Đưa đất đai trở thành nguồn nội lực quan trọng trong phát triển kinh tế

15:38 | 12/05/2022 Print
(TBTCO) - Chính sách thuế có liên quan đến đất đai không chỉ có chức năng tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, mà còn là công cụ tài chính để điều tiết thị trường bất động sản, cũng như là một chính sách điều tiết phát triển đô thị. Tuy nhiên, do chính sách còn chồng chéo, chưa đồng bộ, đã xuất hiện tình trạng đầu cơ, thổi giá, kê khai nộp thuế mua bán, chuyển nhượng bất động sản hai giá, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Do đó, chính sách cần sớm được hoàn thiện, đưa đất đai trở thành nguồn nội lực quan trọng trong phát triển kinh tế.

Thất thu thuế do khai gian giá chuyển nhượng bất động sản

Chia sẻ thông tin tại hội thảo “Khai thác nguồn lực tài chính từ đất, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản” diễn ra ngày 12/5, tại TP. Hồ Chí Minh, ông Thái Minh Giao - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, cho biết 4 tháng đầu năm 2022, tình hình thu ngân sách từ đất trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có nhiều dấu hiệu khả quan khi đạt hơn 12.600 tỷ đồng, chiếm 10,5% tổng thu ngân sách toàn thành phố. Hoạt động chuyển nhượng bất động sản (BĐS) đang diễn ra sôi động trên cả nước nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng.

Thực tế có nhiều trường hợp người nộp thuế khi chuyển nhượng BĐS kê khai giá mua bán với cơ quan thuế thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế, nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế, chưa tự giác kê khai đúng giá thực tế giao dịch. Người nộp thuế kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN), lệ phí trước bạ (LPTB) theo giá trên hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất thấp hơn giá giao dịch thực tế để giảm số thuế TNCN, LPTB phải nộp, gây thất thu ngân sách.

Đưa đất đai trở thành nguồn nội lực quan trọng trong phát triển kinh tế
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Tư

Tuy nhiên, việc xác định giá giao dịch mua bán nhà, đất thực tế trên thị trường vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để làm căn cứ ấn định thuế TNCN, LPTB (nếu giá kê khai, giá theo hợp đồng công chứng thấp hơn giá giao dịch thực tế). Vấn đề này gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan thuế, cán bộ thuế trong việc xác định được giá giao dịch thực tế của từng hồ sơ.

Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã báo cáo UBND thành phố để chỉ đạo các sở, ngành có liên quan cùng phối hợp thực hiện triển khai trong công tác đấu tranh chống thất thu, tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS. Đồng thời, cơ quan thuế có nhiều biện pháp nhằm chống thất thu trong hoạt động chuyển nhượng BĐS, đặc biệt, phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra xử lý các trường hợp cố tình thực hiện hành vi kê khai sai gây sai lệch số thuế phải nộp, gây thất thu thuế cho ngân sách.

"Bằng sự nỗ lực của các cán bộ, công chức cơ quan thuế cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của UBND thành phố, Tổng cục Thuế về công tác chống thất thu trong chuyển nhượng BĐS, trong 3 tháng đầu năm 2022, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã được thực hiện đấu tranh, xử lý 10.876 hồ sơ chuyển nhượng BĐS, thu thêm hơn 180 tỷ đồng cho ngân sách, trong đó thuế TNCN 147 tỷ đồng, LPTB 33 tỷ đồng" - ông Thái Minh Giao cho biết.

Để quản lý thuế một cách có hiệu quả đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS, ông Thái Minh Giao cho hay, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp để chống thất thu trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS; có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các biện pháp xử lý đối với hành vi trốn thuế trong hoạt động chuyển nhượng, kinh doanh BĐS theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài việc cần có các quy định chặt chẽ, thống nhất của các văn bản pháp luật về thuế, về đất đai, kinh doanh BĐS, về hoạt động công chứng..., công tác phối hợp của các cơ quan, đơn vị có liên quan phải được tăng cường.

Thời gian tới Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh sẽ tích cực tham mưu cơ quan cấp trên, phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc thực hiện kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện tăng cường quản lý thuế và chống thất thu đối với các khoản thu về đất và BĐS.

Cần xem xét ban hành thuế bất động sản, ngăn chặn thất thu thuế

Cũng tại hội thảo, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh, cho rằng đối với việc thu ngân sách nhà nước từ BĐS, chính sách cần có những điều tiết hợp lý, làm sao để đất đai trở thành nguồn nội lực cực kỳ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Tại TP. Hồ Chí Minh, đã có khoảng 30.000 trường hợp đã phải rà soát lại về việc kê khai chuyển nhượng BĐS.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho hay, hiện nay các vấn đề liên quan đến BĐS đang rất nóng, nhất là liên quan đến các tập đoàn lớn như FLC và Tân Hoàng Minh… Vậy làm thế nào để không thất thu ngân sách mà không ảnh hưởng làm đóng băng BĐS cũng là một trong những yêu cầu lớn. Trong đó có mục tiêu tổng quát quan trọng là “Phát triển thị trường BĐS nhà ở bền vững, minh bạch dưới sự điều tiết, giám sát của Nhà nước, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí tài nguyên đất trong phát triển nhà ở”.

TS. Dư Phước Tân - Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Luật Đất đai năm 2013 khi ra đời đã đánh dấu bước phát triển quan trọng trong chính sách tài chính đất đai với nhiều quy định đổi mới mang tính tiến bộ theo định hướng thị trường. Qua 8 năm triển khai, thông qua các nghị định, thông tư hướng dẫn ban hành, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, vẫn còn một số bất cập về tài chính đất đai.

Theo ông Tân, chính sách cần thực hiện nhất quán theo nguyên tắc chung nhất là cân đối hài hòa lợi ích giữa 3 bên là: Nhà nước - nhà đầu tư và người dân. Đây là nguyên tắc cần quán triệt khi xây dựng các quy định về tài chính đất đai sắp tới.

Đối với vấn đề sửa đổi, điều chỉnh về định giá đất cũng như phạm vi áp dụng, ông Tân cho rằng, cần ban hành quy định bảo đảm cho tổ chức tư vấn giá đất thực sự có vị trí độc lập, tránh tình trạng chỉ có tổ chức nhà nước đứng ra định giá.

Về điều chỉnh lại thuế đất phi nông nghiệp và thuế chuyển quyền sử dụng đất, ông Tân kiến nghị, thuế suất của thuế đất phi nông nghiệp nộp định kỳ hàng năm vẫn ở mức thấp (0,03%) trong khi so với mức thuế ở các quốc gia khác khoảng 1 - 1,5%. Thuế chuyển quyền sử dụng đất là 2% tính trên giá trị BĐS theo bảng giá nhà nước, nên khá thấp. Do đó, chính sách cần được xem xét bổ sung về góc độ khai báo giá trị giao dịch, kể cả xem xét việc gia tăng thuế suất. Cuối cùng ông Tân cho rằng, về lâu dài cần xem xét và ban hành thuế BĐS./.

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam