Bộ Tài chính tổ chức hội nghị giao ban công nghệ thông tin năm 2022

14:25 | 15/04/2022 Print
(TBTCO) - Sáng ngày 15/4, tại Quảng Ninh, Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức hội nghị giao ban công nghệ thông tin ngành Tài chính năm 2022, nhằm trao đổi thống nhất về biện pháp phối hợp triển khai ứng dụng công nghệ thông tin năm 2022 và các năm tiếp theo.

Theo Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính Nguyễn Đại Trí, công tác xây dựng, phát triển và duy trì hệ thống công nghệ thông tin, thống kê ngành Tài chính tại các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã gắn liền với các nhiệm vụ chính trị được giao của ngành, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời các yêu cầu điều hành nền tài chính quốc gia, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội; đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước.

Cũng theo ông Nguyễn Đại Trí, 2022 là năm bản lề quan trọng, ngành Tài chính tiếp tục xây dựng, phát triển và duy trì hệ thống công nghệ thông tin, thống kê tài chính đồng bộ, thống nhất, gắn liền với các nhiệm vụ chính trị được giao của ngành; đáp ứng đầy đủ, kịp thời các yêu cầu điều hành nền tài chính quốc gia của Bộ Tài chính; hoàn thành 100% các nhiệm vụ trong chương trình công tác năm 2022 và các nhiệm vụ đột xuất được Bộ Tài chính giao, đáp ứng yêu cầu về thời gian, chất lượng.

Bộ Tài chính giao ban công nghệ thông tin ngành Tài chính năm 2022
Quang cảnh hội nghị giao ban công nghệ thông tin ngành Tài chính năm 2022, sáng 15/4/2022. Ảnh: Đức Minh

Tại cuộc họp giao ban, các đơn vị cùng thảo luận để đánh giá rõ hơn những tồn tại của năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022; đồng thời bàn giải pháp cụ thể để khắc phục và triển khai tốt hơn trong 9 tháng cuối năm 2022 và những năm tiếp theo.

Theo Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính Võ Anh Trung cho biết, các đơn vị hệ thống ngành Tài chính đã đầu tư, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin có trọng tâm, trọng điểm vào hoạt động nghiệp vụ và trong cải cách thủ tục hành chính đã góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, từng bước hình thành nền tài chính điện tử, hướng tới tài chính số.

Trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, công tác công nghệ thông tin và thống kê ngành Tài chính đã triển khai khẩn trương với kết quả cụ thể như: Hệ thống văn bản hoạch định chiến lược, chương trình hành động xây dựng Bộ Tài chính số cơ bản được ban hành đầy đủ. Cục Tin học và Thống kê tài chính đã trình lãnh đạo Bộ Tài chính phê duyệt kế hoạch 5 năm của ngành Tài chính, tại Quyết định số 2042/QĐ-BTC và Kế hoạch 5 năm cơ quan Bộ Tài chính, tại Quyết định số 237/QĐ-BTC.

Bộ Tài chính đã hoàn thành xây dựng Cổng thông tin một cửa điện tử của bộ kết nối, tích hợp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; triển khai hệ thống hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố và đang tiếp tục triển khai tại 57 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; hoàn thành đưa vào hệ thống giám sát an toàn thông tin Bộ Tài chính kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn thông tin quốc gia, ...

Trong 3 tháng đầu năm 2022, các đơn vị thuộc bộ, các đơn vị hệ thống đã tập trung triển khai danh mục dự toán cũng như tập trung triển khai các dự án/nhiệm vụ lớn của ngành.

Tai hội nghị, đại diện lãnh đạo 5 hệ thống lớn (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), Học viện Tài chính, Cục Kế hoạch tài chính và thủ trưởng các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin tập trung thảo luận, đánh giá cụ thể những tồn tại, hạn chế; đồng thời đề xuất giải pháp khắc phục và kế hoạch triển khai nhiệm vụ trong 9 tháng cuối năm 2022 và những năm tiếp theo. Trong đó:

Các thảo luận xoay quanh việc hoàn thiện các cơ chế chính sách, đẩy mạnh việc hướng dẫn thực hiện các quy định về quản lý đầu tư công nghệ thông tin đảm bảo đồng bộ, đầy đủ, đáp ứng các yêu cầu quản lý và tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và thống kê trong ngành Tài chính.

Tập trung nguồn lực tổ chức triển khai và đảm bảo tiến độ giải ngân đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công;

Tổ chức triển khai danh mục dự toán, các dự án lớn, nhiệm vụ trọng tâm toàn ngành, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và phấn đấu đến hết quý II/2022 hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu các gói thầu, ký hợp đồng để giải ngân;

Nghiên cứu, áp dụng triển khai ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ của ngành Tài chính; đồng thời, ổn định tổ chức, bộ máy, nhân sự công nghệ thông tin tại các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.../.

Đức Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam