Ngành Tài chính: Cắt giảm tối đa các thủ tục để hỗ trợ doanh nghiệp

10:46 | 11/05/2022 Print
(TBTCO) - Các cơ quan của Bộ Tài chính, đặc biệt, tại các đơn vị liên quan đến người dân và doanh nghiệp như thuế, hải quan, kho bạc đều “ghi điểm” bởi những kết quả cụ thể đạt được từ những nỗ lực qua từng tháng, từng năm trong thực hiện cải cách, hiện đại hóa. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình quản lý và điều hành của ngành Tài chính, hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp.

Nỗ lực nhìn từ cơ quan Thuế

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động, quyết liệt triển khai chủ trương xây dựng chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số, từng bước đưa ứng dụng công nghệ thông tin trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình quản lý, điều hành ngân sách và tài chính.

Đặc biệt, tại các đơn vị liên quan đến người dân và doanh nghiệp như thuế, hải quan, kho bạc đều “ghi điểm” bởi những kết quả đạt được từ những nỗ lực qua từng tháng, từng năm. Những kết quả của công tác cải cách, hiện đại hóa lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc được đong đếm với những con số hết sức cụ thể.

Trong lĩnh vực thuế, về khai thuế điện tử cho doanh nghiệp, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Về nộp thuế điện tử, cơ quan thuế đã phối hợp với 55 ngân hàng thương mại và 63 cục thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử và tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ. Tính đến nay, số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế là 843.663 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 99%.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân

Từ ngày 1/1/2022 đến nay, số lượng doanh nghiệp hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng là 841.643 doanh nghiệp, đạt 98,8% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Các doanh nghiệp đã nộp tiền thuế thông qua 1.012.520 giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền trên 122.684 tỷ đồng và 5.870.482 USD.

Về hoàn thuế điện tử, tính từ đầu năm đến nay, tổng số doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử là 2.411 trên tổng số 2.432 doanh nghiệp hoàn thuế, đạt 99,1%; tổng số hồ sơ hệ thống đã giải quyết hoàn là 1.567 hồ sơ với tổng số tiền đã giải quyết hoàn là hơn 10.353 tỷ đồng.

Một trong những bước đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa ngành, góp phần công khai, minh bạch trong quản lý thuế đó là triển khai hóa đơn điện tử. Bộ Tài chính đã triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố (giai đoạn 1), đã có trên 489.000 doanh nghiệp đăng ký và sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Đồng thời, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 206/QĐ-BTC triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại 57 tỉnh, thành phố, dự kiến triển khai trên toàn quốc từ tháng 4/2022. Sự kiện kích hoạt hóa đơn điện tử có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ đã ghi dấu mốc quan trọng của giai đoạn 1 thành công, tạo đà cho triển khai trên toàn quốc…

Cơ quan Hải quan, Kho bạc hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp ngân sách

Trong lĩnh vực hải quan, về Cơ chế một cửa quốc gia, cơ quan Hải quan đã phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thành triển khai các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia trong năm 2022. Tính đến nay, có 244 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành được chính thức triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia, với xấp xỉ 4,9 triệu hồ sơ của trên 51,8 nghìn doanh nghiệp tham gia.

Trong quý I/2022, Việt Nam tiếp tục trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước ASEAN. Đang triển khai kết nối thử nghiệm trao đổi tờ khai Hải quan ASEAN theo kế hoạch của ASEAN, hoàn thành trao đổi thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu với Liên minh kinh tế Á - Âu qua kênh truyền Internet mở cũng như hoàn thành thiết lập kênh kết nối an toàn và đang trao đổi thử nghiệm qua kênh kết nối an toàn. Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung của ngành Hải quan tiếp tục quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung của ngành Hải quan ổn định 24/7, đảm bảo an ninh, an toàn, đường truyền thông suốt phục vụ đắc lực cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Giải quyết hoàn thuế hơn 10.353 tỷ đồng

Tính từ đầu năm đến nay, tổng số doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử là 2.411 trên tổng số 2.432 doanh nghiệp hoàn thuế, đạt 99,1%; tổng số hồ sơ hệ thống đã giải quyết hoàn là 1.567 hồ sơ với tổng số tiền đã giải quyết hoàn là hơn 10.353 tỷ đồng.

Đến nay, đã xây dựng và triển khai thành công Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM) tại 33/35 Cục Hải quan tỉnh, thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cảng, kho, bãi, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tăng cường hiệu quả giám sát của cơ quan hải quan.

Trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước, thực hiện triển khai hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) trong toàn hệ thống kho bạc đã giúp gắn kết các khâu của quy trình quản lý ngân sách nhà nước (NSNN), đặc biệt là giữa khâu thực hiện với các khâu khác của quy trình quản lý; cải cách công tác kế toán NSNN, chuyển từ kế toán tiền mặt sang kế toán tiền mặt điều chỉnh; đồng thời, hỗ trợ các bộ, ngành trong việc phân bổ NSNN.

Trong công tác thu, chi NSNN, đã phối hợp chặt chẽ với các hệ thống ngân hàng để đảm bảo công tác thu, chi, thanh toán được thông suốt, tạo thuận lợi cho người nộp NSNN và thanh toán chi trả kịp thời cho các đối tượng hưởng NSNN; duy trì hoạt động ổn định của các hệ thống thanh toán trong nội bộ hệ thống KBNN và thanh toán với các hệ thống ngân hàng đảm bảo thông suốt, kịp thời và an toàn.

Triển khai cải cách hành chính đồng bộ, toàn diện

Tới dự lễ công bố hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc vào tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao và biểu dương nỗ lực của ngành Thuế nói riêng và toàn ngành Tài chính nói chung đã rất chủ động thực hiện cải cách, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế. Đồng thời, đẩy mạnh cung cấp thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nộp thuế. Hệ thống thuế điện tử đã và đang được xây dựng đồng bộ từ đăng ký thuế điện tử đến khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử.

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá cao Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã nỗ lực, sáng tạo triển khai hóa đơn điện tử làm thay đổi tư duy, phương thức quản lý, thực hiện đối với cả ngành Thuế cũng như người dân, doanh nghiệp. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin còn có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng, tích hợp, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu trọng yếu quốc gia như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội, đất đai…, góp phần thúc đẩy phát triển Chính phủ số, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số và công dân số.

Công tác cải cách hành chính (CCHC) luôn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và được Bộ Tài chính triển khai một cách đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Chính điều này đã tạo hiệu ứng nâng cao hiệu quả CCHC trong tất cả lĩnh vực tài chính.

Theo TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam, Bộ Tài chính là cơ quan tiếp xúc với doanh nghiệp nhiều nhất trong tất cả các bộ, ngành. Để hài lòng người dân và doanh nghiệp, thời gian qua, Bộ Tài chính đã nỗ lực thực hiện CCHC trong các lĩnh vực do Bộ quản lý. Điều này mang tại những thay đổi lớn trong cách thức làm việc của cơ quan thuộc Bộ, cũng như các doanh nghiệp.

Cũng theo ông Lê Duy Bình, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận Bộ Tài chính là đơn vị có tốc độ CCHC nhanh, khối lượng dịch vụ được cải cách lớn, góp phần giảm chi phí, thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Minh chứng là thời gian gần đây, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ thực hiện nhiều gói hỗ trợ về thuế cho người dân, doanh nghiệp. Để chính sách sớm đi vào cuộc sống, Bộ Tài chính đã cắt giảm tối đa các thủ tục để hỗ trợ doanh nghiệp được nhanh nhất, sớm nhất. Các cục thuế địa phương cũng nhanh chóng vào cuộc, tận tình hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp, coi việc của doanh nghiệp cũng chính là việc của mình.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng khẳng định, một trong những ưu tiên trong chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Bộ Tài chính đó là, các chính sách tài chính bên cạnh việc phải đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, thì điều cốt yếu là phải vì sự phát triển của đất nước, vì dân và vì sự phát triển của doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là trung tâm.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam