải pháp của Chương trình phục hồi, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đây cơ bản là danh mục dự án mới, chưa có thủ tục. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp danh mục để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thông báo với các bộ, ngành địa phương để triển khai làm các thủ tục chuẩn bị đầu tư với các dự án, đặc biệt là các dự án lớn.

Hiện nay là 5 dự án quan trọng quốc gia trong lĩnh vực giao thông, gồm 2 đường vành đai của 2 thành phố và 3 dự án cao tốc của Bộ Giao thông vận tải, đã hoàn thành xong công tác thẩm định, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, quyết định. Chỉ khi nào dự án đầy đủ thủ tục thì mới được thực hiện giải ngân.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay, Nghị quyết 43 cũng cho phép bổ sung vốn của chương trình để giải ngân trước cho các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Trong phiên họp Chính phủ ngày 4/4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ phương án phân bổ, bổ sung dự toán năm 2022 đợt 1 cho các dự án đã đầy đủ thủ tục trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để sắp tới đây sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng thẩm quyền phân bổ cho các bộ, ngành địa phương. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương phân bổ chi tiết cho các dự án để có thể tiến hành giải ngân.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chi tiêu ngân sách nhà nước phải bảo đảm 2 yếu tố quan trọng là đúng quy định, trình tự pháp luật để không tiêu nhầm, không tiêu sai và hai là phải bảo đảm hiệu quả tính chi tiêu. Do vậy, công tác giải ngân vốn chương trình phục hồi hiện nay được thực hiện rất tích cực, nhưng phải bảo đảm yếu tố vừa nhanh, vừa đúng quy định pháp luật, vừa hiệu quả.

Cung cấp thông tin tới báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 vào chiều 4/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tại phiên họp thường kỳ cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu quyết liệt triển khai thực hiện và phát huy hiệu quả của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, khắc phục triệt để tình trạng manh mún, dàn trải, kéo dài. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với các dự án lớn, trọng điểm quốc gia như tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tập trung chỉ đạo quyết liệt hoàn thành các thủ tục, triển khai đầu tư các dự án đường cao tốc, đường vành đai quan trọng, kết nối liên vùng như: đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, các đường cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu, Buôn Ma Thuột - Vân Phong, Châu Đốc –- Cần Thơ - Trần Đề.

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam