Maria Sharapova tiếp tục giữ vị trí giàu nhất làng thể thao nữ

14:20 | 07/09/2015 Print
Chuyên trang The Richest của Mỹ mới đây vừa tổng hợp giá trị tài sản ròng của các nữ vận động viên chuyên nghiệp nổi tiếng tính đến thời điểm hiện tại. “Búp bê Nga” Maria Sharapova tiếp tục giữ ngôi vị người giàu nhất trong làng thể thao nữ.

Trong danh sách 10 vận động viên nữ giàu nhất dưới đây, bộ môn quần vợt chiếm ưu thế áp đảo khi có đến 8 người là ngôi sao làng banh nỉ.

1- Maria Sharapova: 195 triệu USD

1- Maria Sharapova: 195 triệu USD

Maria Yuryevna Sharapova (sinh năm 1987) là tay vợt người Nga, hiện sinh sống ở Mỹ và là nữ vận động viên kiếm được nhiều tiền nhất thế giới trong suốt 10 năm qua. Lên 6 tuổi, Maria tình cờ được huyền thoại Martina Navratilova phát hiện trên một sân tennis ở thành phố nghỉ mát Sochi. 9 tuổi, người cha Yuri đưa cô đến theo học tại học viện quần vợt Nick Bollettieri bang Florida, Hoa Kỳ. Ở tuổi 17, Masha lên ngôi tại giải Wimbledon 2004 mở rộng tổ chức tại Anh, sau khi đánh bại tay vợt vĩ đại Serena Williams.

Sharapova gia nhập “ngôi đền của các huyền thoại” năm 2012, khi là tay vợt nữ thứ 6 giành “Career Grand Slam” – vô địch tại cả 4 giải: Wimbledon, US Open, Australia Open và Roland Garros. Tổng cộng cô “bỏ túi” 35 triệu USD tiền thưởng trong sự nghiệp đến nay.

Với chiều cao lý tưởng 1m88 và ngoại hình đẹp như người mẫu, Masha còn là “thương hiệu quảng cáo” cực kỳ đắt giá. Trung bình 1 năm cô kiếm được 22 triệu USD từ quảng cáo, bao gồm hợp đồng 70 triệu USD kéo dài 8 năm với Nike cùng 5 năm với Evian, cũng như hợp tác với hãng thời trang Cole Haan, đồng hồ xa xỉ Thụy Sỹ Tag Heuer, siêu xe ô tô Porsche và rất nhiều nhãn hiệu khác.

2- Serena Williams: 145 triệu USD

2- Serena Williams: 145 triệu USD

Vị trí thứ nhì trong bảng danh sách này thuộc về ngôi sao quần vợt người Mỹ Serena Jameka Williams (sinh năm 1981). Cô hiện đang giữ ngôi vị số 1 Thế giới của WTA với điểm số nhiều hơn gấp đôi người xếp thứ 2 là “búp bê Nga” Sharapova – 1 kỷ lục vô tiền khoáng hậu.

Serena được rất nhiều chuyên gia và người hâm mộ bầu chọn là tay vợt nữ vĩ đại nhất mọi thời đại, với 21 danh hiệu Grand Slam nội dung đơn và 13 lần lên ngôi vô địch nội dung đánh đôi cùng người chị Venus. Cô cũng 5 lần chiến thắng ở giải WTA Tour Championships danh giá, đoạt 4 huy chương Vàng tại 3 kỳ Thế vận hội.

Với vô số chức vô địch trong sự nghiệp đến nay, “nữ hoàng quần vợt” đã kiếm được 73,3 triệu USD tiền thưởng, nhiều nhất trong lịch sử quần vợt nữ thế giới. Ngoài ra, Serena còn “bỏ túi” trung bình 12 triệu USD mỗi năm nhờ hàng loạt hợp đồng quảng cáo với tập đoàn tài chính JP Morgan Chase, đồng hồ xa xỉ Thụy Sỹ Audemars Piguet, nhà sản xuất nước giải khát PepsiCo, hãng thời trang thể thao Nike và Wilson… Cô còn có cổ phần tại đội bóng bầu dục Miami Dolphins đang chơi ở giải Vô địch quốc gia Mỹ.

3- Venus Williams: 75 triệu USD

3- Venus Williams: 75 triệu USD

Đứng vị trí thứ 3 tiếp tục là một ngôi sao quần vợt: Venus Ebony Starr Williams (sinh năm 1980), chị ruột của Serena. 2 chị em nhà Williams được người cha cho học tennis từ khi học tiểu học, và luôn cùng nhau luyện tập kể cả khi thi đấu chuyên nghiệp. Cô từng có 3 giai đoạn xếp hạng nhất WTA với tổng cộng 11 tuần, và được coi là tay vợt xuất sắc nhất trên mặt sân cỏ trong kỷ nguyên hiện đại. Tổng cộng, Venus giành tới 22 Grand Slam: 7 lần lên ngôi ở nội dung đơn nữ, 13 lần đôi nữ và 2 chức vô địch đôi nam nữ. Cũng như cô em, Venus còn đoạt 4 huy chương Vàng danh giá tại các kỳ Thế vận hội.

Tính đến nay, cô chị nhà Williams đã “bỏ túi” khoản tiền thưởng 31 triệu USD nhờ các danh hiệu vô địch. Ngoài ra, cô còn nhận tấm bằng chuyên về thiết kế thời trang của Viện nghệ thuật Fort Lauderdale từ năm 2007, song song đó phát triển nhãn hiệu thời trang thể thao EleVen. Tính trung bình mỗi năm Venus kiếm được hơn 2 triệu USD nhờ các hợp đồng tài trợ và quảng cáo với Wilson, Electronic Arts, Kraft, Ralph Lauren, Tide…

4- Kim Yu-Na: 21 triệu USD

4- Kim Yu-Na: 21 triệu USD

Xếp thứ 4 trong bản danh sách là một vận động viên đến từ Hàn Quốc: Kim Yu-Na (sinh năm 1990), một trong những nữ vận động viên trượt băng xuất sắc nhất thế giới những năm gần đây.

Cô nổi tiếng vì kỹ thuật hoàn hảo, các cú nhảy xoay triple-triple trên cao mang “thương hiệu Yu-Na” giàu tốc độ và đậm chất nghệ thuật. Cô là ngôi sao đầu tiên của Hàn Quốc giành được huy chương tại giải vô địch ISU, giải Senior Grand Prix hay Thế vận hội. Yuna đã có được 1 huy chương Vàng Olympics mùa Đông 2010, vô địch thế giới 2009, 3 lần lên ngôi ở Grand Prix Final…

Kể từ khi đoạt huy chương Vàng Thế vận hội ở Vancouver, cô đã trở thành vận động viên nổi tiếng nhất ở Hàn Quốc, giành rất nhiều hợp đồng quảng cáo có giá trị. Theo thống kê, trung bình mỗi năm cô nhận được khoảng 8 triệu USD từ quảng cáo. Hãng điện thoại Samsung có riêng một mẫu smartphone mang tên Kim Yuna, bán được hơn 1 triệu chiếc. “Nữ hoàng trượt băng” còn các bản hợp đồng với Korean Airlines, SK Telecom, LacVert Essance, Maeil milk…

5- Danica Patrick: 18 triệu USD

5- Danica Patrick: 18 triệu USD

Danica Sue Patrick (sinh năm 1982) là vận động viên đua ô tô chuyên nghiệp người Mỹ. Cô là người tiên phong trong lĩnh vực đua xe chuyên nghiệp cho nữ giới. Vì tình yêu với đường đua, Danica đã bỏ học phổ phông, sang Anh và trở thành người phụ nữ đầu tiên đoạt giải nhì cuộc thi Formula Ford Festival. Với chiến thắng tại Indy Japan 300 năm 2008, cô là tay lái nữ đầu tiên giành chiến thắng một cuộc đua xe Indy.

Tuy hầu như không giành được thành tích cao trên đường đua, nhưng với vẻ ngoài quyến rũ, Danica có rất nhiều bản hợp đồng quảng cáo giá trị cao. Nhà cung cấp tên miền nổi tiếng Go Daddy đã tài trợ cho “nữ hoàng tốc độ” suốt 8 năm qua. Ngoài ra, cô còn gắn bó với hãng nước giải khát Coca Cola, đồng hồ Thụy Sỹ Tissot, hãng xe ô tô Chevrolet, công ty thực phẩm Shamrock Foods, tập đoàn bảo hiểm Nationwide Insurance v.v…

6- Li Na: 15 triệu USD

6- Li Na: 15 triệu USD

Ngôi sao quần vợt Li Na (sinh năm 1982) là một trong những vận động viên nổi tiếng nhất Trung Quốc. Cô là cây vợt nữ châu Á đầu tiên chiến thắng tại 1 giải Grand Slam khi vô địch Pháp mở rộng năm 2011. Sau đó Li Na còn lên ngôi tại giải Úc mở rộng năm 2014 và giành thứ hạng 2 trên bảng xếp hạng WTA, cũng là thứ hạng cao nhất mà 1 tay vợt châu Á đạt được. Tuy nhiên, do chấn thương đầu gối dai dẳng, cô đã phải giải nghệ vào tháng 9 năm ngoái.

Trong suốt sự nghiệp thi đấu, Li Na đã “bỏ túi” khoản tiền thưởng khoảng 16 triệu USD. Sau khi đoạt Úc mở rộng đầu năm 2014, cô có được bản hợp đồng quảng cáo trị giá hàng triệu USD với hãng thời trang thể thao Nike. Trước đó, khi lên ngôi ở Pháp mở rộng năm 2011, cô đã được hãng xe ô tô sang Mercedes Benz tài trợ 4,5 triệu USD trong 3 năm. Ngoài ra, cô còn có nhiều hợp đồng giá trị với đại gia công nghệ Samsung, đồng hồ xa xỉ Thụy Sỹ Rolex, công ty chuyên bán dụng cụ tennis Balolat, hãng băng dán SpiderTech và nhiều công ty tên tuổi khác tại Trung Quốc.

7- Victoria Fyodorovna Azarenka: 15 triệu USD

7- Victoria Fyodorovna Azarenka: 15 triệu USD

Cây vợt nữ của Belerus Victoria Azarenka (sinh năm 1989) đứng thứ 7 trong bản danh sách này, với tài sản ròng 15 triệu USD. Cô từng xếp hạng nhất WTA tháng 1 năm 2012, 2 lần đoạt Grand Slam đơn nữ tại giải Úc mở rộng năm 2012, 2013, 2 chức vô địch nội dung đôi nam nữ ở Pháp mở rộng (2008) và Mỹ mở rộng (2007). Azarenka còn giành được huy chương Vàng nội dung đôi nam nữ tại kỳ Thế vận hội năm 2012 ở London.

Tính đến nay, ngôi sao nổi tiếng nhất Belarus này được nhận khoảng 25 triệu USD tiền thưởng cho các danh hiệu. Năm ngoái, cô là vận động viên tennis đầu tiên ký được hợp đồng quảng cáo với gã khổng lồ ngành đồ uống Red Bull. Cô còn có bản hợp đồng trị giá 4 triệu USD với Nike, và nhiều thỏa thuận quảng cáo khác với các thương hiệu nổi tiếng như Wilson, Citizen Watch, American Express, Six Star Pro Nutrition…

8- Agnieszka Radwanska: 14,7 triệu USD

8- Agnieszka Radwanska: 14,7 triệu USD

Agnieszka Radwanska (sinh năm 1989) là tay vợt chuyên nghiệp người Ba Lan có thành tích tốt nhất trong kỷ nguyên mở khi đứng thứ 2 bảng xếp hạng WTA tháng 7 năm 2012. Cô cũng là ngôi sao đầu tiên của Ba Lan vào đến trận bán kết nội dung đơn nữ 1 giải Grand Slam (Wimbledon 2012). Radwanska còn được bình chọn là tay vợt nữ được yêu thích nhất của WTA trong 4 năm liên tiếp (2011-2014).

Cô đã kiếm được khoảng 18 triệu USD tiền thưởng cho thành tích đạt được đến nay. Nhãn hiệu thời trang thể thao đến từ Italy Lotto hiện là nhà tài trợ lớn nhất của Radwanska. Cô còn có bản hợp đồng trị giá hàng triệu USD với công ty thực phẩm Cheesecake Factory của Mỹ, cũng như các thỏa thuận với 1 số nhãn hiệu nổi tiếng khác như đồng hồ Thụy Sỹ Rado, làm người mẫu cho xe ô tô sang Lexus NX…

9- Caroline Wozniacki: 12 triệu USD

9- Caroline Wozniacki: 12 triệu USD

Vận động viên Đan Mạch Caroline Wozniacki (sinh năm 1990) là một trong số ít những tay vợt nữ từng xếp thứ nhất WTA mà chưa từng lên ngôi tại một giải Grand Slam. Thành tích cao nhất của cô là 2 lần vào đến trận chung kết tại Mỹ mở rộng (2009, 2014), kết quả tốt nhất trong lịch sử quần vợt Đan Mạch. Ngoài ra, cô giành được 23 danh hiệu vô địch đơn nữ tại các giải thi đấu của WTA.

Lên ngôi tại các giải đấu nhỏ cũng mang về cho Wozniacki khoản tiền thưởng lên đến hơn 19 triệu USD tính đến nay. Với ngoại hình đẹp, cô giành được hàng loạt bản hợp đồng quảng cáo trị giá khoảng 10 triệu USD mỗi năm với các thương hiệu Adidas, Compeed, Rolex, Danske Invest, Oriflame, Proactiv, Sony Ericsson, Babolat, e-Boks, Yonex, Turkish Airlines... Mới đây nhất là thỏa thuận với nhãn hiệu sô cô la thượng hạng Gopa Chocolatier.

10- Ana Ivanovic: 7 triệu USD

10- Ana Ivanovic: 7 triệu USD

Đứng cuối bản danh sách này là Ana Ivanovic (sinh năm 1987), ngôi sao quần vợt người Serbia. Cô từng xếp hạng 1 WTA năm 2008 và hiện đứng hạng 7. Ivanovic có chức vô địch đơn nữ tại Pháp mở rộng năm 2008 và vào đến trận chung kết Úc mở rộng cùng năm đó. Tháng 6 năm 2011, cô được tạp chí Time bình chọn là 1 trong 30 huyền thoại quần vợt nữ, và nằm trong danh sách 100 tay vợt xuất sắc nhất mọi thời đại.

Trong suốt sự nghiệp, đến nay Ivanovic nhận được 14 triệu USD tiền thưởng. Cô chính là Đại sứ của nhãn hiệu thời trang thể thao Adidas. Ngoài ra, tay vợt nổi tiếng người Serbia còn có 1 số bản hợp đồng quảng cáo khác với hãng đồng hồ xa xỉ Thụy Sỹ Rolex, hãng dụng cụ thể thao Yonex, nhãn hiệu thực phẩm dinh dưỡng Juice Plus và công ty bán lẻ ở sân bay Dubai Duty Free./.

Ngọc Vũ (theo The Richest/Forbes)

Ngọc Vũ (theo The Richest/Forbes)

© Thời báo Tài chính Việt Nam