Gói phục hồi kinh tế: Không giải ngân được sẽ chấm dứt, không có chuyện chuyển nguồn

14:27 | 11/05/2022 Print
(TBTCO) - Bày tỏ lo ngại vì tiến độ triển khai gói chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế đang rất chậm, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, theo tinh thần nghị quyết Quốc hội, đến năm 2023 vốn không giải ngân được sẽ trình Quốc hội chấm dứt, chứ không có chuyện chuyển nguồn vì không đúng tính chất gói kích thích kinh tế.
Đảm bảo nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Chương trình phục hồi kinh tế: Tốc độ giải ngân là yếu tố quyết định Năm 2021: Đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu Đánh giá rõ hơn rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp

Khắc phục tình trạng báo cáo “ba sôi, hai lạnh”

Phát biểu khai mạc phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên họp định kỳ của tháng 5 của UBTVQH để xem xét cho ý kiến về các nội dung sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 và một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBTVQH.

Về nội dung xem xét báo cáo đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, Chủ tịch Quốc hội lưu ý đánh giá về tình hình triển khai gói chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế. Theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, việc giải ngân gói 347.000 tỷ đồng này chỉ trong 2 năm. Song đến nay đã nửa năm 2022, tình hình triển khai đang rất chậm, “chúng tôi rất lo ngại”, Chủ tịch Quốc hội nói và dẫn một con số cho biết bổ sung dự toán của chương trình này cho năm 2021 chỉ khoảng 18.000 tỷ đồng.

“Theo tinh thần nghị quyết Quốc hội đến năm 2023, nếu không giải ngân được sẽ trình Quốc hội chấm dứt, chứ không có chuyện chúng ta đưa ra một gói rồi sau đó lại cứ chuyển nguồn để làm lại. Điều đó không đúng tính chất là gói kích thích kinh tế” - Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Lưu ý về nội dung, chất lượng các báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải khắc phục chuyện báo cáo "ba sôi, hai lạnh". Đây là báo cáo để đại biểu Quốc hội sẽ nghiên cứu chọn lọc vấn đề để phân tích, thảo luận, quyết định nên phải rất cụ thể, khắc phục tình trạng chung chung, tránh tình trạng báo cáo rất nhiều chữ "một số”, hay giải pháp là "tiếp tục", "đẩy mạnh", "tăng cường", không có nội hàm cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Về việc trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư các dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, dự án đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột và Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là 5 dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBTVQH cho ý kiến về sự cần thiết và cấp bách, việc phân kỳ đầu tư, sự phù hợp với các quy hoạch… và nhất là tính khả thi của việc bố trí cơ cấu vốn này, tránh việc khi Quốc hội phê chuẩn chủ trương đầu tư rồi mà không triển khai được. Nguyên tắc là khi quyết định đầu tư một dự án nào thì người quyết định phải biết rõ khả năng huy động vốn và tính khả thi của các nguồn vốn, khả năng thực hiện các dự án.

Làm rõ nguyên nhân chậm phân bổ, chậm giải ngân

Đề cập đến danh mục các dự án đầu tư công của 5 năm và của gói kích thích kinh tế, Chủ tịch Quốc hội cho biết ý kiến của nhiều bộ, ngành, địa phương cho hay đang có rất nhiều các dự án tầm trung, liên kết tỉnh, liên kết vùng, sẵn sàng có thể bố trí vốn và giải ngân được ngay, nhưng chúng ta lại không có vốn; trong khi tập trung cho những công trình chiến lược quan trọng là đúng, để tránh phân tán, dàn trải, nhưng làm sao kết hợp hài hòa được việc này, tập trung cho những công trình, dự án trọng điểm quan trọng, có tính chiến lược, nhất là những dự án liên kết vùng; đồng thời phải đảm bảo được việc giải ngân gói 347.000 tỷ và các kế hoạch đầu tư công khai, trong khi tình hình chuẩn bị đầu tư và giải ngân cũng đang rất khó khăn. 3 tháng mới giải ngân được 11%, chưa nói đến phần vốn bổ sung.

Tại phiên họp này, UBTVQH cũng sẽ xem xét dự kiến phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Chủ tịch Quốc hội cho biết Quốc hội đã phê duyệt các chương trình này từ năm 2020, 2021, song đến nay Chính phủ mới trình phương án phân bổ vốn. Việc chậm trễ này cần được làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và trách nhiệm của ai, đơn vị, bộ ngành nào.

Cũng liên quan đến tiến độ phân bổ vốn, Chủ tịch Quốc hội đề cập đến nội dung xem xét việc bổ sung kế hoạch ngân sách trung ương 2022 trong nước, phân bổ cho các bộ, ngành và địa phương. Đây là một trong các nội dung nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội, theo đó Quốc hội đã giao Chính phủ trình UBTVQH xem xét, quyết định bổ sung dự toán NSNN và kế hoạch đầu tư công năm 2022. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ nội dung này bởi: “ Cơ chế, chính sách đặc thù cho hết rồi, không có gì các đồng chí đề xuất mà Quốc hội không đồng ý. Vậy không biết lý do chậm vì sao?”.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc Chính phủ trình UBTVQH xem xét, quyết định việc bổ sung ngân sách trung ương 2022 trong nước phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương là đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, nội dung chưa đầy đủ bởi còn thiếu phần danh mục cụ thể, “chỉ có phần ngọn mà chưa biết phần gốc”. Đề nghị UBTVQH xem xét kỹ nội dung này, Chủ tịch Quốc hội khẳng định “chưa đủ điều kiện, chưa đủ nội dung để quyết định thì cấp bách mấy chúng ta cũng phải để lại”.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam