Kinh tế Trung Quốc hạ nhiệt vì các biện pháp phong tỏa

07:01 | 18/05/2022 Print
(TBTCO) - Kinh tế Trung Quốc hạ nhiệt đáng kể trong tháng 4/2022, khi các biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát đại dịch Covid-19 được mở rộng đã ảnh hưởng đến tiêu dùng, sản xuất công nghiệp và việc làm.
Kinh tế Trung Quốc lung lay
Những chiếc xe đạp được dùng làm rào chắn phong toả ở Thượng Hải, Trung Quốc.

Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, doanh số bán lẻ của nước này trong tháng 4/2022 giảm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020. Mức giảm này mạnh hơn so với mức giảm 3,5% trong tháng 3/2022 và mức giảm dự báo 6,1%. Việc phong tỏa hoàn toàn hoặc một phần đã được thực hiện tại hàng chục thành phố trong tháng 3,4/2022, trong đó có việc đóng cửa kéo dài tại trung tâm thương mại Thượng Hải, khiến người lao động và người mua sắm phải ở trong nhà và làm gián đoạn các chuỗi cung ứng.

Các dịch vụ ăn uống bên ngoài bị dừng tại nhiều tỉnh và doanh số bán ô tô trong tháng 4/2022 cũng giảm 47,6% so với cùng kỳ năm trước, khi các nhà sản xuất cắt giảm sản xuất trong lúc các cửa hàng trưng bày sản phẩm trống không và thiếu linh kiện.

Khi các biện pháp kiểm soát dịch làm gián đoạn các chuỗi cung ứng và làm tê liệt hoạt động phân phối, sản lượng công nghiệp giảm 2,9% trong tháng 4/2022, sau khi tăng 5% so với tháng 3/2022, trong khi được dự báo tăng 0,4%. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2020.

Các biện pháp phong tỏa cũng ảnh hưởng đến thị trường việc làm mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi là ưu tiên để ổn định kinh tế và xã hội. Tỷ lệ thất nghiệp dựa trên khảo sát toàn quốc tăng từ mức 5,8% lên 6,1% trong tháng 4/2022, mức cao nhất kể từ tháng 2/2020, khi con số này ở mức 6,2%.

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức dưới 5,5% trong năm 2022.

Trước đó, tháng 3/2022, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, nước này muốn tạo ra trên 11 triệu việc làm trong năm nay. Tuy nhiên, do đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất kể từ năm 2020, tình hình việc làm ở nước này phức tạp và kém khả quan.

Trong khi đó, đầu tư vào tài sản cố định, động lực chính để thúc đẩy nền kinh tế khi xuất khẩu mất sụt giảm, tăng 6,8% trong bốn tháng đầu năm, so với mức tăng dự kiến là 7%.

TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam