Chiến lược phát triển Kho bạc nhà nước đến năm 2030: Mục tiêu cải cách, hiện đại tiệm cận khu vực và thế giới

11:55 | 09/05/2022 Print
(TBTCO) - Ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 455/QĐ - TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030. Việc Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 được phê duyệt có ý nghĩa quan trọng, mở ra chặng đường phát triển tiếp theo của hệ thống Kho bạc Nhà nước. Phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quân - Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước, về vấn đề này.

PV: Việc thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2020 đã đổi mới toàn diện KBNN trên các mặt cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ, quản lý và tổ chức bộ máy. Vậy trong giai đoạn tới, với việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, dự báo hệ thống KBNN sẽ có những thay đổi lớn gì so với hiện nay, thưa ông?

Ông Trần Quân: Với các kết quả đã đạt được trong thời gian qua, có thể khẳng định KBNN đã thực hiện thành công Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020; từ đó, góp phần khơi thông, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước; vị thế và hình ảnh của KBNN cũng được nâng cao.

Chiến lược phát triển Kho bạc nhà nước đến năm 2030: Mục tiêu cải cách, hiện đại tiệm cận khu vực và thế giới
Ông Trần Quân

Đây là nền tảng vững chắc để KBNN tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 với mục tiêu cải cách, đổi mới, hiện đại hóa, tiệm cận với trình độ phát triển tiên tiến của khu vực và thế giới, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị. Một trong những mục tiêu quan trọng của chiến lược là đến năm 2030, hoàn thành xây dựng kho bạc số với những nội dung cải cách, đổi mới sau: Cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước qua KBNN được thực hiện theo phương thức điện tử; đầu mối, quy trình kiểm soát chi ngân sách nhà nước thống nhất và dần chuyển sang kiểm soát theo phương thức quản lý rủi ro. Công tác thanh toán được hiện đại hóa theo mô hình tập trung, KBNN chỉ có một tài khoản duy nhất tại Ngân hàng Nhà nước và tại mỗi hệ thống ngân hàng thương mại. KBNN xây dựng cơ sở dữ liệu kế toán tổng hợp cho toàn bộ khu vực nhà nước; rút ngắn thời gian lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước và báo cáo tài chính nhà nước hàng năm nhằm cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin cho công tác báo cáo, điều hành của các cấp. Hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số được kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu với Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và các hệ thống khác có liên quan. Tổ chức bộ máy hệ thống KBNN tinh gọn theo mô hình 2 cấp và giảm được ít nhất 15% biên chế so với năm 2020; phương thức quản lý hành chính truyền thống được chuyển đổi sang phương thức vừa quản lý, vừa phục vụ và cung cấp dịch vụ.

PV: Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng kho bạc số. Để đạt được mục tiêu này, KBNN sẽ triển khai những giải pháp nào, thưa ông?

Ông Trần Quân: Kho bạc số là một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 và để hoàn thành mục tiêu này, KBNN sẽ triển khai tổng thể, đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ; trong đó, tập trung vào một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm sau:

Nguồn: Kho bạc Nhà nước Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Kho bạc Nhà nước Đồ họa: Hồng Vân

Một là, nghiên cứu, tham mưu các cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến các chức năng, nhiệm vụ của KBNN; để từ đó, cải cách hoạt động nghiệp vụ và tạo nền tảng để hiện đại hóa công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, quản trị và cung cấp dịch vụ của KBNN.

Hai là, chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động quản lý, quản trị và cung cấp dịch vụ của KBNN; trong đó, trọng tâm là xây dựng và vận hành Hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số (VDBAS); đồng thời, thực hiện liên thông, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin liên quan.

Ba là, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức KBNN có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tính chuyên nghiệp cao, có trình độ, kỹ năng, có năng lực sáng tạo, đáp ứng tốt các yêu cầu của quá trình chuyển đổi số.

Mục tiêu của Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030

Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 đặt ra mục tiêu: Xây dựng Kho bạc Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới đồng bộ cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ quản lý quỹ ngân sách nhà nước, ngân quỹ nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động huy động vốn cho ngân sách nhà nước; thực hiện tốt chức năng tổng kế toán nhà nước; kiện toàn bộ máy tổ chức gắn với tăng cường ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, có sự kết nối, liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu khác của ngành Tài chính, cơ sở dữ liệu quốc gia, phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

PV: Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 có đề cập đến việc trước năm 2025, chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng các điều kiện về cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin để đến năm 2030, cơ bản hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình kho bạc 2 cấp và giảm được ít nhất 15% biên chế so với năm 2020. Xin ông cho biết quan điểm và định hướng triển khai đối với mục tiêu này?

Ông Trần Quân: Trong giai đoạn vừa qua, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ và chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hệ thống KBNN đã đẩy mạnh công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Tính từ năm 2015 đến nay, hệ thống KBNN đã cắt giảm 251 phòng thuộc KBNN cấp tỉnh, 64 KBNN cấp huyện và gần 2.000 cấp tổ thuộc KBNN cấp huyện; hơn 620 vị trí lãnh đạo cấp phòng và hơn 2.600 lãnh đạo cấp tổ (đội).

Thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, KBNN sẽ tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy với mục tiêu hình thành mô hình kho bạc 2 cấp vào năm 2030; trong đó, cơ quan KBNN tại trung ương là cấp xây dựng cơ chế, chính sách, tổ chức điều hành và các đơn vị kho bạc trực thuộc là cấp thực hiện. Tuy nhiên, hoạt động của KBNN vừa mang tính chất quản lý nhà nước, vừa mang tính chất phục vụ đối với các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách và người dân (đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện giao thông khó khăn, hạ tầng công nghệ thông tin chưa phát triển), nên việc kiện toàn tổ chức bộ máy KBNN theo mô hình 2 cấp vừa phải tiến hành theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW; đồng thời, vừa phải theo lộ trình từng bước phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại các bộ, ngành, địa phương, đơn vị sử dụng ngân sách, việc phân cấp quản lý nhà nước và sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.

Trong quá trình đó, KBNN cũng sẽ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, lợi ích cũng như ảnh hưởng, thách thức để nhận được sự ủng hộ, chia sẻ, đồng hành từ người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị và đặc biệt là sự đồng lòng, quyết tâm của đội ngũ công chức KBNN trong quá trình cải cách, hiện đại hóa.

PV: Xin cảm ơn ông!

Kiến trúc tổng thể - “nền móng” vững chắc đưa kho bạc tiến nhanh tới kho bạc số

Để khởi động cho tiến trình phát triển kho bạc số, Kho bạc Nhà nước đã nỗ lực nghiên cứu và xây dựng bản “Kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin hướng tới kho bạc số”. Đây là bản quy hoạch kiến trúc tổng thể có ý nghĩa quan trọng và là nền móng để hệ thống Kho bạc Nhà nước tiến nhanh đến kho bạc số vào năm 2030. Kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin của Kho bạc Nhà nước phù hợp với xu thế phát triển công nghệ, đáp ứng yêu cầu quản lý, hiện đại hóa của Kho bạc Nhà nước và nằm trong Kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số. Các cấu phần của Kho bạc Nhà nước tổng thể công nghệ thông tin gồm: kiến trúc nghiệp vụ (quản lý quỹ ngân sách nhà nước và các quỹ tài chính nhà nước, tổng kế toán nhà nước và báo cáo ngân sách, báo cáo tài chính nhà nước, huy động vốn và quản lý ngân quỹ, thanh tra, nghiệp vụ khác và hoạt động nội bộ); kiến trúc dữ liệu; kiến trúc ứng dụng...

Vân Hà (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam