Bộ Tài chính nỗ lực vì cộng đồng doanh nghiệp

11:31 | 22/04/2022 Print
(TBTCO) - Trong hơn 2 năm qua, khi kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, bám sát các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành chính sách tài khóa ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế

Chính sách tài khoá là một công cụ quan trọng trong việc điều hành chính sách kinh tế của Nhà nước, có ảnh hưởng lớn đến sự cân bằng vĩ mô của nền kinh tế, cũng như hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Điều này đã được chứng minh trong suốt hơn 2 năm qua, khi kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, bám sát các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành chính sách tài khóa ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Hơn 1 năm giữ trọng trách là Bộ trưởng Bộ Tài chính, cũng là thời điểm bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước diễn biến phức tạp với rất nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhất là ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và tập thể lãnh đạo Bộ Tài chính cùng toàn thể công chức, viên chức của ngành đã nỗ lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Vừa kiên trì thực hiện thành công "mục tiêu kép" của Chính phủ đề ra, Bộ Tài chính vừa tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Nguồn: Bộ Tài chính    		   							     Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân

Có thể nói, một trong những thành tựu đáng ghi nhận là Bộ Tài chính chủ động điều hành chính sách tài khóa ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 như: thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và gia hạn thời hạn nộp đối với một số sắc thuế, khoản thu, với tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí được miễn giảm, gia hạn.

Nếu như các năm 2020 và 2021 số tiền lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, thì năm 2022, con số này lớn hơn nhiều. Chiếm tới 83% tổng gói hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ và phát triển kinh tế - xã hội, giá trị của gói chính sách tài khóa trong 2 năm 2022 - 2023 lên đến 291 nghìn tỷ đồng, trong đó miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất khoảng 64 nghìn tỷ đồng.

“Mong doanh nghiệp thành công, nâng cao năng lực cạnh tranh”

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đã triển khai quyết liệt thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và áp dụng từ ngày 1/2/2022. Chính sách này được ban hành từ rất sớm. Dự kiến, năm 2022 giảm thuế, phí, lệ phí tối đa lên đến 64 nghìn tỷ đồng. Đây là nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Thủ tướng đánh giá cao đề xuất của Bộ Tài chính về giải pháp miễn, giảm thuế

Việc Bộ Tài chính triển khai nhanh chóng, kịp thời các chỉ đạo của Chính phủ đã nhận lời khen ngợi của Thủ tướng Chính phủ. Còn nhớ trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng” tháng 8 năm ngoái, khi dịch bệnh hết sức căng thẳng, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về một số giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao việc Bộ Tài chính đã nhanh chóng, kịp thời đề xuất các giải pháp miễn, giảm thuế ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Các chính sách được ban hành sớm theo trình tự thủ tục rút gọn và hướng dẫn dễ hiểu, dễ thực hiện đến nay đã đi vào cuộc sống. Cùng với đó, Bộ Tài chính liên tục rà soát để tiếp tục đề xuất giãn, giảm thuế, phí và lệ phí thực hiện hết năm 2022 khi người dân, doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi “vòng xoáy” của dịch bệnh.

Hơn một năm qua, nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc với các hiệp hội và doanh nghiệp được tổ chức với sự tham dự của người đứng đầu ngành Tài chính. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp để tiếp tục tham mưu với Chính phủ, Quốc hội, Đảng và Nhà nước có những chính sách sát thực hơn, hiệu quả hơn, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.

“Với chức năng, nhiệm vụ của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, để đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp và mong muốn doanh nghiệp tiếp tục thành công, nâng cao năng lực cạnh tranh” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Tại các cuộc gặp gỡ, đối thoại với Bộ trưởng Bộ Tài chính, có rất nhiều ý kiến chia sẻ với Bộ Tài chính, bởi trong bối cảnh rất khó khăn hiện nay, thu ngân sách bị ảnh hưởng do doanh nghiệp gặp khó, kinh tế tăng trưởng chậm lại, nhưng Bộ Tài chính đã tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền ban hành, hoặc ban hành theo thẩm quyền cùng lúc nhiều gói hỗ trợ giãn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Người đứng đầu ngành Tài chính đã đưa ra những việc “cần phải làm ngay” để thực hiện cùng lúc 2 mục tiêu đó mà không “làm khó” Bộ Tài chính trong thực hiện các nhiệm vụ đề ra.

Theo Bộ trưởng, việc nhấn mạnh yêu cầu phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô là hết sức đúng đắn. Đây là yếu tố bắt buộc trong quản lý, điều hành nền kinh tế, đặc biệt là trong điều kiện có các biến động lớn trong, ngoài nước. Ở góc độ chính sách tài khóa, đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và các khoản thu NSNN khác để giúp doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh tiết giảm chi phí, có thêm nguồn lực để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế đã ảnh hưởng đến số thu ngân sách, tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu thu NSNN, Bộ Tài chính đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp như trong ngắn hạn, thực hiện tăng cường quản lý thu NSNN, chống thất thu, trốn thuế, đặc biệt là nguồn thu từ các hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kinh tế phát sinh từ nền kinh tế số, nguồn thu từ tài sản, kinh doanh bất động sản.

“Về dài hạn, tiếp tục nghiên cứu, mở rộng cơ sở thuế trên cơ sở rà soát tổng thể hệ thống chính sách thuế để sửa đổi, bổ sung các khoản thuế còn chưa phù hợp với thực tiễn; tăng thuế suất đối với các hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích sản xuất, tiêu dùng; rà soát, loại bỏ những ưu đãi thuế không còn phù hợp… Khi các gói hỗ trợ tài khoá được áp dụng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp các doanh nghiệp tích lũy vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu” - Bộ trưởng cho hay.

Mục tiêu phát triển toàn diện “Tài chính nhà nước - Tài chính doanh nghiệp - Tài chính dân cư”

“Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đặt ra là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nghèo đói trong xã hội. Do đó, việc thực hiện nhiều gói hỗ trợ giãn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất là thực sự cần thiết nhằm đảm bảo các mục tiêu của Chính phủ.

Bộ Tài chính là bộ tham mưu, ban hành chính sách, chúng tôi luôn suy nghĩ ban hành các chính sách phải sát thực tiễn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, đảm bảo mục tiêu Tài chính nhà nước - Tài chính doanh nghiệp - Tài chính dân cư cùng phát triển toàn diện, hài hòa và mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Việc nhấn mạnh yêu cầu phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô là hết sức đúng đắn. Đây là yếu tố bắt buộc trong quản lý, điều hành nền kinh tế, đặc biệt là trong điều kiện có các biến động lớn trong, ngoài nước. Ở góc độ chính sách tài khóa, đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và các khoản thu NSNN khác để giúp doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh tiết giảm chi phí, có thêm nguồn lực để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về phía Bộ Tài chính luôn luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp để tiếp tục tham mưu với Chính phủ, Quốc hội, Đảng và Nhà nước có những chính sách sát thực hơn, hiệu quả hơn, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn”. - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam