Gói hỗ trợ 2% lãi suất: Chính sách đúng đắn thẩm thấu vào nền kinh tế

09:07 | 01/05/2022 Print
(TBTCO) - Gói hỗ trợ 2% lãi suất là một chính sách xuất phát từ chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh doanh sau ảnh hưởng Covid-19. Đây là một chính sách đúng đắn, hợp lòng dân và dòng vốn được kỳ vọng sẽ thẩm thấu vào doanh nghiệp, giúp nền kinh tế tăng tốc trong 2 năm tới.

Chính sách hợp lòng dân

Gói hỗ trợ lãi suất là một trong những nội dung thuộc các gói chính sách tài khóa tiền tệ thể hiện tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội ban hành đầu năm 2022. Theo đó, Chính phủ hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.

Đây là một trong những giải pháp của Quốc hội và Chính phủ nhằm giúp doanh nghiệp, người dân giảm chi phí kinh doanh, trong đó chi phí lãi vay là một trong những khoản chi phí đầu vào có ảnh hưởng quan trọng trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Với mục tiêu này, Nghị quyết 43 của Quốc hội và Chỉ thị 01/CT-TTg của Chính phủ đều đưa ra quan điểm hướng việc điều hành chính sách tiền tệ theo hướng giảm chi phí lãi vay cho doanh nghiệp, người dân.

Nghị quyết số 43/2022/QH15 Đồ họa: Hồng Vân
Nghị quyết số 43/2022/QH15 Đồ họa: Hồng Vân

Nghị quyết số 43 của Quốc hội cũng đề cập một trong những nội dung của chính sách tiền tệ là điều tiết thanh khoản phù hợp, tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất. Nghị quyết 43 cũng đưa ra yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.

Về phía Chính phủ, Chỉ thị 01/CT-TTg về việc đôn đốc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 cũng giao Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Kỳ vọng tác động tích cực lên tăng trưởng

Riêng với gói hỗ trợ lãi suất 2%, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện cũng đang gấp rút xây dựng các văn bản hướng dẫn để cụ thể hóa các chủ trương chung. Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm dự kiến triển khai trong hai năm 2022 - 2023, tương đương với quy mô dư nợ khoảng 1 triệu tỷ đồng mỗi năm.

Theo dự thảo tờ trình Chính phủ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên quan đến gói hỗ trợ 2% lãi suất, mục đích xây dựng dự thảo nghị định nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để tạo động lực phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021 - 2025.

Khắc phục nhược điểm của việc hỗ trợ cấp phát trực tiếp

Về cách thức thực hiện, giải pháp hỗ trợ lãi suất phần nào khắc phục được những nhược điểm của phương thức hỗ trợ tiền trực tiếp truyền thống. Cụ thể, việc cấp tiền trực tiếp sẽ phải thực hiện các khâu xét duyệt, phải xây dựng các quy trình quy chế giám sát riêng dẫn đến phát sinh chi phí, thời gian kéo dài. Trong khi đó với giải pháp hỗ trợ lãi suất, việc giám sát sẽ thông qua chính các cơ chế đảm bảo chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng, tận dụng hệ thống mạng lưới ngân hàng để phân bổ vốn.

Ngoài ra, nghị định cũng nhằm tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần giảm giá thành các sản phẩm, dịch vụ, kích cầu tiêu dùng; hỗ trợ khách hàng tận dụng thời cơ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Nhóm ngân hàng thương mại cho vay là nhóm chủ lực trong cho vay đối với nền kinh tế, với quy mô dư nợ chiếm 94% tổng dư nợ cho vay của hệ thống tổ chức tín dụng. Các nguyên tắc hỗ trợ lãi suất có một số nội dung trích xuất từ Nghị quyết 43 (như khách hàng có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi…) và một số nguyên tắc khác sẽ được quy định cụ thể trong nghị định.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, gói hỗ trợ lãi suất được kỳ vọng có thể sẽ tác động tích cực lên nền kinh tế nói chung nhờ sự khơi thông dòng vốn tín dụng. Theo tính toán của ông Nguyễn Duy Thành - Trưởng Phòng phân tích thuộc Công ty chứng khoán Pinetree, với giả định lãi suất cho vay bình quân là 10% thì sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng vay nợ được hỗ trợ lãi suất, chiếm tỷ trọng tương đương khoảng 9% dư nợ toàn hệ thống. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, gói hỗ trợ lãi suất trên sẽ có tác động tích cực lên tăng trưởng tín dụng.

Về tính chất cơ bản của gói hỗ trợ lãi suất, đây là một giải pháp mang tính chất kết hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Giải pháp cấp bù lãi suất có tính ưu việt ở chỗ dù xuất phát điểm là chính sách tài khóa do nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (40 nghìn tỷ đồng), nhưng không thực hiện cấp phát trực tiếp mà thông qua hệ thống cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại.

Những biện pháp cơ bản để quản lý tổng số tiền hỗ trợ lãi suất

Theo dự kiến, việc hướng dẫn thực thi gói cấp bù lãi suất sẽ được chi tiết đến cấp thông tư. Trong đó, một trong những nội dung quan trọng dự kiến được đề cập đưa vào thông tư hướng dẫn là việc đưa ra các biện pháp quản lý số tiền hỗ trợ lãi suất.

Nguồn kinh phí thực hiện chương trình tối đa là 40.000 tỷ đồng, tương ứng với dư nợ được hỗ trợ lãi suất bình quân mỗi năm là 1 triệu tỷ đồng. Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, dư nợ của các ngành được hỗ trợ trong 2 năm 2022 và 2023 đều vượt 1 triệu tỷ đồng nên cần có quy định nhằm kiểm soát, đảm bảo số tiền hỗ trợ lãi suất toàn hệ thống không vượt quá 40.000 tỷ đồng.

Theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước tại dự thảo thông tư hướng dẫn, khi tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng (bao gồm số lãi tiền vay khách hàng đã được hỗ trợ lãi suất và dự kiến số lãi tiền vay còn phải thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với các khách hàng này đến ngày 31/12/2023) đạt khoảng 35.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp Bộ Tài chính có biện pháp quản lý bằng phương pháp phân bổ hạn mức số tiền hỗ trợ lãi suất còn lại đối với từng ngân hàng thương mại. Theo đó, tại thông tư của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cách thức phân bổ hạn mức số tiền hỗ trợ lãi suất còn lại để thông báo cho các ngân hàng thương mại và gửi Bộ Tài chính.

Trong quá trình sử dụng hạn mức số tiền hỗ trợ lãi suất còn lại được Ngân hàng Nhà nước phân bổ, có thể phát sinh trường hợp khoản hạn mức còn lại chưa sử dụng không đủ để hỗ trợ khách hàng đến hết 31/12/2023. Ngoài ra, một trường hợp khác có thể phát sinh là trong khoảng thời gian Ngân hàng Nhà nước thực hiện phân bổ, ngân hàng thương mại chưa biết về hạn mức sẽ được phân bổ nên đã thỏa thuận với các khách hàng mới về số tiền hỗ trợ lãi suất đến hết 31/12/2023 vượt hạn mức sẽ được thông báo sau này.

Do đó, thông tư dự kiến sẽ đưa ra những tình huống để xử lý cho các ngân hàng thương mại, chẳng hạn trường hợp ngân hàng thương mại tính và xác định số tiền hỗ trợ lãi suất dự kiến đối với khách hàng lớn hơn hạn mức số tiền hỗ trợ lãi suất còn lại chưa sử dụng, ngân hàng thương mại có thể thỏa thuận với khách hàng về việc chỉ hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng số tiền bằng với hạn mức số tiền hỗ trợ lãi suất còn lại chưa sử dụng.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam