Hợp tác và mở cửa để vượt qua "sóng" lớn

09:48 | 10/05/2022 Print
(TBTCO) - Trong bối cảnh tin xấu liên tiếp xảy ra với nền kinh tế thế giới, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng khôi phục mở cửa và tăng cường hợp tác kinh tế là chìa khóa để chúng ta cùng vượt qua "sóng" lớn, phục hồi kinh tế thành công sau đại dịch.
Bộ Tài chính và Ủy ban châu Âu tăng cường hợp tác tài chính song phương Sáu xu hướng toàn cầu sẽ định hình tương lai Việt Nam Hiệp định RCEP mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Trong bài viết chia sẻ nhận định về tình hình kinh tế mới đây, ông Tim Evans- Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định, những tháng đầu năm 2022 diễn ra trong bối cảnh “tin xấu nối đuôi nhau xảy ra”. Biến chủng Omicron ảnh hưởng nặng nề đến các nền kinh tế đang trên đà phục hồi, giá nhiên liệu tăng dẫn đến lạm phát cao và xảy ra trên diện rộng hơn mức dự báo ban đầu. Tiêu dùng cá nhân phục hồi chậm hơn kỳ vọng cũng hạn chế triển vọng tăng trưởng của một số quốc gia. Bên cạnh đó, tác động do xung đột ở Ukraine khiến thị trường năng lượng thế giới trở nên bất ổn và các dự báo tăng trưởng trở nên kém chắc chắn.

Do đó, không ngạc nhiên khi nhu cầu “tự cung tự cấp “ và các chính sách bảo hộ trở nên phổ biến trong hai năm qua trong bối cảnh các nước kiểm soát đường biên chặt chẽ để phòng chống dịch. Tuy nhiên, Tổng giám đốc HSBC cho rằng đó không phải con đường chúng ta nên đi. Hơn bao giờ hết, các nước cần khôi phục mở cửa biên giới và tăng cường hợp tác.

“Hợp tác kinh tế là chìa khóa để đảm bảo tất cả cùng thoát khỏi đại dịch một cách êm thấm. Đó còn là cách giúp giảm thiểu chi phí lâu dài do những hệ quả nghiêm trọng của Covid và tối đa lợi ích từ những nỗ lực tái thiết của các nước do đại dịch”- ông Tim Evans chia sẻ.

Lấy ví dụ từ khu vực Đông Nam Á, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam đánh giá cả khu vực đều vững tin rằng thịnh vượng kinh tế chung được xây dựng trên nền tảng tự do thương mại, đầu tư và con người. Với việc chuỗi cung ứng chuyển hướng sang Đông Nam Á, sự tăng cường hợp tác đang nâng tầm khu vực trở thành tâm điểm thế giới về sự cởi mở và kết nối. Tương lai còn có thể được cải thiện để trở nên tốt đẹp hơn.

Đó cũng là lý do mà Việt Nam rất tích cực thúc đẩy nỗ lực để tận dụng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tối đa. Đầu tháng 1 vừa qua, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã ký quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện RCEP.

Theo báo cáo từ Ngân hàng Thế giới, trong kịch bản lạc quan nhất, khi tất cả các điều khoản có lợi được áp dụng, Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi nhất từ Hiệp định. Thu nhập của Việt Nam được dự báo có thể tăng 4,9% so với mức cơ bản, cao hơn tất cả các nước khác trong RCEP. Các nước này có mức thu nhập ước tính chỉ tăng 2,5%.

Trong 2 năm qua, Đông Nam Á cũng đã chứng kiến sự bùng nổ của kinh tế số, hơn bất cứ khu vực nào khác trên thế giới. Ngày nay, cả khu vực hiện có 400 triệu người sử dụng internet. Tại Việt Nam, tính tới năm 2021, Việt Nam có thêm 8 triệu người dùng dịch vụ số mới kể từ khi đại dịch bắt đầu, tỷ lệ người dùng mới cao hơn mức bình quân của khu vực Đông Nam Á.

Với nhiều doanh nghiệp, hai năm qua là quãng thời gian họ tập trung chủ yếu vào nhanh chóng triển khai ứng dụng công nghệ và duy trì hoạt động trên không gian mạng. Tuy nhiên, nhiều thay đổi vẫn mang tính giải pháp tình thế tạm thời.

Những thay đổi này cần tiếp tục được đẩy mạnh và ứng dụng sâu rộng bởi chính người tiêu dùng Đông Nam Á về cơ bản cũng dần chuyển sang mua sắm online rất nhiều, mua sắm trực tuyến đã trở thành một phong cách sống. Doanh nghiệp tất nhiên không thể một tay xoay chuyển được tình thế.

Xét dưới góc độ chính sách, cải thiện nền tảng số, trong đó có thể kể đến tăng tốc độ xử lý giao dịch thanh toán cho doanh nghiệp và đồng bộ tiêu chuẩn dữ liệu, sẽ giúp hai bên mua bán tự tin và minh bạch hơn rất nhiều. Tổng giá trị thanh toán toàn cầu được dự báo sẽ đạt 156 nghìn tỷ USD trong năm 2022, các giao dịch xuyên quốc gia đóng vai trò là đầu mối quan trọng trong kết nối toàn cầu. Tầm quan trọng của giao dịch xuyên biên giới càng được nhấn mạnh trong bối cảnh kinh tê số đóng vai trò chính yếu hơn.

Những ví dụ như vậy sẽ thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ hơn của cả ngành dịch vụ tài chính lẫn các thị trường Đông Nam Á khác, hướng tới mục tiêu cuối cùng là một giải pháp thực sự mang tầm cỡ khu vực. Tạo điều kiện cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng giao dịch xuyên biên giới, Đông Nam Á sẽ sớm khai phóng tiềm năng khổng lồ của nền kinh tế số trong khu vực. Chính những sáng kiến kiểu này sẽ đồng thời hỗ trợ và bổ trợ thêm cho những động thái của chính phủ theo nhiều cách.

“Chúng ta đã phải trải qua tình trạng thay đổi trong vòng ba năm qua. Hãy nhìn vào những biến đổi về địa chính trị cũng như tình hình đại dịch trong ba tháng gần đây. Thay đổi này sẽ kéo theo đổi thay khác. Chúng ta cần tận dụng đà này, cưỡi lên những cơn sóng đó để tiến về phía trước”- ông Tim Evans kết luận.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam