Cơ hội để hàng nội địa tiếp tục khẳng định vị thế

11:47 | 13/05/2022 Print
(TBTCO) - Tại TP. Hồ Chí Minh và các địa phương trong cả nước, đại dịch Covid-19 và thời điểm trở lại trạng thái bình thường mới đã mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa nội địa được khẳng định vị thế, tạo dấu ấn mạnh mẽ cho người tiêu dùng trong nước. Qua đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Doanh nghiệp thay đổi tư duy từ đại dịch

Câu chuyện thực tế từ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp cung ứng, bán lẻ hàng hóa nằm trong chuỗi liên kết cung-cầu đều chia sẻ, đại dịch Covid-19 và thời điểm sau đại dịch đến nay đã có những góc nhìn thay đổi cho hàng Việt được khẳng định vị thế trên thị trường nội địa và quốc tế. Theo ông Lê Trường Sơn - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, tỷ lệ hàng Việt trong toàn hệ thống của Saigon Co.op đạt trên 90% và duy trì trong suốt thời gian qua. Cùng đi qua mùa dịch, ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh, cũng thừa nhận, mặc dù đại dịch Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, song nhờ đó mà việc sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa để sản xuất cũng được tận dụng tối đa, vẫn giữ được chất lượng không thua kém với nguyên liệu nhập khẩu. “Cũng nhờ đó, việc xuất khẩu vẫn được duy trì ở hai thị trường khó tính là Nhật Bản và Singapore trong suốt mùa dịch vừa qua, điều này đã tạo thêm uy tín cho sản phẩm Bidrico của chúng tôi”- ông Hiến chia sẻ.

Nguồn: Quyết định 645/QĐ-TTg. Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Quyết định 645/QĐ-TTg. Đồ họa: Hồng Vân

Mới đây, tại hội nghị tổng kết cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2021, ông Ngô Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh cho biết, dù chịu nhiều tác động bởi dịch Covid-19, nhưng việc triển khai và thực hiện cuộc vận động trên địa bàn thành phố vẫn hướng đến sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam. Theo đó thành phố đã nỗ lực ổn định thị trường, hoạt động liên kết cùng các tỉnh, thành phố trên cả nước đưa hàng Việt chất lượng, uy tín đến tay người tiêu dùng. Bản thân các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng đã tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm, không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ cam kết bảo vệ người tiêu dùng. Dưới góc nhìn đánh giá từ công tác chỉ đạo trực tiếp công tác phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế, ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho biết, dịch Covid-19 là khoảng thời gian chứng kiến sức sống của hàng Việt, khi trong thời gian giãn cách xã hội, thành phố và các doanh nghiệp vẫn đảm bảo nguồn cung hàng hóa không bị gián đoạn, giá cả thị trường được kiểm soát tốt. Theo ông Hải, trong năm 2021, xu hướng người mua, bán tham gia thị trường thương mại điện tử ngày càng tăng. “Thương mại điện tử nổi lên như giải pháp hiệu quả mở ra cơ hội mua sắm phong phú, đa dạng và dễ dàng, lại an toàn, nhanh chóng, tiện lợi cho người tiêu dùng, nhất là trong thời điểm dịch bệnh vừa qua”- ông Hải thừa nhận.

Nâng tầm hàng Việt

Đánh giá chung về tình hình cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" năm 2021, các cấp lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh khẳng định, cuộc vận động đã đi vào chiều sâu, chuyển biến và tạo hiệu ứng lan tỏa đến các tỉnh thành khác, nhất là địa phương có quan hệ tương tác thương mại với TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, để nâng tầm hơn nữa giá trị hàng Việt, để rút ngắn hơn nữa khoảng cách từ nhận thức, tư duy đến hành động, các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đều cho rằng, nhà nước cần tăng cường hơn nữa, đầu tư hơn nữa về nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin, thương mại điện tử, đồng thời hỗ trợ đối đa cho doanh nghiệp trong vấn đề chuyển đổi số. Đặc biệt, doanh nghiệp, chính quyền cần chú trọng, xúc tiến “xã hội hóa” hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông logistic để tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu thông hàng hóa.

TP. Hồ Chí Minh hiện có 567 sàn thương mại điện tử

Đại diện Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2021-2022, TP. Hồ Chí Minh có 80 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường với nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao. Thành phố hiện có 567 sàn thương mại điện tử, với hơn 20 nghìn trang tin điện tử bán hàng và 134 ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại đang tiếp tục phát huy hiệu quả.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Trường Sơn - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op đề xuất, để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được thiết thực hơn, ngoài chú trọng về hàng hóa, cuộc vận động cần quan tâm cả những sản phẩm dịch vụ, công nghệ, các sản phẩm vi vật chất, sản phẩm trí tuệ.

Về phía các cấp lãnh đạo, cơ quan quản lý nhà nước, theo ông Nguyễn Hồ Hải, thời gian tới thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển kinh tế. Đồng thời tăng cường tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp để ghi nhận, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đề xuất của doanh nghiệp làm cơ sở điều chỉnh, bổ sung quyết sách, quản lý, điều hành phù hợp…

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, ngành chức năng, chuyên môn của TP. Hồ Chí Minh, ghi nhận từ trước, trong và sau đại dịch Covid-19 đã luôn bám sát, đồng hành và tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp thông qua thể chế, chính sách, công tác quản lý, điều hành bằng những việc làm cụ thể.

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam