Đốc thúc tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia

07:10 | 16/05/2022 Print
(TBTCO) - Tiếp tục phiên họp thứ 11, ngày 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc dự kiến phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Đề nghị phân bổ 95.000 tỷ đồng cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Phú Cường, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhất trí với tờ trình của Chính phủ. Quốc hội đã quyết nghị về mức bố trí vốn đầu tư phát triển để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2021 - 2025 là 100.000 tỷ đồng.

Tại tờ trình này, Chính phủ đề nghị phân bổ 95.000 tỷ đồng, chưa phân bổ 5.000 tỷ đồng đối với một số nhiệm vụ, đề án, chương trình chuyên đề chưa được phê duyệt. Với 5.000 tỷ đồng này, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giao Chính phủ quyết định phân bổ chi tiết. Song Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, thẩm quyền phân bổ dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Do tình hình dịch bệnh và tính chất cấp bách của 3 CTMTQG, Quốc hội đã ủy quyền giao UBTVQH xem xét, quyết định. Vì vậy, đề nghị Chính phủ hoàn thiện cơ sở pháp lý để sớm trình UBTVQH xem xét, quyết định.

Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đối với CTMTQG vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hiện nay các thủ tục để giải ngân chưa đảm bảo, trong khi còn hơn 3 năm nữa cần phải giải ngân số tiền rất lớn, do vậy đề nghị tại Kỳ họp Quốc hội thứ 3 tới, Chính phủ cần có báo cáo nêu rõ đánh giá, giải trình nguyên nhân khách quan, chủ quan và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, chậm ở đâu, bộ, ngành nào, địa phương nào chậm.

Phát triển giao thông nông thôn góp phần thay đổi diện mạo mỗi vùng quê.
Phát triển giao thông nông thôn góp phần thay đổi diện mạo mỗi vùng quê.

Đánh giá việc triển khai thực hiện CTMTQG cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất chậm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần có lộ trình, kế hoạch từng năm và cả giai đoạn 2021-2025, có kiểm điểm, quy trách nhiệm. Đồng thời, Chính phủ cần có bảng phân công, tổ chức triển khai thực hiện cho rõ để báo cáo Quốc hội vào Kỳ họp thứ 3 tới, nhìn nhận lại những hạn chế, thiếu sót trong những năm qua và đề xuất giải pháp thực hiện trong thời gian tới hiệu quả hơn.

Cơ bản đồng tình với báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, 3 CTMTQG có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đến nay, cả 3 chương trình đều khởi động rất chậm. Nghị quyết của Quốc hội về CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã ban hành cách đây 2 năm, còn 2 CTMTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững ban hành cách đây hơn 1 năm. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan, sự chậm trễ đó ở đâu và thuộc trách nhiệm của ai.

Về nguyên tắc phân bổ vốn cho các địa phương, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần thực hiện theo đúng điểm c, khoản 4, Điều 1 của Nghị quyết 55/2021/QH15, không phân bổ vốn CTMTQG cho các địa phương có điều tiết ngân sách trung ương (NSTW). Ngoài ra, đối với số vốn phân bổ còn lại, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phải trình để UBTVQH xem xét, quyết định theo đúng tinh thần của nghị quyết, không phân cấp, không ủy quyền.

Phân bổ vốn phải tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên

Đối với từng CTMTQG, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, lần này chưa phân bổ 2.942 tỷ đồng cho các bộ, ngành, bởi nội hàm chưa rõ, chưa giải thích đầy đủ các yếu tố. “Đã chậm nhưng càng phải chắc. Các CTMTQG phân bổ nguồn vốn chủ yếu cho các địa phương. Còn cơ quan quản lý Nhà nước có chức năng quản lý nhà nước thì được bố trí vốn trong kinh phí thường xuyên, đầu tư công được bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công. Không thể lấy khoản kinh phí của các CTMTQG biến thành kinh phí đầu tư công của các bộ” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Sớm hoàn thiện căn cứ cơ sở pháp lý, phương án phân bổ số vốn 5.000 tỷ đồng

Đối với số vốn 5.000 tỷ đồng chưa phân bổ cho các bộ ngành, địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện căn cứ cơ sở pháp lý, phương án phân bổ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, lần này sẽ chưa phân bổ vốn CTMTQG giảm nghèo bền vững, đề nghị Chính phủ cần thuyết minh kỹ lưỡng vì sao chỉ tập trung bố trí vào dự án 1 và dự án 4, trong khi có 7 dự án, không dành nguồn để bố trí cho các dự án còn lại này. Việc phân bố vốn NSTW năm 2022 cũng theo nguyên tắc tương tự.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, UBTVQH đề nghị nghiêm túc rút kinh nghiệm và giải trình, báo cáo rõ Quốc hội về nguyên nhân chủ quan, khách quan, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc chậm báo cáo và phân bổ vốn cho 3 CTMTQG. Đồng thời, UBTVQH thống nhất chủ trương phân bổ vốn NSTW cho giai đoạn 2021-2025 cho 3 CTMTQG và đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của UBTVQH, ý kiến thẩm tra để hoàn thiện phương án phân bổ vốn. Việc phân bổ vốn phải tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên trong các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết 973/UBTVQH, các nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư CTMTQG giai đoạn 2021 - 2025, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, không phân tán, dàn trải, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, đảm bảo đồng bộ, không chồng chéo, trùng lặp nhiệm vụ chi…

Đến hết năm 2025, có ít nhất 10 doanh nghiệp đạt mức vốn trên 5 tỷ USD

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Nghị quyết số 68/NQ-CP về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội.

Theo nghị quyết, để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác đầu tư, nhằm khơi thông nguồn lực, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Hội đồng thành viên, Người đại diện phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương quán triệt, thực hiện quyết liệt, hiệu quả một số nội dung.

Cụ thể, đến hết năm 2025, phấn đấu 100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty có dự án triển khai mới, trong đó có một số dự án đầu tư tiêu biểu, có tính chất dẫn dắt, lan tỏa, mang thương hiệu của doanh nghiệp nhà nước. Có ít nhất 25 doanh nghiệp nhà nước có vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có ít nhất 10 doanh nghiệp đạt mức trên 5 tỷ USD; 100% doanh nghiệp nhà nước có định hướng và thực hiện chuyển dịch đầu tư, hướng đến các dự án đầu tư, sử dụng công nghệ xanh, sạch và giảm thải khí carbon. Đóng góp của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vào ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2021 - 2025 tăng khoảng 5% - 10% so với giai đoạn 2016 - 2020.

Một trong những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện nghị quyết là đẩy mạnh việc huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; gắn chiến lược phát triển của doanh nghiệp nhà nước với phát triển ngành, lĩnh vực để phát huy nguồn lực quan trọng của đất nước.

Ngoài ra, khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty phù hợp với quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng cơ chế khuyến khích phối hợp, hợp tác giữa doanh nghiệp nhà nước với nhau và với các doanh nghiệp tư nhân để thực hiện các dự án quy mô lớn, nâng cao hiệu quả tổng thể chuỗi dự án nhằm phát triển chuỗi giá trị của ngành, lĩnh vực, mở rộng không gian kinh doanh trên nguyên tắc các bên cùng đạt hiệu quả…

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam