Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực ngân sách năm 2021:

Tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước hơn 72.000 tỷ đồng

10:29 | 27/04/2022 Print
(TBTCO) - Mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, song với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 đã đạt được những kết quả tích cực, có tiến bộ so với năm 2020. Tổng số tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước đạt 72.068 tỷ đồng. Đây là một số đánh giá được nêu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 25/4 về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Chính sách tài khóa linh hoạt, chủ động ứng phó với đại dịch

Thừa ủy quyền Chính phủ, báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021, việc triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP); các nhiệm vụ, giải pháp THTK, CLP đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP năm 2021 và các nghị quyết của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Trong đó, về lĩnh vực quản lý, điều hành ngân sách nhà nước (NSNN), trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ đã kịp thời có những điều chỉnh về chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Năm 2021 đã thực hiện miễn, giảm, giãn ước khoảng 119,4 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.

Kết quả thu NSNN năm 2021 đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, vượt 16,4% (219,9 nghìn tỷ đồng) so với dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020. Nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi NSNN, năm 2021 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2021 là 72.068 tỷ đồng.

Chính phủ đã kịp thời có những điều chỉnh về chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Chính phủ đã kịp thời có những điều chỉnh về chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nợ thuế của doanh nghiệp có xu hướng tăng. Tình trạng gian lận, trốn lậu thuế, buôn bán hóa đơn, nhất là quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh bất động sản và trên môi trường mạng còn phức tạp. Công tác triển khai phân bổ dự toán chi NSNN của các bộ, ngành, địa phương còn chưa có nhiều chuyển biến, vẫn còn tình trạng phân bổ chậm, kéo dài.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đánh giá công tác THTK, CLP năm 2021 so với năm 2020 có một số tiến bộ. Mặc dù năm 2021 do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nên có nhiều khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành, công tác THTK, CLP năm 2021 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Bộ Tài chính đã liên tục cảnh báo về rủi ro phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các báo cáo cần nêu được những vấn đề nổi bật trong tình hình năm qua, những việc làm tốt so với năm trước, bám sát vào Chương trình THTK, CLP Chính phủ đã ban hành. Đơn cử như lĩnh vực ngân sách, năm 2021 là năm rất khó khăn, dự kiến hụt thu rất lớn nhưng Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo, một mặt phòng, chống dịch, mặt khác thực hiện nhiệm vụ kép, từ đó đạt được kết quả tích cực trong thu NSNN.

Đối với lĩnh vực đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần làm rõ những vấn đề được coi là “căn bệnh trầm kha” như chậm giải ngân, chậm phân giao, phân tán, dàn trải..., và báo cáo rõ về tình hình, tiến độ của hàng loạt các dự án quan trọng quốc gia. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu báo cáo cụ thể hơn về những rủi ro liên quan đến thị trường vốn.

Bên cạnh đánh giá, làm rõ những nguy cơ, rủi ro, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý nêu những mặt được, cần biểu dương. “Năm ngoái Bộ Tài chính giảm huy động trái phiếu được mấy chục ngàn tỷ đồng là rất tốt. Giải ngân tốc độ như vậy để bớt lãng phí cho Nhà nước. Điều này phải đưa vào chỗ tích cực, đánh giá tốt. Chúng ta phải biểu dương những chuyện như thế” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu cám ơn và xin tiếp thu các ý kiến góp ý cho báo cáo.

Về một số nội dung cụ thể, Bộ trưởng cho biết thời gian qua Chính phủ đã rất tích cực, nỗ lực trong công tác hoàn thiện thể chế, tuy nhiên do sự biến động lớn của thực tiễn, nên khối lượng công việc ngày càng lớn. Riêng Bộ Tài chính năm qua đã tham mưu cho Chính phủ ban hành 43 nghị định, và Bộ đã ban hành 126 thông tư. Có khi nghị định ban hành sau vài năm đã thành bất cập so với thực tiễn, như Nghị định

153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu mà Bộ Tài chính đang tiến hành sửa đổi. “Khi Luật Chứng khoán, các nghị định ra đời, chúng ta rất muốn tiếp cận điều kiện, quy định của thế giới. Tuy nhiên, sau khi ban hành lại thấy có những lỗ hổng” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Nhận diện sớm được những bất cập trong lĩnh vực này, Bộ Tài chính đã nhiều lần cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về rủi ro với phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp. Riêng Bộ Tài chính cũng đã có 3 văn bản chấn chỉnh, yêu cầu thanh tra. Vừa qua, một số vụ việc đã được xử lý nghiêm, đây là việc làm cần thiết để làm lành mạnh hóa thị trường, song song với việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định về pháp luật.

Điều chỉnh giảm 49.000 tỷ đồng kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ

Về quản lý ngân quỹ nhà nước (NQNN), nguồn NQNN tạm thời nhàn rỗi được sử dụng cho ngân sách trung ương vay theo quy định để bù đắp bội chi NSNN, trong năm 2021 là 90.000 tỷ đồng (đến hết năm 2021, số dư nợ vay NQNN của NSNN là 288.864,5 tỷ đồng); trên cơ sở đó, đã điều chỉnh giảm 49.000 tỷ đồng kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP), giảm áp lực huy động vốn từ thị trường, giúp duy trì mặt bằng lãi suất phát hành TPCP ổn định ở mức thấp.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam