Arab Saudi siết chặt chi tiêu khi giá dầu ngày càng rớt

15:59 | 29/08/2015 Print
Arab Saudi đang phải loay hoay tìm cách cắt giảm chi tiêu và đầu tư công lên tới hàng chục tỷ USD cho năm tài khóa mới trong bối cảnh giá dầu ngày rớt càng thê thảm và chưa xác định được điểm dừng.

Cường quốc dầu mỏ Arab Saudi cắt chi tiêu khi giá “vàng đen” ngày càng rớt

Ảnh: Bloomberg

Chính phủ nước này cũng đang gấp rút làm việc với các cố vấn nhằm xem xét các kế hoạch chi tiêu vốn qua đó có thể sẽ trì hoãn hoặc thu nhỏ một số dự án về cơ sở hạ tầng để tiết kiệm chi phí tối đa, giúp bảo toàn được lượng tiền để chủ động đối phó với bất kỳ biến động nào của giá dầu thô thế giới.

Arab Saudi cho biết hiện mới chỉ là giai đoạn đầu tiên trong việc xem xét có thể sẽ cắt giảm chi tiêu đầu tư, ước tính khoảng 382 tỷ riyal (khoảng 102 tỷ USD) trong năm nay, chiếm khoảng 10% ngân sách quốc gia. Một số các khoản chi hiện hành trong các lĩnh vực như tiền lương dành cho các cơ quan thuộc nhà nước sẽ chưa bị ảnh hưởng.

Theo thông tin từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì nền kinh tế lớn nhất trong khối Ả Rập dự kiến sẽ công bố về thâm hụt ngân sách quốc gia lên tới gần 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay. Trong đó thu nhập từ dầu mỏ chiếm tới 90% tổng thu nhập với mức giá dầu đã giảm hơn 50% trong 12 tháng qua, đã gây áp lực rất lớn về tài chính cho quốc gia này. Chính phủ nước này đã phải huy động thêm 35 tỷ riyal (khoảng 9,35 tỷ USD) từ thị trường trái phiếu trong nước năm nay, và lần đầu tiên phải phát hành các chứng chỉ với kỳ hạn trên 01 năm kể từ năm 2007.

Theo Fahad Alturki, kinh tế gia trưởng và là người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Jadwa Investment Co., cho biết qua điện thoại từ Riyadh thì: “Đây là một phản ứng tức thời do giá dầu sụt giảm, nhưng cũng phải nhìn vào một thực tế là chi tiêu quốc gia đã phát triển quá nòng trong vài năm qua”. Và “Mặc dù việc cắt giảm trong chi tiêu vốn này sẽ tác động đến sự tăng trưởng kinh tế của Arab Saudi, tuy nhiên thực tế thì các lĩnh vực phi dầu mỏ không phải nhân tố chính gây ảnh hưởng đến nền kinh tế và nó đã giảm đáng kể trong đầu tư của chính phủ so với 20 hay 30 năm trước đây”.

Còn theo một báo cáo của Samba Financial Group thì, vốn đầu tư của chính phủ đã ít hơn một nửa so với trước đây, ước đạt 854 tỷ riyal (khoảng 228 tỷ USD). IMF cho biết thêm: “Trước mắt thì Arab Saudi cần phải nhanh chóng “cải cách giá thành khai thác năng lượng một cách toàn diện, kiểm soát chặt chẽ các khoản đầu tư nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong lĩnh vực đầu tư công”. Và “Sự suy giảm về thu nhập từ dầu mỏ và việc gia tăng chi tiêu công tiếp diễn sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách rất lớn trong năm nay và trong trung hạn đối với quốc gia số 01 vùng vịnh này; làm xói mòn các ưu thế về tài chính mà nước này đã dầy công xây dựng trong hơn một thập kỷ qua”.

Cho đến thời điểm này thì hầu như Bộ Tài chính của Arab Saudi vẫn chưa đưa ra một lời bình luận cụ thể nào.

Suy thoái kinh tế

Cũng theo IMF thì tăng trưởng kinh tế tại quốc gia xuất khẩu dầu số một trung đông sẽ chậm lại trong năm nay và năm sau khi chính phủ buộc phải cắt giảm chi tiêu. Tổng sản phẩm quốc nội có thể sẽ chỉ dừng ở mức tăng trưởng 2,8% trong năm nay và 2,4% trong năm 2016. Sắp tới thì chính phủ nước này cũng sẽ công bố các loại thuế bổ sung thêm như thuế giá trị gia tăng và thuế đất.

Việc sụt giảm của giá dầu đã khiến Arab Saudi phải xem xét lại một số cam kết chi tiêu của mình. Theo Samba Financial Group, Thống đốc ngân hàng Trung ương Fahad al-Mubarak đã kêu gọi xem xét việc trợ giá về xăng dầu cũng sẽ chỉ được duyệt tối đa là 195 tỷ riyal (khoảng 52 tỷ USD) trong năm nay. Một quốc gia trung đông giàu có khác là Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống Nhất UAE cũng đã loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hồi đầu tháng này, cho phép tăng giá bán nhiên liệu khoảng 24% nhằm cải thiện vị thế tài chính cho nước này.

Sự sụt giảm về thu nhập dầu mỏ kết hợp với cuộc chiến tranh với quốc gia láng giềng Yemen và sự gia tăng nguồn tiền chi tiêu trong nước đã làm sụt giảm lên tới tháng thứ năm liên tiếp đối với các khoản đầu tư và tài sản ở nước ngoài của Arab Saudi. Dự trữ ngoại tệ của nước này đang dừng ở mức 664,4 tỷ USD so với mức 724,5 tỷ USD đầu năm nay.

Theo Bộ trưởng Dầu mỏ Na Uy Tord Lien cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Oslo thì, giá dầu thế giới hiện đang ở ngưỡng 40 USD một thùng và mức giá này là không bền vững, các quốc giá trong khối OPEC có thể phải tính tới bài toán tăng giá bán nhiên liệu do nguồn cung đang dần bị hạn chế do lo ngại giá dầu sẽ tiếp tục giảm sút.

Quang Minh (Theo Bloomberg)

Quang Minh (Theo Bloomberg)

© Thời báo Tài chính Việt Nam