Giải ngân vốn đầu tư công: Phá tan sự ì ạch với các giải pháp mạnh

07:05 | 16/05/2022 Print
(TBTCO) - Trước tình hình ì ạch giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 548/QĐ-TTg thành lập 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Như vậy, một lần nữa cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với kỳ vọng giải ngân đạt được kế hoạch đề ra.

Danh sách các bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân đã rút ngắn hơn

Báo cáo từ Bộ Tài chính về giải ngân 4 tháng đầu năm vẫn còn tới 17 bộ, cơ quan trung ương chưa thực hiện giải ngân, thì đến thời điểm này danh sách đã được rút ngắn hơn, chỉ còn 5 cơ quan trung ương chưa thực hiện giải ngân là: Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tập đoàn Điện lực, Hội Nhà văn. Điều này cho thấy, các bộ, ngành, địa phương cũng đã có nhiều tích cực cho công tác này.

Tuy nhiên, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân 5 tháng đầu năm 2022 mặc dù có tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 khi đạt 22,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 22,12%) nhưng vẫn là một tỷ lệ thấp. Như vậy còn một khối lượng vốn rất lớn cần phải được giải ngân từ nay đến cuối năm.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân

Việc giải ngân thấp được các bộ, ngành, địa phương “thanh minh” là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nguồn nhân công bị thiếu hụt. Bên cạnh đó là những khó khăn trong giải phóng mặt bằng, giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng cao. Do đó, nhiều dự án, công trình đã phải tạm hoãn thi công nên không có khối lượng hoàn thành để thanh toán vốn… Thế nhưng, một nguyên nhân không thể chối bỏ và đã được nhiều bộ, ngành, địa phương thừa nhận đó là sự thiếu quyết tâm, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ, chưa thật sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo… Vì thế, tiến độ giải ngân vốn đã chậm lại càng bị chậm hơn.

Để phá tan sự ì ạch này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Các tổ công tác này chịu trách nhiệm kiểm tra, đốc thúc tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/4/2022 chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao, cũng như có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (18,48%).

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các tổ công tác phải xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công tại từng bộ, cơ quan, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu.

Quyết tâm đẩy mạnh tiến độ giải ngân

Cùng với sự quyết liệt của Chính phủ, nhiều bộ, ngành, địa phương cũng đã đưa ra những giải pháp mạnh để đốc thúc, đẩy nhanh tiến độ.

Đơn cử như tại Quảng Trị, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên; thực hiện nghiệm thu, thanh toán ngay khi có khối lượng; chủ động đề xuất điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án ODA chậm giải ngân sang dự án có tiến độ tốt, còn thiếu vốn và ưu tiên bố trí đủ vốn cho các hiệp định kết thúc năm 2022, 2023.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các huyện phải tăng cường phối hợp thực hiện tốt giải phóng mặt bằng các tiểu dự án ODA tại địa bàn, đảm bảo bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Các sở, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt vai trò, đảm bảo hoàn thành kế hoạch giải ngân nguồn vốn ODA năm 2022 của tỉnh.

7,42% kế hoạch vốn chưa được phân bổ

Báo cáo từ Bộ Tài chính, tổng số vốn đầu tư chưa phân chi tiết đến thời điểm này vẫn còn gần 38.458 tỷ đồng, chiếm 7,42% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn trong nước là trên 37.356 tỷ đồng và vốn nước ngoài là trên 1.101 tỷ đồng.

Tương tự như tỉnh Quảng Trị, để đẩy mạnh tiến độ và hướng tới giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao, đối với tỉnh Bình Thuận, UBND tỉnh đang tiếp tục yêu cầu các chủ đầu tư chủ động xây dựng kế hoạch giải ngân theo từng tháng, từng quý cũng như có giải pháp tập trung giải ngân vốn. Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thường xuyên tổ chức đánh giá tiến độ triển khai các dự án. Trường hợp dự án không thực hiện đúng tiến độ phải kịp thời đề xuất điều chuyển nội bộ vốn cho dự án có tiến độ triển khai nhanh, có khả năng hoàn thành trong năm.

Với các dự án khởi công mới trong năm 2022, UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện công tác đấu thầu xây lắp (chậm nhất trong quý II/2022) để sớm triển khai thi công và xúc tiến giải ngân kế hoạch vốn được giao…

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương đã đưa nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của bộ, ngành mình, phấn đấu thực hiện cho bằng được để có kết quả cao nhất.

Như vậy, có thể thấy, các bộ, ngành, địa phương đã rất quyết tâm để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Đây cũng là động lực để hy vọng về một tỷ lệ giải ngân cao khi kết thúc năm ngân sách 2022.

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam