Tìm giải pháp giúp doanh nghiệp giảm chi phí xuất nhập khẩu

19:25 | 06/04/2022 Print
(TBTCO) - Nhiều giải pháp nhằm giảm chi phí xuất nhập khẩu hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu sau dịch Covid-19 đã, đang và sắp được thực hiện được đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp nêu ra trong bối cảnh chi phí xuất nhập khẩu tăng cao.

Ngày 6/4 tại TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí Hải quan đã tổ chức buổi tọa đàm “Tìm giải pháp kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp” nhằm mục đích tạo diễn đàn để các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, hiệp hội trao đổi, hiến kế những giải pháp có thể kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu (XNK).

Sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan); lãnh đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố phía Nam, các Hiệp hội doanh nghiệp và khoảng 100 doanh nghiệp XNK.

Các diễn giả chia sẻ giải pháp giúp doanh nghiệp giảm chi phí xuất nhập khẩu. Ảnh Đỗ Doãn
Các diễn giả chia sẻ giải pháp giúp doanh nghiệp giảm chi phí xuất nhập khẩu. Ảnh Đỗ Doãn

Tiếp tục cải cách toàn diện thủ tục hành chính Hải quan

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Đào Duy Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống thể chế, văn bản quy phạm pháp luật, Tổng cục Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho 215/237 thủ tục hành chính.

Ngoài ra, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ 29/12/2021, Tổng cục Hải quan đã chính thức cung cấp miễn phí phần mềm khai hải quan cho doanh nghiệp trong lĩnh vực XNK; tham mưu Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 phê duyệt đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.

Tổng cục Hải quan cũng đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát các quy định pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành để kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc; tập hợp để kiến nghị các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành hoặc có ý kiến để kịp thời hướng dẫn các cục hải quan và doanh nghiệp thực hiện thống nhất. Các giải pháp nêu trên đã góp phần đáng kể vào việc cắt giảm thời gian thông quan hàng hoá qua biên giới, tiết kiệm được nhiều chi phí cho doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh trạnh.

‘‘Trong giai đoạn tới, Hải quan Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính một cách sâu rộng, toàn diện nhằm giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong đó, tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin ngành Hải quan, hướng tới hải quan số, hải quan thông minh…’’ - ông Đào Duy Tám nói.

Phó Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý Hải quan Đào Duy Tám: Ngành Hải quan sẽ tiếp tục cải cách hành chính sâu rộng nhằm giúp doanh nghiệp kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu. Ảnh Đỗ Doãn
Phó Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý về hải quan Đào Duy Tám: Ngành Hải quan sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính sâu rộng nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí xuất nhập khẩu. Ảnh Đỗ Doãn

Giải pháp giúp doanh nghiệp thông quan nhanh hàng hóa

Ông Đặng Thái Thiện - Phó trưởng phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh chia sẻ thông tin về Đề án “Tạo thuận lợi thương mại: thủ tục hải quan trong hoạt động Iogistics và chống ùn tắc hàng hóa XNK tại cảng Cát lái”. Đề án đang được Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh triển khai thí điểm nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian thông quan với mục tiêu giảm 70% thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan; giảm 70% thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa.

Để thực hiện đề án, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh tiến hành 3 giải pháp. Đó là xây dựng mô hình làm việc tập trung, khép kín, thực hiện thủ tục hải quan 24/7 trên cơ sở thiết lập kênh trao đổi thông tin riêng giữa cơ quan Hải quan - Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn - doanh nghiệp để thực hiện thủ tục hải quan, thủ tục giao nhận hàng hoá cho các doanh nghiệp tham gia đề án.

Kế đến là bố trí khu vực xếp hàng hóa riêng, có phương án giao nhận hàng hóa tại cầu cảng và phân luồng di chuyển riêng cho xe chở container của các doanh nghiệp tham gia đề án.

Cuối cùng là ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống giám sát trực tuyến quá trình làm thủ tục hải quan - giao nhận hàng hóa XNK và đánh giá mức độ hài lòng của người đi làm thủ tục hải quan đối vói công chức hải quan và cơ quan hải quan.

Toàn cảnh buổi tọa đàm tìm giải pháp kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp. Ảnh Đỗ Doãn
Toàn cảnh buổi tọa đàm tìm giải pháp kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp. Ảnh Đỗ Doãn

Theo ông Trần Việt Huy - Trưởng ban Hải quan và tạo thuận lợi thương mại - Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, ngành Hải quan là ngành tiên phong đổi mới, áp dụng chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước ở mức độ cao; đặc biệt là những nỗ lực thông qua các đối thoại, đào tạo, tháo gỡ vướng mắc; triển khai phần mềm khai báo hải quan miễn phí cũng như sự thẳng thắn tham gia cùng USAID trong việc đánh giá mức độ hài lòng của DN đối với cơ quan Hải quan.

‘‘Để mang lại hiệu quả cao hơn nữa trong việc hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm chi phí XNK, ngành Hải quan cần áp dụng thủ tục hải quan minh bạch, hiệu quả để giảm chi phí và tăng tính dự đoán; nhanh chóng xây dựng và sử dụng các hệ thống trao đổi điện tử dữ liệu giữa các doanh nghiệp, hải quan và các cơ quan liên quan; tăng cường đại chúng hóa đào tạo đại lý khai thuê Hải quan…’’ - ông Trần Việt Huy nêu ý kiến./.

Đỗ Doãn

© Thời báo Tài chính Việt Nam