10.200 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch và phát triển văn hóa

16:20 | 15/04/2022 Print
(TBTCO) - Việc đánh thức tiềm năng du lịch nông thôn đang là hướng đi đúng trong xây dựng nông thôn mới. Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua Nhà nước đã và đang đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch và phát triển văn hóa.
Nhà nước đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch và phát triển văn hóa
Nhà nước đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch và phát triển văn hóa. Ảnh: TL

Tại Dự thảo Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nêu rõ, trong giai đoạn 2011 - 2020, Chính phủ đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch với kinh phí khoảng 10.200 tỷ đồng; ngân sách các tỉnh, thành phố cũng bổ sung vào nguồn đối ứng đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch khoảng gần 300 - 350 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh Chương trình hỗ trợ cơ sở hạ tầng du lịch, Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020 được đầu tư với tổng kinh phí 503 tỷ đồng, trong đó tập trung cho mục tiêu bảo tồn tôn tạo di tích và bảo tồn làng, bản, buôn truyền thống.

Từ năm 2016 - 2020, đã có 240 di tích và 7 làng bản buôn truyền thống được hỗ trợ kinh phí bảo tồn.

Nguồn vốn hỗ trợ cơ sở hạ tầng du lịch tập trung chủ yếu cho các địa phương thuộc địa bàn trọng điểm phát triển du lịch vùng; các địa phương có khu, điểm quốc gia được xác định tại Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, trong đó, ưu tiên hỗ trợ cho các tỉnh thuộc địa bàn kinh tế khó khăn, không tự cân đối được ngân sách.

Các dự án được hỗ trợ phải thuộc danh mục các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, được phê duyệt tại Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 và đã có quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch tổng thể phát triển các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc thực hiện nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch nhìn chung đã sử dụng có hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc tăng trưởng khách du lịch, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại các địa phương, đặc biệt là một số địa bàn khó khăn.

“Nguồn vốn ngân sách này đóng vai trò như vốn mồi, đã thực sự tạo động lực cho sự phát triển du lịch, thu hút các nguồn lực khác tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch và cơ sở kinh doanh du lịch. Cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư đã tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến với các địa bàn khó khăn và làm thay đổi cơ cấu kinh tế ở các địa phương vùng sâu, vùng xa” - Bộ NN&PTNT nhận định.

Bộ NN&PTNT cho biết, thời gian tới sẽ huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn.

Dự thảo Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 nêu rõ, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 1 điểm đến du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP): ít nhất có 80 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên và được chuẩn hóa; trong đó ít nhất 50% dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nông thôn được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.

Phấn đấu 100% điểm đến du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng được ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù...

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam