Không hình sự hóa các hoạt động kinh tế, dân sự

16:56 | 22/04/2022 Print
(TBTCO) - Phân tích các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán, Bộ Công an cho biết chủ yếu tập trung vào các hành vi như công bố thông tin không đúng sự thật, thao túng giá chứng khoán và các hành vi này chưa đến mức xử lý hình sự.
Ứng phó linh hoạt để thị trường vốn phát triển ổn định, bền vững Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Phát triển thị trường vốn Sai phạm trên thị trường vốn chỉ là thiểu số, việc xử lý là cần thiết

Các vi phạm chủ yếu chưa đến mức xử lý hình sự

Phát biểu tại hội nghị chiều 22/4, Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết những năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, quy mô giao dịch ngày càng tăng. Tuy nhiên song hành với đó là sự xuất hiện của những hành vi thiếu minh bạch trên thị trường với nhiều thủ đoạn tinh vi phức tạp.

Cụ thể là việc chấp hành không đúng quy định của pháp luật về công bố các thông tin liên quan đến thị trường và giao dịch. Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chỉ riêng trong năm 2021 đã có 38 đoàn thanh tra kiểm tra và ban hành 471 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 20 tỷ đồng. Phân tích các hành vi vi phạm, chủ yếu tập trung vào các hành vi như công bố thông tin không đúng sự thật, thao túng giá chứng khoán và các hành vi này chưa đến mức xử lý hình sự.

Đặc biệt là hành vi mua bán cổ phiếu không báo cáo, không công bố thông tin trước khi giao dịch của các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan cổ đông nội bộ vẫn diễn ra có chiều hướng gia tăng phức tạp, gây thiếu niềm tin cho các nhà đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp đến các giao dịch, đặt ra những vấn đề thiếu minh bạch trên thị trường chứng khoán.

Những hành vi này tác động đến tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam và tiềm ẩn những vấn đề phức tạp.

Cùng với đó là tình trạng cung cấp, đưa thông tin sai lệch thất thiệt trên các trang mạng xã hội và lôi kéo các nhóm đầu tư, nhóm tư vấn mua bán gây thiệt hại cho nhà đầu tư có chiều hướng gia tăng. Lợi dụng thị trường chứng khoán phát triển, số lượng nhà đầu tư gia tăng, các hội nhóm chứng khoán lập nhiều nhóm kín tư vấn lôi kéo nhà đầu tư tham gia mua bán cổ phiếu nhằm trục lợi.

Đặc biệt, trong năm 2021 và đầu năm 2022 trên thị trường đã xuất hiện nhiều thông tin thất thiệt gây ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, cũng như một số thông tin không lành mạnh gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Do tình hình dịch bệnh trong thời gian vừa qua kéo dài, dòng tiền nhàn rỗi chưa được đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều nhà đầu tư tập trung vào đầu tư chứng khoán gây tiềm ẩn gia tăng nợ xấu và an toàn an ninh tiền tệ.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến

Hơn 50% trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo thấp

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, giảm sự phụ thuộc vào việc cung ứng vốn của cho kinh tế từ kênh ngân hàng. Tuy nhiên thời gian qua, trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp nổi lên một số vấn đề tiềm ẩn rủi ro gây nguy cơ liên quan đến an ninh tiền tệ, như việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tài sản đảm bảo ở tỉ lệ thấp. Theo khảo sát thì số lượng này chiếm khoảng 50,9%.

Tình trạng doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả sản xuất kinh doanh thấp, thua lỗ nhưng vẫn phát hành khối lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp với mục đích huy động vốn; phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhưng sử dụng sai mục đích, mức lãi suất trái phiếu cao khiến doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ mất khả năng thanh toán cũng như là vỡ nợ.

Quá trình phát hành trái phiếu doanh nghiệp phát sinh các hành vi vi phạm không minh bạch trong thực hiện nghĩa vụ báo cáo công khai thông tin liên quan đến việc cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành cũng như nhân viên môi giới không có chứng chỉ hành nghề.

Nhận xét về nội dung được Thứ trưởng Lê Văn Tuyến trình bày, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, bài phát biểu đã thể hiện tinh thần quan trọng là chúng ta không hình sự hóa các quan hệ dân sự, các hoạt động kinh tế. Đây cũng là quan điểm được các đại biểu tham dự hội nghị rất đồng tình.

Tội phạm trên lĩnh vực tài chính tiền tệ được coi là tội phạm ẩn diễn ra thời gian dài, khi bị phát hiện gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và cũng gây khó khăn trong quá trình phát hiện, điều tra xử lý của các cơ quan chức năng.

Thời gian qua với chức năng được giao, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ ngành liên quan tập trung chỉ đạo công an các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đảm bảo an ninh tài chính, an ninh kinh tế, nhất là trên lĩnh vực thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp.

Qua đó, chủ động phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp để kịp thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số văn bản cho phù hợp để hạn chế những sơ hở, bất cập trên lĩnh vực này.

Đồng thời Bộ Công an tập trung chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an địa phương điều tra làm rõ những vi phạm trên thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp, xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm, góp phần minh bạch, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.

Rà soát, sửa đổi một số quy định để hạn chế rủi ro

Thời gian tới, để đảm bảo an toàn minh bạch thị trường, giám sát thị trường chứng khoán, Bộ Công an đề xuất, kiến nghị một số vấn đề.

Thứ nhất, đề nghị Bộ Tài chính tập trung rà soát đề xuất sửa đổi bổ sung những quy định còn bất cập trên các lĩnh vực về thị trường chứng khoán. Trước mắt sửa đổi bổ sung Nghị định 156 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực chứng khoán theo hướng tăng khung hình phạt, mở rộng các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.

Thứ hai, Bộ Công an đề nghị sửa đổi bổ sung Nghị định 153 ngày 31/12/2020 về hoạt động chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm hạn chế rủi ro trên thị trường chứng khoán. Sửa đổi bổ sung Luật Chứng khoán 2019 theo hướng có chế tài giám sát hoạt động mở tài khoản của các nhà đầu tư mở nhiều tài khoản ở nhiều công ty chứng khoán khác nhau, cũng như việc kiểm tra thông tin của các nhà đầu tư khi mở tài khoản.

Đề nghị các bộ, ngành tăng cường phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nâng cao hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm trên lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chủ động phát hiện rủi ro tiềm ẩn, kịp thời có biện pháp phòng ngừa khắc phục lỗ hổng.

Tăng cường công tác truyền thông trên thị trường chứng khoán và trái phiếu, nhất là việc phổ biến chính sách chào bán trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường, khuyến nghị những vấn đề rủi ro cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình phát hành để đảm bảo minh bạch thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Về phía Bộ Công an, Thứ trưởng Lê Văn Tuyến cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo công an các địa phương tăng cường các biện pháp để chủ động phát hiện sai phạm, thiếu sót, bất cập, để kịp thời kiến nghị sửa đổi bổ sung và đấu tranh xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tạo môi trường minh bạch, ổn định, phát triển./.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam