Đại lễ Phật đản Phật lịch 2566: Nhấn mạnh trách nhiệm của mỗi người với nhân sinh và xã hội

11:00 | 01/12/2022 Print
(TBTCO) - Đại lễ Phật đản Phật lịch 2566, dương lịch 2022 đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức trọng thể sáng 15/5 (tức 15/4 Nhâm Dần) tại Trụ sở Trung ương Giáo hội – chùa Quán Sứ, Hà Nội. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành gửi lẵng hoa chúc mừng.
Chú thích ảnh
Các hoà thượng và chư tôn đức thực hiện nghi lễ tắm Phật đản sinh.

Dự Đại lễ có các chư vị giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương, Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, đại sứ một số nước tại Việt Nam, cùng đông đảo Phật tử.

Sau hai năm đại dịch COVID-19 hoành hành, Đại lễ Phật đản tổ chức với quy mô nhỏ hẹp hoặc trực tuyến, năm Phật lịch 2566, Phật đản trở về trong niềm vui chung của nhân dân cả nước, trước tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường, kinh tế - xã hội đang trên đà hồi phục phát triển nhanh và bền vững, đời sống văn hóa, sinh hoạt tâm linh mang lại sự phấn khởi, tươi vui cho tất cả mọi người.

Tuyên đọc Thông điệp Phật đản Phật lịch 2566, dương lịch 2022 của Đức quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực cho biết, Phật đản là dịp cho chúng ta ôn lại lịch sử của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, là cơ hội để người Phật tử chiêm nghiệm, sống theo lời dạy vàng ngọc của ngài, đi theo con đường giác ngộ của ngài để đưa nhân loại đến hòa bình, an lạc và hạnh phúc.

Đức Phật dạy, mọi sự vật, hiện tượng đều do duyên sinh. Theo đó, con người có trách nhiệm trong mỗi suy nghĩ, hành động của mình để bảo vệ sự tươi đẹp của hành tinh, và có vai trò quyết định sự phồn vinh, thịnh vượng, tương lai của vũ trụ mà chúng ta đang sống.

Tu tập Giới - Định - Tuệ là thể hiện trách nhiệm của bản thân đối với chính mình, với tha nhân, với nhân sinh và với xã hội. Theo lời dạy của đức Phật, trách nhiệm xã hội là tiêu chuẩn của cả đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội. Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức đều phải có trách nhiệm, nghĩa vụ hành động vì hạnh phúc, an lạc của nhân loại. Do vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người đệ tử Phật cũng phải nêu cao đạo hạnh, nghiêm trì giới luật và tuân thủ pháp luật; đồng thời siêng năng thực hành giáo lý từ, bi, hỷ, xả để nuôi dưỡng thân tâm. Đó chính là nền tảng thực hiện trách nhiệm xã hội, xóa bỏ điều ác, hận thù, vô cảm trong xã hội; là tiền đề và động lực để mỗi chúng ta thực hiện trách nhiệm xã hội của mình, cùng nhau xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.

Mùa Phật đản năm nay trở về trong không khí hân hoan sau hơn 2 năm đại dịch COVID-19 phải thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều mức độ khác nhau. Đức quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhắc nhở, ngay lúc này, người con Phật càng phát huy hơn nữa truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc. Mỗi tăng, ni cần nêu cao trách nhiệm và làm tròn bổn phận của mình, nỗ lực không ngừng làm cho đạo Phật xương minh, xây dựng Giáo hội vững mạnh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc, tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Diễn văn Phật đản do Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự trình bày nhấn mạnh, ngày nay, Đại lễ Phật đản - VESAK đã trở thành lễ hội tôn giáo vì hòa bình của Liên hợp quốc, là đại lễ thiêng liêng của hàng triệu tín đồ trên toàn thế giới. Trong bối cảnh nhân loại đã trải qua hơn 2 năm dịch COVID-19, cùng với sự đe dọa của biến đổi khí hậu, xung đột và chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu con người, thì Phật đản là thời gian để Liên hợp quốc phát đi thông điệp của Đức Phật về hòa bình, lòng khoan dung, về thế giới không chiến tranh mà thay vào đó là tình thương, lòng bi mẫn, phụng sự con người và chúng sinh.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã khẳng định: “Giáo lý của Đức Phật là thông điệp vượt thời gian về sự đoàn kết và phụng sự tha nhân ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nhân ngày Phật đản - VESAK, chúng ta hãy cùng nhau tôn vinh trí tuệ của Đức Phật bằng cách hành động vì người khác trên tinh thần từ bi và hòa hợp, cũng như đổi mới cam kết của chúng ta nhằm xây dựng một thế giới hòa bình”.

Đại lễ Phật đản năm nay, cũng đúng vào thời gian Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố đang tập trung trí tuệ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Phật giáo nhiệm kỳ 2022 – 2027, tiến tới Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX sẽ được tổ chức vào tháng 11/2022 tại Thủ đô Hà Nội. Để mọi Phật sự được thành tựu, Hòa thượng Thích Gia Quang lưu ý, mỗi tăng, ni cần khắc ghi và thực hành lời dạy của Đức Phật về giáo lý Tứ nhiếp pháp: “Bố thí, là bằng tâm thanh tịnh nhằm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn sau đại dịch COVID-19. Ái ngữ là dùng lời từ hòa hướng dẫn mọi người an trú vào pháp thiện. Lợi hành là làm lợi ích cho mọi người và xã hội. Đồng sự là hòa hợp dấn thân phục vụ để khuyến hóa mọi người phát tâm tu tập theo thiện pháp, hướng đến Nhất thiết trí - thành Phật”.

Theo Hòa thượng, đây chính là con đường dẫn đến sự thành công của mọi công tác Phật sự và cũng chính là con đường để giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Giáo hội. Đồng thời, là điều kiện quan trọng quyết định sự thanh tịnh, hòa hợp và thành công của Đại hội trên tinh thần trên tinh thần: Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển.

Tại Đại lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực đã đọc Thư chúc mừng của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi chư vị giáo phẩm, các vị tăng ni, cư sĩ, Phật tử nhân dịp Đại lễ Phật đản. Trong đó khẳng định, phát huy truyền thống "gắn bó đồng hành cùng dân tộc," trong năm qua, các cấp Giáo hội và đồng bào Phật giáo luôn sát cánh, đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phòng, chống dịch COVID-19, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các hoạt động từ thiện, nhân đạo, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận phát động, qua đó góp phần cùng cả nước đẩy lùi, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, khôi phục, phát triển kinh tế bền vững trong điều kiện mới.

Trong thư, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá cao những đóng góp tích cực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mong muốn Giáo hội cùng đồng bào Phật tử ở trong và ngoài nước phát huy tốt hơn nữa truyền thống "hộ quốc, an dân", có nhiều đóng góp thiết thực vào thành công của Đại hội Phật giáo các cấp cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Các đại biểu đã thực hiện nghi lễ dâng hương và tắm Phật truyền thống cầu nguyện quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.

TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam