Ngành Hải quan: Thương mại thuận lợi, số thu ngân sách tăng trưởng tích cực

06:15 | 07/04/2022 Print
(TBTCO) - Theo thống kê của ngành Hải quan, trong quý I/2022, toàn ngành đã thu nộp ngân sách nhà nước đạt 107.300 tỷ đồng, bằng 30,5% dự toán, 29% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 22,44% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh những nỗ lực tạo thuận lợi của cơ quan hải quan dành cho doanh nghiệp, số thu này đạt được một phần xuất phát từ những thuận lợi cho hoạt động thương mại được phục hồi.

Cán cân thương mại thặng dư tạo thuận lợi làm tăng số thu

Theo số liệu sơ bộ, trong 3 tháng đầu năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% (tương ứng tăng 22,17 tỷ USD) so với 3 tháng của năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9% (tương ứng tăng 10,11 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu ước đạt 87,77 tỷ USD, tăng 15,9% (tương ứng tăng 12,06 tỷ USD). Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam quý I/2022 ước tính thặng dư 809 triệu USD.

Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Hồng Vân

Với những kết quả khả quan của hoạt động thương mại, tổng thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu 3 tháng qua đã đạt 107.300 tỷ đồng, bằng 30,5% dự toán, 29% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 22,44% so với cùng kỳ năm trước.

Đánh giá các nguyên nhân có thể thấy, các doanh nghiệp đã thực hiện làm thủ tục nhập khẩu mặt hàng xăng dầu đạt 2,03 triệu tấn, trị giá 1,873 tỷ USD tăng 27,5% về lượng, 130,5% về trị giá, làm tăng thu 5.977 tỷ đồng; dầu thô nhập khẩu đạt 1,9 triệu tấn, trị giá 1,219 tỷ USD, tăng 2,6% về lượng, 49,8% về trị giá, làm tăng thu 1.066 tỷ đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đã làm thủ tục nhập khẩu 6,3 triệu tấn than; trị giá đạt 1,439 tỷ USD, tăng 102% so với cùng kỳ, làm tăng thu 1.573 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo tính toán loại trừ các yếu tố tăng thu đột biến thì số phải thu ngân sách nhà nước trong quý I của ngành Hải quan cũng tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021.

Có thuận lợi, cũng có khó khăn

Thống kê theo địa bàn, sau 3 tháng, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đang dẫn đầu với tổng số thu đạt 32.722 tỷ đồng; bằng 28,09% dự toán và tăng 10,78% so với cùng kỳ. Tiếp sau đó là Cục Hải quan Hải Phòng với số thu đạt 18.344 tỷ đồng; bằng 28,83%, tăng 19,09%. Cục Hải quan Hà Nội xếp thứ 3 với số thu đạt 8.771 tỷ đồng, bằng 31,99% dự toán, tăng 30,06% so với cùng kỳ.

Cũng nằm trong “top 10” đơn vị thu cao, Cục Hải quan Thanh Hóa nộp về ngân sách nhà nước 4.722 tỷ đồng, đạt 42,93% dự toán, tăng tới gần 100% so với cùng kỳ. Số thu của đơn vị phụ thuộc chủ yếu vào mặt hàng dầu thô nhập khẩu của Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn và nguồn thu này chịu nhiều yếu tố khách quan tác động như: giá dầu thô thế giới, tỷ giá hối đoái, công suất hoạt động, các sự cố kỹ thuật phát sinh... Trong quý I, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm 3 chuyến dầu thô nhập khẩu, đã giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ thuế GTGT của mặt hàng này khoảng 1.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp phục hồi, nhiều nhóm hàng nhập khẩu có mức tăng mạnh

3 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Hải quan cũng ghi nhận nhiều nhóm hàng nhập khẩu có mức tăng mạnh như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 21,72 tỷ USD, tăng 31%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 15,2%, đạt 5,5 tỷ USD; chất dẻo nguyên liệu tăng 18,9%, cao su các loại tăng 33%, bông các loại tăng 40%, nguyên phụ liệu thuốc lá tăng 138%, sản phẩm từ dầu mỏ tăng 42,8%, hóa chất tăng 31,8%, phân bón tăng gần 56%...

Điều này, xuất phát từ tình hình hoạt động trở lại của các doanh nghiệp sau thời kỳ dịch bệnh kéo dài, từ đó, tăng cường nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu để đẩy mạnh phục hồi sản xuất hàng hóa trong nước và phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, do giá nhiều loại nguyên vật liệu tăng cao cũng góp thêm yếu tố khiến kim ngạch xuất nhập khẩu gia tăng mạnh mẽ.

Tuy vậy, ở những mặt hàng khác có kim ngạch tăng mạnh như: mặt hàng clinker xuất khẩu tăng 595% so với cùng kỳ (số liệu thống kê 2 tháng đầu năm). Một số mặt hàng nhập khẩu có mức tăng trưởng cao như: hóa chất, nguyên liệu sản xuất, linh kiện ô tô, thiết bị máy móc nhập khẩu tạo tài sản cố định cho các dự án đầu tư, vải các loại..., góp phần đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.

Ở chiều ngược lại, một số địa phương lại khá khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ thu. Đơn cử như tại Cục Hải quan Lào Cai, tính đến 15/3, số thu của toàn đơn vị đạt 288,7 tỷ đồng; bằng 18,74% chỉ tiêu cả năm do Bộ Tài chính giao, giảm 2,01% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tỷ lệ thu này đang nằm trong nhóm thấp của toàn ngành. Nguyên nhân một phần là do mặt hàng có nguồn đóng góp thu ngân sách lớn của Hải quan Lào Cai là khoáng sản cũng như các mặt hàng truyền thống có thuế suất cao như quặng, điện năng... ngày càng giảm mạnh.

Phần lớn hơn là do dịch bệnh, hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành không phát sinh, tại Chi cục Hải quan ga đường sắt quốc tế Lào Cai vẫn duy trì hoạt động xuất nhập khẩu nhưng số lượng hàng hóa nhập khẩu hạn chế. Trong khi đó, đây là 2 chi cục đóng góp số thu lớn nhất trong toàn cục.

Nhìn trên tổng thể, với những thuận lợi về khách quan của kim ngạch xuất nhập khẩu, ngành Hải quan cũng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, vừa tạo thuận lợi thương mại tối đa cho doanh nghiệp. Các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin liên tục được triển khai, các tổ hỗ trợ 24/7 thường xuyên được duy trì,…

Đặc biệt, các đơn vị trên cả nước đều chủ động rà soát, đánh giá nguồn thu, phân tích các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách nhà nước để xây dựng, triển khai các giải pháp tăng thu và chống thất thu; qua đó, góp phần vào thành quả chung của toàn ngành.

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam