Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đến cuối năm 2025

15:53 | 13/05/2022 Print
(TBTCO) - Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 24/6/2022 đến hết ngày 31/12/2025, thay thế Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg và Quyết định số 3/2021/QĐ-TTg.

Theo đó, Quyết định 13/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp, bao gồm: đối tượng tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ; loại cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản được hỗ trợ; loại rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ; mức hỗ trợ; thời gian thực hiện hỗ trợ; địa bàn được hỗ trợ; mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp.

Quyết định 13 áp dụng đối với các đối tượng: tổ chức, cá nhân trồng lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê; chăn nuôi trâu, bò, lợn và nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp. Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật có liên quan. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đến cuối năm 2025
Chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp sẽ hỗ trợ cho người nông dân khi gặp khó khăn. Ảnh: TL

Cũng theo quyết định, đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp bao gồm: cây trồng (lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê); vật nuôi (trâu, bò, lợn); nuôi trồng thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra).

Về mức hỗ trợ phí bảo hiểm, để khuyến khích tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp, kế thừa quy định tại Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg và Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg, Quyết định 13 quy định tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ và mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp tối đa theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP.

Cụ thể, theo Điều 19, Nghị định số 58 quy định như sau: cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo: 90%; cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo: 20% phí bảo hiểm nông nghiệp; tổ chức sản xuất nông nghiệp đáp ứng các điều kiện cụ thể: 20%.

Theo Quyết định số 13, mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp được áp dụng mức hỗ trợ tối đa theo quy định tại Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 24/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành giai đoạn 2022 - 2025.

“UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc địa bàn quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 6 có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại quyết định này” – quyết định quy định.

Thời gian thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp từ ngày quyết định này có hiệu lực (26/4/2022) đến hết ngày 31/12/2025. Quyết định 13 thay thế Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp và Quyết định số 3/2021/QĐ-TTg ngày 25/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg./.

Thái Duy

© Thời báo Tài chính Việt Nam