Thị trường mất ngưỡng hỗ trợ cứng, nhà đầu tư lo lắng

19:01 | 13/05/2022 Print
(TBTCO) - Hôm nay lại có 262 cổ phiếu giảm sàn mất thanh khoản, VN-Index bốc hơi 56 điểm. Chỉ số giảm xuống tận 1.182 điểm, thủng luôn ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật 1.200 điểm. Diễn biến này đã khiến nhà đầu tư lo lắng.

Mất niềm tin vào các “mốc”

Phiên này VN-Index giảm thủng mốc 1.200 điểm, một lần nữa vượt ra ngoài dự đoán của các công ty chứng khoán hay đa số nhà đầu tư. Ngay đầu phiên chiều, lực bán đã đủ lớn đẩy chỉ số xuống dưới mốc này. Hậu quả không khó đoán, là một cơn lốc bán tháo xuất hiện thời gian còn lại. Hết ngày, HoSE có 198 mã sàn, HNX có 64 mã và UpCOM có 79 mã. Như vậy toàn thị trường có 341 cổ phiếu giảm hết biên độ, phần lớn mất thanh khoản.

Thị trường mất ngưỡng hỗ trợ cứng, nhà đầu tư hoảng loạn
Diễn biến phiên giao dịch VN-Index

Riêng với hai sàn niêm yết, tuần này đã có tới 3/5 phiên mà số lượng cổ phiếu bán tháo giảm hết biên độ vượt quá con số 200 mã. Áp lực giảm quá mạnh khiến niềm tin trên thị trường giảm sút. Nhà đầu tư vốn được khuyến nghị hay đón nhận các phân tích rất tích cực về thị trường trong năm 2022. Thậm chí kết quả kinh doanh quý I cũng rất tốt, cho thấy mức định giá thực tế rất rẻ. Chẳng hạn kết thúc phiên giao dịch hôm nay, P/E của VN-Index chỉ vào khoảng 13,3 lần. Ngay cả các tổ chức quốc tế, tổ chức đầu tư lớn trong nước cũng nhận định sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên những thực tế diễn ra hàng ngày lại không giống như vậy. Tốc độ giảm giá nhanh khiến nhà đầu tư chìm trong thua lỗ. Sức ép này đã có suốt cả tháng 4 và nhiều lần trong tháng 5 niềm hi vọng được nhen nhóm, nhưng đến nay vẫn là thất bại. Vì vậy niềm tin vào các yếu tố phân tích đang giảm dần. Hậu quả là nhà đầu tư phải tự lo cho bản thân và bán tháo là điều tất yếu xảy ra.

Thị trường đang thiếu tiền?

Liên tiếp các phiên VN-Index giảm 4-5% giá trị là điều cực kỳ hiếm thấy, trừ giai đoạn 2008 khi khủng hoảng tài chính. Thông thường các phiên bán tháo kiểu này dẫn tới thanh khoản rất lớn vì có nhiều người lao vào bắt đáy. Những phiên biến động cuối 2021 hay trong cả quý 1/2022 đều như vậy và thị trường cân bằng lại nhanh.

Tuy nhiên nhịp giảm tháng 4 tới nay thì khác. Lòng tham không thể dẫn tới các đợt bắt đáy đủ lớn, thanh khoản ngày càng thấp khiến đà giảm không cưỡng lại được. Có khả năng rất cao là thị trường đang bị rút tiền.

Có nhiều lý do để lo lắng điều này, mà rõ nhất là mức độ phát hành cổ phiếu khổng lồ trong năm 2021. Số liệu thống kê của FiinGroup thì năm ngoái hơn 100 ngàn tỷ đồng cổ phiếu được phát hành hút tiền trực tiếp, tức là nhà đầu tư phải bỏ tiền mua, không tính các dạng phát hành như trả cổ tức hay thưởng. Ngay cả khối lượng cổ tức bằng cổ phiếu thì cũng là tung vào thị trường một khối lượng lớn nữa. Khi quy mô phát hành ngày càng lớn cũng là lúc tiền của nhà đầu tư ngày càng ít, vì dòng tiền mới vào không thể bằng được mức độ phát hành.

Điểm thứ hai là thị trường tạo thua lỗ, nhất là các cổ phiếu đầu cơ, nên một bộ phận nhà đầu tư đã tháo chạy khỏi thị trường. Luôn có một lớp nhà đầu tư thua lỗ từ bỏ thị trường chứng khoán. Tuy nhiên hiện dòng tiền vào thị trường cũng không còn hấp dẫn như giai đoạn trước, vì đời sống kinh tế xã hội đã bình thường trở lại, tức là lãi suất ngân hàng tăng, nguồn vốn sản xuất kinh doanh cũng cần hơn.

Vì lượng cổ phiếu quá nhiều và lượng tiền mặt lại giảm trên thị trường, nên sức ép của nhu cầu bán đã không được cân bằng dễ dàng như trước. Đây là rủi ro lớn nhất và chỉ có các nhà đầu tư tổ chức mới có thể xử lý được.

Thị trường mất ngưỡng hỗ trợ cứng, nhà đầu tư hoảng loạn

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

18.389 đồng (+31%)

736,1 triệu (+42%)

1.912 tỷ đồng (+24%)

101,5 triệu (+42%)

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam