Để đẩy nhanh tiến độ, tránh thất thoát trong cổ phần hóa:

Đề xuất đưa đất đai ra khỏi quy trình cổ phần hóa

06:32 | 18/05/2022 Print
(TBTCO) - Tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, nhiều chuyên gia, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp… đã đánh giá, phân tích những điểm nghẽn trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn hiện nay và đề ra các giải pháp tháo gỡ.

Đất đai là vấn đề phức tạp nhất

Đánh giá về kết quả cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thời gian qua, ông Phạm Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống các cơ chế, chính sách pháp luật phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và có nhiều đổi mới nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, ngăn ngừa thất thoát vốn, tài sản nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán cổ phần và thu hút được các nhà đầu tư tiềm năng. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, cơ cấu lại DNNN ở một số doanh nghiệp (DN) chưa đạt kết quả như kỳ vọng.

Trong đó, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục và kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn chậm, chưa đảm bảo tính kịp thời, còn hình thức, thiếu khả thi, chưa sát với thực tế. Nhiều cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa quan tâm, quyết liệt trong việc đôn đốc, chỉ đạo các DNNN rà soát, xây dựng đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Việc triển khai đề án cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt còn chậm, vướng mắc.

Nguồn: Bộ Tài chính
Nguồn: Bộ Tài chính

Nhấn mạnh một trong những vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết công tác xử lý về đất đai gặp nhiều vướng mắc, nhất là trong việc xác định thẩm quyền lập, phê duyệt phương án sử dụng đất/phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, đặc biệt là đối với các DN có số lượng nhà đất lớn, nằm trên địa bàn nhiều địa phương, lịch sử pháp lý đất đai phức tạp.

Tiến độ trên thực tế thường bị chậm ở ngay khâu thống kê, đo đạc địa chính; nhiều trường hợp không được địa phương phê duyệt phương án do hồ sơ, giấy tờ không đầy đủ, không thống nhất về phương án sử dụng đất, về đo đạc diện tích đất, về sự phù hợp với quy hoạch.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng không xây dựng, phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa, hoặc xây dựng và phê duyệt phương án sử dụng đất sau thời điểm xác định giá trị DN; xây dựng phương án sử dụng đất khi hồ sơ pháp lý về đất đai chưa bảo đảm; phương án sử dụng đất được phê duyệt chưa đầy đủ diện tích đất DN đang quản lý, sử dụng; phương án sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, không nêu rõ hình thức sử dụng đất sau cổ phần hóa…

Khó xác định giá trị quyền sử dụng đất

Về nguyên nhân, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN có nhiều cách hiểu và khó bảo đảm cơ sở thuyết phục, nhất là khi quy trình cổ phần hóa, thoái vốn có thể kéo dài, có thể xảy ra thất thoát, vì vậy gây bức xúc trong dư luận, khiến dư luận hiểu sai về cổ phần hóa.

Từ phía DN, ông Nguyễn Xuân Nam - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho rằng, một trong những khó khăn lớn nhất trong quá trình cổ phần hóa các DN trong ngành, chính là những vấn đề liên quan đến đất đai khi xác định giá trị DN. Theo ông Nam, việc tính giá trị đất đai gây khó khăn cho DN, bởi giá thị trường nay thế này mai thế khác, thay đổi liên tục. “EVN cũng như các đơn vị khác lo sợ nhất là đánh giá giá trị DN để thoái vốn, sợ nhất “ông” đất” - ông Nam chia sẻ. Do đó, đại diện EVN kiến nghị loại đất đai ra khỏi việc xác định giá trị DN khi cổ phần hóa.

Đề xuất doanh nghiệp chỉ được trả tiền thuê đất hàng năm khi cổ phần hóa

Theo Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), thời gian tới, nhằm thúc đẩy việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước, cần sửa quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo hướng sau khi được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án “giữ lại tiếp tục sử dụng” thì việc quản lý, sử dụng nhà, đất thực hiện theo pháp luật về đất đai, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan; không thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất nhiều lần.

Đồng thời, cơ quan này cũng đề nghị sửa đổi Luật Đất đai theo hướng các doanh nghiệp khi chuyển sang cổ phần hóa thì chỉ được áp dụng hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm; không được thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa. Trường hợp doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng thì trả lại cho Nhà nước và sẽ được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Phân tích cụ thể vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cho biết, khi xác định giá trị DN theo Nghị định 126, Nghị định 140, thì chỉ có đất trả tiền một lần mới tính vào giá trị DN, đất trả tiền thuê hàng năm sẽ không tính vào.

Cho rằng đây là vấn đề vô cùng khó, ông Long phân tích, về lý thuyết phải xác định theo giá trị trường, nhưng thế nào là giá thị trường khi chưa ra đấu thầu. Mà kể cả ra đấu thầu, cũng không chắc đó là giá thị trường, có khi giá cao quá, có khi giá thấp quá. Vậy nếu muốn đưa đất ra khỏi giá trị DN thì phải có văn bản quy phạm pháp luật nêu rõ. “Rõ ràng việc thuê đất trả tiền một lần phải đưa ra khỏi xác định giá trị DN thì mới tháo gỡ được điểm nghẽn lớn, đẩy nhanh cổ phần hóa. Muốn đưa ra thì phải có văn bản quy phạm pháp luật, nếu không không ai dám làm” - ông Nguyễn Hồng Long khẳng định.

Nhấn mạnh những khó khăn trong việc xác định giá trị đất sát với thị trường và phương án sử dụng đất, ông cho rằng vướng mắc ở các văn bản quy phạm pháp luật, nên muốn tháo gỡ phải đồng bộ, chứ không chỉ tính riêng cho cổ phần hóa hay thoái vốn. Chẳng hạn Luật Đất đai không cấm chuyển quyền sử dụng đất, nên cổ phần hoá cũng không thể cấm chuyển quyền sử dụng đất. Do đó, ông Long đề xuất theo hướng quyền sử dụng đất đối với cho thuê một lần, hoặc cho thuê hàng năm nên được xem xét việc tách ra khỏi xác định giá trị DN, với văn bản quy định rõ ràng.

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam