Diễn đàn “Đối thoại chính sách tài khoá hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”-Tìm cơ hội cho doanh nghiệp

10:20 | 07/04/2022 Print
(TBTCO) - Sáng 7/4, Thời báo Tài chính Việt Nam và Tạp chí Nhà đầu tư phối hợp tổ chức Diễn đàn "Đối thoại chính sách tài khoá hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội". Diễn đàn có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Ngày mai sẽ diễn ra Diễn đàn “Đối thoại chính sách tài khoá hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội” Chính sách tài khóa - “Chìa khóa” thành công của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội

Tham dự Diễn đàn, có: GSTS.KH. Nguyễn Mại- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; lãnh đạo một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính gồm Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Vụ Chính sách thuế, Vụ Đầu tư, Cục Quản lý giá, Cục Tài chính doanh nghiệp, Cục Công sản, Văn phòng Bộ Tài chính; lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cùng đại diện lãnh đạo của gần 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Diễn đàn được tổ chức nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư hiểu rõ chính sách tài khoá hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, chỉ ra các cơ hội đối với doanh nghiệp cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Diễn đàn “Đối thoại chính sách tài khoá hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”-Tìm cơ hội cho doanh nghiệp
Diễn đàn có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Đức Minh

Từ cuối năm 2019, dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu đã mang lại những thách thức chưa từng có, tác động rất lớn đến sự phát triển chung của thế giới cũng như Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động kinh tế, xã hội của doanh nghiệp, người dân, đặc biệt trong năm 2021 vừa qua.

Trong bối cảnh đó, ngày 11/1/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 (Nghị quyết 43) về Chính sách tài khoá tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Tại Nghị quyết này Quốc hội đã quyết định chính sách hỗ trợ Chương trình có quy mô, nguồn lực đủ lớn, tác động cả phía cung và phía cầu; có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ để giải quyết những vấn đề cấp bách, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực gắn với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu và cấp ủy, chính quyền các cấp.

Về chính sách tài khoá, Nghị quyết 43 của Quốc hội đã quyết định giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với nhiều nhóm hàng hoá, dịch vụ; cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 cho kỳ tính thuế 2022; tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động; tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm.

Đến ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết 11/NQ-CP (Nghị quyết 11) của Chính phủ đã nêu rất rõ mục tiêu của chương trình là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.

Để hiện thực hoá các mục tiêu trên, Nghị quyết 11 đã đưa ra một số giải pháp rất quan trọng sau đây:

1. Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt;

2. Cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.

3. Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết 13 ngày 31/12/2021 của UBTVQH.

4. Giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022 đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp.

5. Áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo Nghị định số 101 ngày 15/11/2021.

6. Giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo Nghị định số 103 ngày 26/11/2021.

7. Gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022.

Diễn đàn “Đối thoại chính sách tài khoá hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”-Tìm cơ hội cho doanh nghiệp
Đại diện một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính tham dự diễn đàn. Ảnh: Đức Minh.

8. Hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành, lĩnh vực: hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đạo tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin; cho vay cải tạo chung cư cữ, xây dựng nhà ở xã hôi, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.

9. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tiếp tục nghiên cứu xem xét giảm tiền điện, tiền nước cho doanh nghiệp, người dân.

10. Nghị quyết cũng đã xác định gói hỗ trợ quy mô lớn nhằm phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội trong 2 năm 2022-2023. Trong đó:

- Giảm thuế, phí, lệ phí tối đa 64 nghìn tỷ đồng.

- Chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển. Trong đó, bổ sung tối đa 114,55 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng: giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thích ứng biến đổi khí hậu...

- Gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất khoảng 135 nghìn tỷ đồng.

- Sử dụng 6,6 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

- Tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiều phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 38,4 nghìn tỷ đồng.

- Sử dụng tối đa 46 nghìn tỷ đồng để nhập khẩu vắc-xin, thuốc điều trị, thiết bị, vật tư, y tế.

- Sử dụng 5 nghìn tỷ đồng để phát triển hạ tầng viễn thông, internet.

- Sử dụng 5 nghìn tỷ đồng để đổi mới công nghệ, ươm mầm sáng tạo, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ.

Tại nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội; quy định về giảm tiền thuê đất, gia hạn thời gian nộp các khoản thuế, tiền thuê đất; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước xây dựng, trình chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Đến thời điểm này, một số chính sách, như việc miễn, giảm thuế đã đi vào cuộc sống được dư luận đánh giá cao. Bộ Tài chính đã tích cực, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành một loạt các chính sách quan trọng, nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Từ những hỗ trợ quan trọng này đã tạo động lực để doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi. Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,66% của quý I/2020. Kết quả trên là sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, những thách thức mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt là rất lớn, đó là: kinh tế thế giới và trong nước chưa hồi phục, rủi ro lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia trên thế giới, biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp, tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine, giá nhiều mặt hàng nguyên, nhiên liệu trên thế giới tăng cao...

Với độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, tất cả các rủi ro đó đều phải được tính đến và cần có những kịch bản điều hành phù hợp.

Tại Diễn đàn đối thoại, Lãnh đạo Bộ Tài chính và các đơn vị của Bộ Tài chính sẽ chia sẻ thêm các thông tin mới nhất về các chính sách tài khóa thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; cùng trao đổi, đối thoại về những vấn đề doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm nhằm đưa chính sách đi vào cuộc sống, góp phần đóng góp tích cực, hiệu quả vào Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam