Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030:

Sử dụng ngân quỹ hiệu quả, đảm bảo thanh khoản ở mọi thời điểm

11:38 | 19/05/2022 Print
(TBTCO) - Trong Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công tác quản lý ngân quỹ nhà nước đòi hỏi tiếp tục được đổi mới để đáp ứng với yêu cầu thực tế và phù hợp với giai đoạn phát triển tiếp theo của kho bạc.

Tối ưu hóa nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi

Trong giai đoạn thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2020, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã bước đầu xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho công tác quản lý ngân quỹ nhà nước (NQNN); gắn kết chặt chẽ quản lý ngân sách, quản lý nợ với quản lý ngân quỹ. Đồng thời, KBNN tạo một bước chuyển biến lớn trong quản lý hiệu quả nguồn lực tài chính nhà nước và trong công tác phối hợp điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo cho thị trường tiền tệ và tài khóa lành mạnh, ổn định.

Đáng chú ý, từ tháng 11/2019, KBNN đã hoàn thành việc xây dựng tài khoản thanh toán tập trung (TSA) của KBNN đảm bảo cuối ngày tập trung toàn bộ số dư NQNN tại Ngân hàng Nhà nước theo thông lệ quốc tế; từ đó làm cơ sở cho việc điều hành NQNN tập trung, thống nhất, nâng cao khả năng thanh khoản và đáp ứng kịp thời, đầy đủ mọi nhu cầu thanh toán, chi trả NSNN và các đơn vị giao dịch.

Đặc biệt, KBNN đã nâng cao hiệu quả quản lý NQNN thông qua việc sử dụng nguồn NQNN tạm thời nhàn rỗi theo chế độ quy định như: tạm ứng/cho vay cho ngân sách trung ương (NSTW), ngân sách cấp tỉnh khi nguồn thu gặp khó khăn, hoặc để hỗ trợ cân đối NSTW; tổ chức gửi có kỳ hạn NQNN tạm thời nhàn rỗi tại các ngân hàng thương mại và thực hiện nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ (TPCP).

Nguồn: Kho bạc Nhà nước Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Kho bạc Nhà nước. Đồ họa: Hồng Vân

Việc NSTW vay NQNN đã đáp ứng được nhu cầu cân đối NSTW trong bối cảnh giảm nợ vay nước ngoài, tăng huy động từ nguồn vay trong nước. Đồng thời, việc tạm ứng NQNN cho ngân sách cấp tỉnh vay đã giúp địa phương có thêm một kênh huy động vốn ngắn hạn và kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn khi nguồn thu chưa tập trung kịp thời, giúp tiết kiệm chi phí cho ngân sách địa phương so với việc huy động từ nguồn lực khác.

Đối với nghiệp vụ gửi tiền có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại, đến nay, cùng với các khoản thu nghiệp vụ tiền tệ khác đã tạo ra nguồn tài chính để KBNN vừa thực hiện cải cách hiện đại hóa toàn hệ thống, vừa góp nguồn thu cho NSNN (đến nay, KBNN đã thực hiện nộp vào NSTW 10.000 tỷ đồng).

Trong giai đoạn 2015 - 2020, tồn NQNN tại KBNN cao do một số nguồn chưa thực hiện chi trong năm ngân sách như: nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương, chuyển nguồn chưa chi của các cấp ngân sách hàng năm, nguồn tăng thu tiết kiệm chi của các địa phương chưa được phân bổ… Trước tình hình đó, KBNN đã báo cáo Bộ Tài chính giảm nhiệm vụ phát hành TPCP và sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi để cho NSTW vay khi thị trường gặp khó khăn.

Theo đó, trong các năm 2018, 2019, 2020, KBNN đã sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi cho NSTW vay lần lượt là 45.500 tỷ đồng; 50.000 tỷ đồng và 40.000 tỷ đồng. Đồng thời, đơn vị điều chỉnh giảm kế hoạch phát hành TPCP năm 2018, 2019 lần lượt là 55.000 tỷ đồng và 57.600 tỷ đồng. Do đó, số NQNN để cho NSTW vay đã tăng dần từ 157.162 tỷ đồng vào năm 2015 lên 288.865 tỷ đồng vào tháng 12/2021. Ngoài ra, NQNN tạm thời nhàn rỗi còn được sử dụng để xử lý thiếu hụt tạm thời NSTW khi có phát sinh chênh lệch thu - chi, giúp NSTW giảm được khối lượng phát hành TPCP.

Đề ra giải pháp phù hợp cho giai đoạn phát triển mới

Trong Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, KBNN đặt ra nhiệm vụ cho công tác quản lý NQNN chủ động theo nguyên tắc thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý các nguồn lực tài chính nhà nước; gắn kết chặt chẽ giữa quản lý NQNN với quản lý ngân sách nhà nước (NSNN) và quản lý nợ, đảm bảo thanh khoản của Chính phủ tại mọi thời điểm và hiệu quả về chi phí vay của NSNN. Đến năm 2025, kết quả dự báo luồng tiền chênh lệch không quá 10% so với thực tế; đến năm 2030, kết quả dự báo chênh lệch không quá 5% so với thực tế và số dư NQNN nhàn rỗi cuối ngày bình quân không vượt quá số chi NQNN bình quân 1 - 2 ngày.

Để thực hiện thành công mục tiêu này, ông Lưu Hoàng - Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ, KBNN cho biết, KBNN đã đưa ra giải pháp thực hiện là tiếp tục mở rộng phạm vi các giao dịch thu, chi của các quỹ tài chính nhà nước thực hiện qua tài khoản thanh toán tập trung của KBNN, đảm bảo minh bạch, hiệu quả.

Đồng thời, KBNN tổ chức mô hình thanh toán tập trung của mình phù hợp với lộ trình xây dựng, phát triển hạ tầng thanh toán số quốc gia, đáp ứng yêu cầu thanh toán thông suốt của Chính phủ với chi phí hợp lý, đảm bảo nguyên tắc tại mỗi hệ thống ngân hàng, KBNN chỉ có duy nhất một tài khoản và cuối ngày toàn bộ số dư NQNN được tập trung về tài khoản của KBNN tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý ngân quỹ

Trong giai đoạn phát triển đến năm 2020, Kho bạc Nhà nước đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước như: thực hiện gửi tiền có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại thông qua phương thức đấu thầu điện tử, ký phụ lục hợp đồng điện tử trên chương trình quản lý ngân quỹ nhà nước; thực hiện nghiệp vụ đấu thầu mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ trên hệ thống giao dịch công cụ nợ của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội; tổ chức đấu thầu mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại…; từ đó, đảm bảo việc quản lý ngân quỹ nhà nước được công khai, minh bạch và theo nguyên tắc thị trường.

Ngoài ra, KBNN tiếp tục hoàn thiện phương pháp dự báo luồng tiền và nguồn thông tin đầu vào, từng bước cải thiện chất lượng dự báo và thực hiện dự báo luồng tiền theo ngày; đa dạng hóa các công cụ đầu tư, đi vay NQNN; thực hiện giao dịch đầu tư theo nguyên tắc thị trường; giảm dần số dư NQNN nhàn rỗi, tối ưu hóa lợi ích sử dụng NQNN; gắn kết chặt chẽ giữa quản lý NQNN với quản lý ngân sách và quản lý nợ, nâng cao hiệu quả quản lý NSNN và giảm chi phí nợ vay. “Đặc biệt, KBNN sẽ thiết lập khung quản lý rủi ro hiện đại, đảm bảo các rủi ro trong quản lý NQNN được nhận diện, đánh giá đầy đủ, kịp thời và có chính sách giảm thiểu rủi ro phù hợp” - ông Hoàng cho biết.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, để tiệm cận với thông lệ quốc tế và quản lý NQNN được nâng cao hiệu quả trong thời gian tới, ngoài các giải pháp đưa ra, KBNN cần rà soát, luật hóa một số quy định hiện nay đang được quy định ở các nghị định; đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung để làm rõ và pháp lý hóa cao hơn một số nội dung quy định về quản lý NQNN tại Luật NSNN.

Đồng thời, hoàn thiện cơ chế mở và sử dụng tài khoản của KBNN tại ngân hàng theo hướng mở rộng hệ thống ngân hàng thương mại nơi KBNN mở tài khoản thanh toán; bổ sung quy định KBNN cấp tỉnh, KBNN cấp huyện được mở thêm tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại; xây dựng cơ sở pháp lý cho việc hoàn thiện mô hình thanh toán tập trung của KBNN trong thời gian tới.

Quản lý ngân quỹ nhà nước ngày càng hiệu quả, an toàn

Góp phần nâng cao việc quản lý ngân quỹ nhà nước, ngày 1/12/2020, sau khi triển khai thí điểm, KBNN đã chính thức triển khai hệ thống quản lý ngân quỹ. Hệ thống gồm có 2 phần, phần thứ nhất phục vụ người sử dụng thuộc Kho bạc Nhà nước thực hiện các nghiệp vụ dự báo quản lý ngân quỹ và các nghiệp vụ lựa chọn ngân hàng thương mại để gửi ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rồi; phần thứ 2 cung cấp các chức năng cho phép ngân hàng thương mại có thể thực hiện chào nhận gửi ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi; tra cứu các văn bản của Kho bạc Nhà nước; có kết nối với hệ thống chứng thực chữ ký số (CA) để ký chữ ký số.

Ông Lưu Hoàng - Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ cho biết, với hệ thống quản lý ngân quỹ, tất cả các giao dịch giữa kho bạc và ngân hàng đều được điện tử hóa. Hệ thống đã tiết giảm được thời gian và công sức cho công chức của kho bạc và ngân hàng, đảm bảo tính khách quan, minh bạch, an toàn vì không có sự can thiệp của con người. Theo đó, việc quản lý ngân quỹ nhà nước có thêm một công cụ để ngày càng quản lý an toàn, hiệu quả, tiệm cận dần với các thông lệ của thế giới.

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam