Giá phân bón tăng cao, "hạ nhiệt" bằng cách nào?

21:24 | 15/05/2022 Print
(TBTCO) - Dự báo thời gian tới thị trường phân bón sẽ vẫn diễn biến phức tạp, khó lường về giá và nguồn cung. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị sửa luật để chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý.
Chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế
Chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế. Ảnh: Minh họa

Giá phân bón tăng khó lường, nông dân thiệt hại nặng nề

Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong tháng qua, giá các loại phân bón đều có mức tăng 1.000 - 1.900 đồng/kg so với tháng trước. Hiện giá bán lẻ DAP nội địa dao động quanh mức 22.400 đồng/kg, kali 19.500 đồng/kg, urê 18.200 đồng/kg.

Ông Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, giá phân bón bắt đầu tăng phi mã từ năm 2020 đến nay và đây cũng là đợt tăng giá mạnh nhất trong vòng 50 năm trở lại đây. Nguyên nhân khiến giá phân bón tăng cao chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cước vận chuyển tăng mạnh; giá dầu, giá khí tự nhiên tăng cao.

Đặc biệt do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, hai nước này là những cường quốc xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới. Riêng với Nga, từ ngày 10/3 vừa qua đã dừng hẳn việc xuất khẩu phân bón ra thế giới. Điều này dẫn đến nguồn cung phân bón toàn cầu mất cân đối.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, giá phân bón sẽ tiếp tục tăng 20 - 40% trong quý II/2022.

Một lão nông miền Tây cho hay, hiện phân DAP tăng thêm 100 nghìn một bao (50 kg) lên gần 1,4 triệu đồng, đạm và kali tăng 40 - 50 nghìn, giá hơn 950 nghìn đồng, mức giá cao nhất trong 50 năm qua. So với hai năm trước mỗi loại phân tăng gấp ba lần, trong khi giá lúa lại từ 6.500 đồng giảm còn 5.900 đồng mỗi kg.

Thực tế cho thấy, giá phân bón tăng cao đã tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất nông nghiệp trong nước. Bởi theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chi phí phân bón chiếm tới 30% - 50% giá thành sản xuất của ngành này.

Bộ NN&PTNT cho biết thêm, hàng năm Việt Nam sử dụng trung bình trên 10 triệu tấn phân bón sản xuất công nghiệp. Đơn cử như năm 2021, lượng phân bón sử dụng là 10,7 triệu tấn. Trong đó, lượng phân bón sản xuất trong nước 7,2 triệu tấn; nhập khẩu 5,1 triệu tấn; xuất khẩu 1,6 triệu tấn.

Với tình hình như hiện nay, Bộ NN&PTNT dự báo thời gian tới thị trường phân bón sẽ vẫn diễn biến phức tạp, khó lường về giá và nguồn cung. Đặc biệt với phân kali do Nga và Belarus cung cấp chiếm gần 50% trong tổng nhu cầu của toàn thế giới. Trong khi đó, với loại phân bón này Việt Nam lại hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. "Việc giá phân bón tăng cao làm cho chi phí sản xuất nông nghiệp tăng theo, người nông dân sẽ là những đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất" - Bộ NN&PTNT khẳng định.

Sử dụng công cụ thuế để đảm bảo nguồn cung trong nước

Để giảm bớt khó khăn cho nông dân, các bộ, ngành đang thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, mới đây Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý. Mục đích nhằm tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho nông dân trong điều kiện giá phân bón tăng cao và khan hiếm hiện nay.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón Urê, DAP, MAP; có các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các loại phân này để đảm bảo nguồn cung trong nước trong tình hình nguồn cung phân bón khan hiếm như hiện nay.

Được biết, Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo nghị định về sửa đổi Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, trong đó dự kiến đề xuất điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng phân bón.

Theo dự thảo, để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định thống nhất mức thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón thuộc nhóm 31.02, 31.03, 31.04, 31.05, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong phân bón. Theo đó, phân bón có giá trị tài nguyên và khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm có thuế suất thuế xuất khẩu tăng từ 0% lên 5%. Nhóm phân bón khác giữ nguyên mức thuế hiện hành.

Theo Bộ Tài chính, phương án tăng thuế xuất khẩu này sẽ góp phần giữ lại nguồn phân bón sử dụng trong nước, nhất là trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp.

Cũng theo số liệu từ Bộ Công thương, 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu phân bón tăng 47% về lượng nhưng tới gần 200% về giá trị. Giá phân bón trong nước liên tục tăng suốt hai năm qua và tiếp tục duy trì ở mức cao. Cụ thể phân ure các loại khoảng 17.600 đồng/kg, kali khoảng 18.000 đồng/kg, DAP từ 22.500 - 27.000 đồng/kg... Đây là mức tăng được cho là quá cao, khiến người nông dân khó có lãi.

Phúc Nguyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam