Đại dịch COVID-19 tiếp tục thúc đẩy thương mại điện tử trên toàn cầu

12:00 | 26/04/2022 Print
(TBTCO) - Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) ngày 25/4 công bố các số liệu mới cho thấy sự gia tăng đáng kể trong hoạt động thương mại điện tử của người tiêu dùng được thúc đẩy bởi đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục được duy trì trong năm 2021 bất chấp việc nới lỏng các hạn chế ở nhiều quốc gia.
UNCTAD: Dai dich COVID-19 tiep tuc thuc day thuong mai dien tu hinh anh 1
Ảnh minh họa.

Theo đó, tỷ lệ trung bình của người dùng Internet mua hàng trực tuyến đã tăng từ 53% trước đại dịch (2019) lên 60% sau khi đại dịch bùng phát (2020/2021), trên 66 quốc gia.

Nhiều nước phát triển đã có mức độ mua sắm trực tuyến tương đối cao (trên 50% người dùng Internet) trước đại dịch, trong khi hầu hết các nước đang phát triển có mức độ tiếp nhận thương mại điện tử của người tiêu dùng thấp hơn. Tuy nhiên, tình hình trước đại dịch và mức độ thúc đẩy mua sắm trực tuyến đã có sự khác nhau giữa các quốc gia.

Theo UNCTAD, tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), tỷ lệ người dùng Internet mua sắm trực tuyến tăng hơn gấp đôi, từ 27% vào năm 2019 lên 63% vào năm 2020; tại Bahrain, tỷ lệ này tăng gấp ba lần, đạt 45% vào năm 2020 và ở Uzbekistan, con số này tăng từ 4% ở năm 2018 lên 11% vào năm 2020.

Trong số các nước phát triển, mức tăng nhiều nhất là Hy Lạp (tăng 18 điểm %), Ireland, Hungary và Romania - mỗi nước tăng 15 điểm %.

Doanh số bán lẻ trực tuyến cũng đặc biệt được thúc đẩy bởi đại dịch và đã tăng đáng kể về giá trị. Số liệu thống kê chính thức cho 7 quốc gia chiếm khoảng một nửa GDP toàn cầu (bao gồm Hoa Kỳ và Trung Quốc) chỉ ra rằng doanh số bán lẻ trực tuyến đã tăng ở các quốc gia này từ khoảng 2.000 tỷ USD vào năm 2019 (ngay trước đại dịch), lên khoảng 2.500 tỷ USD vào năm 2020 và 2.900 tỷ USD vào năm 2021.

Trung Quốc chiếm hơn một nửa doanh số bán lẻ trực tuyến ở các quốc gia này, còn Hoa Kỳ chiếm hơn 30%.

Tốp 13 doanh nghiệp thương mại điện tử tập trung vào người tiêu dùng hàng đầu (trong đó có Alibaba, Amazon, JD.com, Pinduoduo) đã tăng mạnh doanh thu của họ trong thời kỳ đại dịch. Năm 2019, các công ty này đã đạt doanh thu trị giá 2.400 tỷ USD.

Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020, con số này đã tăng mạnh lên 2.900 tỷ USD và mức tăng thêm 1/3 nữa vào năm 2021, đưa tổng doanh số bán hàng lên 3.900 tỷ USD (theo giá hiện tại).

Tuy nhiên, những số liệu thống kê trên chỉ cung cấp một góc nhìn nào đó về sự phát triển của thương mại điện tử trong thời kỳ đại dịch.

Nhu cầu cấp thiết về số liệu thống kê toàn diện hơn về doanh số bán lẻ trực tuyến, thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng và doanh nghiệp với doanh nghiệp và thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới có thể cung cấp thông tin chi tiết về nhiều quốc gia hơn, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển.

Thu Dung (t.h)

© Thời báo Tài chính Việt Nam