Mục tiêu nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư

06:30 | 16/05/2022 Print
(TBTCO) - Ngày 13/5/2022, tại Quảng Ninh, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển Châu Á và các ngân hàng tư vấn, hỗ trợ cho Việt Nam về công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia tổ chức Hội nghị phổ biến “Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030”, bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế

Theo ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, hệ số tín nhiệm quốc gia phản ánh khả năng và mức độ sẵn sàng trong tương lai của một quốc gia trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi của chính phủ một cách đầy đủ, đúng hạn. Hệ số này là thước đo định tính về khả năng vỡ nợ của chính phủ, do các cơ quan xếp hạng tín nhiệm (XHTN) đưa ra dựa trên đánh giá định lượng về các chỉ số nợ, thu chi ngân sách, dự trữ ngoại hối, tăng trưởng kinh tế, lạm phát, đầu tư, lãi suất... cũng như đánh giá định tính về tình hình chính trị và triển vọng kinh tế vĩ mô trong tương lai. Đây là chỉ số cơ bản được các nhà đầu tư xem xét như là một yếu tố để xác định mức độ rủi ro và khả năng sinh lời trước khi có quyết định đầu tư vào quốc gia đó.

Việc đạt được kết quả XHTN tốt không chỉ tiết kiệm chi phí tài chính cho chính phủ trong việc huy động vốn ở thị trường vốn quốc tế, mà còn giúp gia tăng số lượng các nhà đầu tư tiềm năng của các đợt phát hành trái phiếu của một quốc gia.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Qua tham khảo kinh nghiệm của quốc tế cho thấy, công tác XHTN quốc gia được các chính phủ đặc biệt quan tâm và chú trọng với 2 lý do chính: XHTN quốc gia là yếu tố quyết định chính đến lãi suất mà một quốc gia phải chi trả khi huy động vốn trên thị trường tài chính quốc tế và do đó ảnh hưởng đến chi phí đi vay của quốc gia đó. Việc hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng bậc hay bị hạ bậc đều ảnh hưởng trực tiếp và tức thì đến chi phí vay của quốc gia đó. Tiếp đến, XHTN quốc gia có thể có tác động tiêu cực đối với XHTN cho các ngân hàng hoặc công ty trong nước. Việc cải thiện XHTN quốc gia sẽ giúp chính phủ cũng như các doanh nghiệp, định chế tài chính nhà nước và tổ chức tín dụng giảm được chi phí huy động vốn khi thực hiện huy động vốn vay hoặc phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế. Việc hạ XHTN quốc gia sẽ tác động đến chi phí huy động và thanh khoản của hệ thống ngân hàng - chi phí vay nợ cao hơn, yêu cầu tài sản thế chấp lớn hơn và lãi suất liên ngân hàng cao hơn.

Các tổ chức này thực hiện đánh giá XHTN đối với quốc gia, với các tổ chức có thoả thuận XHTN. Ngoài ra, các tổ chức này cũng phát hành các báo cáo, nghiên cứu chuyên sâu về ngành, lĩnh vực hoặc các vấn đề nổi bật của khu vực.

Tiếp tục phát huy những thế mạnh về hồ sơ tín nhiệm

Thông tin tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, Chính phủ Việt Nam đã hợp tác chính thức với cả 3 tổ chức XHTN lớn nhất và có uy tín trên thế giới là Moody’s, S&P và Fitch. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác XHTN quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia đến năm 2030.

Trước đó, trong giai đoạn 2013 - 2021, hệ số tín nhiệm và triển vọng xếp hạng của Việt Nam có nhiều cải thiện qua các năm, góp phần giúp Chính phủ mở mang các kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại đa dạng hóa nguồn tài chính, giúp đẩy mạnh thu hút nguồn đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam.

Tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam ở mức triển vọng

Theo đánh giá của 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm (XHTN) Moody’s, S&P và Fitch, Việt Nam đạt mức BB (theo Fitch và S&P), mức Ba3 theo Moody’s; cả ba tổ chức đều đánh giá Việt Nam ở triển vọng Tích cực. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện phát hành thành công 3 đợt phát hành trái phiếu quốc tế vào năm 2005, 2010 và 2014, với chi phí phát hành rẻ hơn nhiều qua các năm nhờ vào hệ số và triển vọng tín nhiệm quốc gia được cải thiện kết hợp với điều kiện thị trường vốn quốc tế thuận lợi. Việc tiếp tục cải thiện XHTN quốc gia trong thời gian tới theo mục tiêu đặt ra của Đề án đóng vai trò quan trọng để cải thiện hồ sơ tín dụng của Việt Nam, tạo hiệu ứng lan toả cho toàn bộ nền kinh tế.

Việc cải thiện XHTN quốc gia là kết quả của việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường hệ thống tài chính - ngân hàng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, đồng thời cũng là kết quả của các bộ, ngành trong việc giải thích, trao đổi, chia sẻ các thông tin cập nhật với các tổ chức XHTN.

Trước yêu cầu đặt ra cho giai đoạn phát triển mới của đất nước, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hoàn thiện, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030, trong đó có mục tiêu phấn đấu tới năm 2030 nâng XHTN của Việt Nam lên hạng “Đầu tư”, đạt mức xếp hạng tín nhiệm từ Baa3 (đối với Moody’s) hoặc BBB - (đối với S&P và Fitch).

Việc cải thiện XHTN quốc gia có ý nghĩa hết sức tích cực, tạo hiệu ứng lan toả cho toàn bộ nền kinh tế. Một mặt góp phần nâng cao uy tín của quốc gia, mặt khác gia tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư quốc tế, cải thiện chi phí huy động vốn nước ngoài của cả Chính phủ và doanh nghiệp. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng khi nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi dành cho Việt Nam đang giảm dần.

Ông Trương Hùng Long cũng cho rằng, điều quan trọng trong đề án xếp hạng tín nhiệm là tổ chức thực thi, nhất là nhóm công tác làm việc với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Chúng ta đã có những thành quả trong cải cách, thì phải có thông tin đến các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đầy đủ, kịp thời, nhanh nhất. Điều này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan Chính phủ, các bộ, ngành và nhóm triển khai thực hiện xếp hạng tín nhiệm.

Việt Nam duy trì hiệu quả kinh tế và nợ chính phủ liên tục thấp hơn so với các nước ASEAN

Đánh giá về các yếu tố thúc đẩy nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, bà Michele Wee - Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho biết, trong giai đoạn

2015 - 2021, Việt Nam đã duy trì hiệu quả kinh tế và nợ chính phủ liên tục thấp hơn so với các nước ASEAN. Tài khóa vãng lai ổn định và khả năng vượt trội của dòng vốn FDI bất chấp cú sốc của đại dịch Covid-19.

“Việc duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định và tích cực của Việt Nam đã được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm công nhận và điều chỉnh lên mức Tích cực, góp phần cho hỗ trợ tín nhiệm quốc gia”- bà Michele Wee đề xuất.

Theo ông Trương Hùng Long, để đạt được các mục tiêu của đề án, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những thế mạnh về hồ sơ tín nhiệm như: Sức mạnh kinh tế, tài khóa, đồng thời cần tiếp tục cải thiện các chỉ tiêu về sức mạnh quản trị và thể chế, khu vực ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, các chỉ tiêu xếp hạng toàn cầu. Việc hội nghị phổ biến đề án được tổ chức ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt đề án, nhằm tích cực triển khai đề án này.

Một số giải pháp nâng cao xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát huy tiềm năng tăng trưởng.

Thứ ba, duy trì năng lực cạnh tranh trong sản xuất công nghiệp, đa dạng hóa và xây dựng năng lực cạnh tranh trong chuỗi cung ứng công nghệ và sản xuất công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Thứ tư, khai thác lợi thế của các hiệp định thương mại, củng cố vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ năm, nâng cao năng suất và chất lượng nguồn nhân lực thông qua giáo dục và đào tạo, tối ưu hóa lực lượng lao động trẻ.

* Ông Nguyễn Xuân Nam - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN):

Tìm các lĩnh vực có thể cải thiện xếp hạng tín nhiệm để xây dựng kế hoạch chi tiết

EVN là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên thực hiện đánh giá hệ số tín nhiệm (XHTN) lần đầu năm 2018, do Công ty Fitch Ratings thực hiện, đã đạt kết quả BB, với triển vọng ổn định, ngang bằng với XHTN quốc gia và liên tục được duy trì đến nay. Trong đó, các Tổng công ty Điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia cũng thực hiện XHTN lần đầu trong các năm 2019 - 2020 và cũng đạt mức tín nhiệm ngang bằng quốc gia.

Mục tiêu nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư
Ông Nguyễn Xuân Nam

Từ khi được đánh giá hệ số tín nhiệm, EVN tiếp cận các nguồn vốn vay thương mại nước ngoài dễ dàng hơn. Trong quá trình làm việc với Công ty Fitch Ratings đánh giá hệ số tín nhiệm, EVN và các đơn vị trong tập đoàn nhận ra các quy trình cần cải thiện, các ưu điểm cần phát huy, hoàn thiện các quy trình nội bộ; sau khi đánh giá hệ số tín nhiệm, EVN và các đơn vị tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, hệ thống báo cáo để tiếp tục duy trì hệ số tín nhiệm.

Theo tôi, đối với đánh giá hệ số tín nhiệm lần đầu, việc có một đơn vị tư vấn hỗ trợ là rất cần thiết. Một đơn vị tư vấn tốt phải đạt được những tiêu chí: Hiểu rõ về Việt Nam, hiểu rõ về doanh nghiệp, các phương pháp đánh giá của các tổ chức XHTN, có phương pháp làm việc khoa học, cung cấp nhân sự có năng lực và có kinh nghiệm tư vấn đánh giá hệ số tín nhiệm cho các doanh nghiệp tương tự…

Vì vậy, để triển khai Đề án cải thiện XHTN quốc gia đến năm 2030, tôi cho rằng, cần thuê tư vấn đánh giá thực trạng hệ số tín nhiệm quốc gia, tìm ra các lĩnh vực có thể cải thiện để xây dựng kế hoạch dài hạn, ngắn hạn, cụ thể và chi tiết; xây dựng kế hoạch triển khai tại từng cấp: Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp; xây dựng hệ thống báo cáo và bộ số liệu tổng hợp, nhất quán để cung cấp cho tổ chức xếp hạng khi cần thiết; thành lập tổ công tác để phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện.

Mục tiêu nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư

* Ông Jason Ving - Giám đốc khu vực về Khu vực công và tổ chức phát triển, ASEAN và Nam Á, Trưởng phòng tư vấn Xếp hạng quốc gia, Đông Ngân hàng Standard Chartered:

Tăng tính minh bạch về dữ liệu các ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước

Chiến lược 2 giai đoạn cho con đường lên hạng đầu tư của Việt Nam đến năm 2030 với các mục tiêu chính. Trong đó, giai đoạn I tập trung vào việc đạt được các mục tiêu định lượng như: GDP bình quân đầu người đạt khoảng 6.100 USD; sự cải thiện bền vững về thu nhập từ thuế sẽ giảm tỷ lệ nợ trên GDP chung của Chính phủ xuống dưới 30% vào năm 2030; giảm thay đổi hàng năm trong nợ Chính phủ ròng nói chung xuống còn 3 - 4% vào năm 2030.

Mục tiêu nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư
Ông Jason Ving

Giai đoạn II tập trung vào việc nâng cao nhận thức của cơ quan xếp hạng tín dụng như: Cải thiện sức khỏe khu vực ngân hàng và giảm rủi ro nợ tiềm tàng của các ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước (DNNN); cải thiện sức khỏe khu vực ngân hàng bằng cách tăng cường tỷ lệ chất lượng tài sản; giảm rủi ro trách nhiệm pháp lý tiềm ẩn bằng cách xây dựng hồ sơ theo dõi các thủ tục hành chính hiệu quả và tăng tính minh bạch về dữ liệu của các ngân hàng, DNNN.

Để đạt được mục tiêu BB đến BB+ đến năm 2023, theo tôi, điều quan trọng là Việt Nam phải đạt được cả 3 mục tiêu định lượng để cải thiện điểm số kinh tế và tài khóa của Việt Nam và nâng xếp hạng tiêu biểu của Việt Nam lên IG. Chúng tôi sẽ hỗ trợ trong việc xây dựng các câu chuyện tín dụng xung quanh cải cách thu và kế hoạch phát triển kinh tế trong các cuộc trao đổi với CRA.

Với mục tiêu BB+đến BBB đến năm 2030, việc Việt Nam đạt được xếp hạng IG sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc giảm rủi ro nợ tiềm tàng từ khu vực tài chính, mà CRA đã liên tục lưu ý là một hạn chế xếp hạng chính.

Việt Nam nên bắt đầu tương tác chủ động với các nhà khảo sát bên thứ 3 để đảm bảo rằng điểm số WGI được cập nhật trên cơ sở tần suất cao hơn. Những cam kết này có thể có dạng: Gửi các bản cập nhật thường xuyên, hàng quý cho bên thứ 3 về các phát triển thể chế và kinh tế; sắp xếp các cuộc gọi cập nhật thường xuyên, hàng năm với các bên thứ 3.

Để phù hợp với các thông lệ quốc tế về phổ biến dữ liệu, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét những điều sau: Tăng tần suất công bố dữ liệu liên quan đến tình trạng nợ của Việt Nam. Cụ thể là tổng nợ của chính phủ trung ương và nợ nước ngoài từ nửa năm lên hàng quý, theo quy định của Hệ thống phổ biến dữ liệu chung nâng cao (e-GDDS) của IMF. Đồng thời, phát triển phổ biến dữ liệu từ e-GDDS sang tiêu chuẩn phổ biến dữ liệu đặc biệt (SDDS), được áp dụng chủ yếu bởi các thành viên đang tìm cách tiếp cận thị trường vốn quốc tế, chẳng hạn như Indonesia và Philippines. Trong khi các tiêu chuẩn e-GDDS chỉ yêu cầu tiết lộ dữ liệu kinh tế vĩ mô và tài chính chung, thì các tiêu chuẩn SDDS phân loại việc công bố thành 4 lĩnh vực: Kinh tế thực, tài khóa, tài chính và đối ngoại.

* Ông Phạm Văn Hiếu – Phó trưởng phòng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính):

Nâng cao nhận thức về khả năng tài chính và thanh toán nợ của doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm

Khung khổ pháp lý để hình hành hoạt động của các tổ chức XHTN đã được Chính phủ ban hành đầy đủ năm 2014, cụ thể Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/2014/NĐ-CP quy định về dịch vụ XHTN, trong đó quy định về điều kiện, tiêu chuẩn cấp giấy chứng nhận dịch vụ cung cấp XHTN tại Việt Nam, quy định phạm vi hoạt động quyền, nghĩa vụ doanh nghiệp. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 507/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch phát triển dịch vụ XHTN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Từ khi Nghị định số 88 được ban hành đến nay mới có 2 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động, tuy nhiên hiện vẫn còn một số hạn chế như: số lượng hợp đồng thực hiện hàng năm còn ít; chưa có nhiều doanh thu…

Mục tiêu nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư
Ông Phạm Văn Hiếu

Một trong yếu tố để thị trường dịch vụ XHTN phát triển đó là thị trường trái phiếu phát triển và có một lượng khách hàng đủ lớn, để tổ chức XHTN cung cấp dịch vụ và có cơ hội đầu tư thêm vào hệ thống dữ liệu, nâng cao chất lượng dịch vụ. Hy vọng rằng thời gian tới, với sự phát triển của thị trường trái phiếu, với các quy định về bắt buộc về XHTN đối với một số doanh nghiệp phát hành ra công chúng thì có thể các đợt xếp hạng tín nhiệm sẽ được rõ hơn.

Trong thời gian tới, về phía cơ quan tham mưu, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính rà soát, đánh giá lại Nghị định 88 về XHTN, bao gồm: rà soát lại quy trình giám sát, chất lượng của các công ty, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ XHTN.

Để cải thiện XHTN ở Việt Nam trong thời gian tới, cần chú trọng xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý; đồng thời, nâng cao nhận thức về khả năng tài chính và khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp được XHTN; cân nhắc rủi ro để định hướng và ra quyết định đầu tư đúng đắn.

Đức Minh - Đức Việt

© Thời báo Tài chính Việt Nam