Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Phải coi đẩy nhanh giải ngân là động lực tăng trưởng kinh tế

11:48 | 18/05/2022 Print
(TBTCO) - Sáng 18/5, phát biểu kết luận cuộc họp của Tổ công tác số 6 về thúc đẩy giải ngân, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, 4 tháng qua, tỷ lệ giải ngân tại 5 địa phương là quá thấp so với yêu cầu. Do đó, Bộ trưởng đề nghị các tỉnh hết sức lưu ý đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là động lực cho tăng trưởng kinh tế, từ đó góp phần giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư

Theo Bộ trưởng, số giải ngân tại 5 địa phương là Vĩnh Phúc, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Phước mới chỉ so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, chưa tính đến các nguồn khác, như: nguồn vượt thu, gói kích cầu và Chương trình mục tiêu quốc gia. Bởi, nếu cộng lại thì số tuyệt đối càng thấp.

Do đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị các tỉnh hết sức lưu ý đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là động lực để tăng trưởng, từ đó góp phần giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Phải coi đẩy nhanh giải ngân là động lực tăng trưởng kinh tế
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Phải coi đẩy nhanh giải ngân là động lực tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Đức Minh.

“Nhất là trong bối cảnh chúng ta trải qua dịch bệnh nặng nề, đang phục hồi thì giải pháp về tăng cường đầu tư công là giải pháp trọng tâm”- Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh điều này.

Với tốc độ như hiện nay, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, các địa phương phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, phải động viên doanh nghiệp thi công nhanh. Các công trình chuẩn bị làm thủ tục đấu thầu, nên thực hiện theo đơn giá điều chỉnh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà nước trong thanh quyết toán.

Dự báo tới đây, sẽ còn nhiều khó khăn, do đó, cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc, gỡ khó cho doanh nghiệp để công trình đẩy nhanh tiến độ, đưa nhanh vào sử dụng, phát huy hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng, chống lạm phát.

“Một số các quy định phải thực hiện theo luật pháp, nhưng trong quá trình triển khai phải sáng tạo. Theo kinh nghiệm, công tác chuẩn bị là lâu nên phải đi trước 1 bước, khi được bố trí vốn, tách dự án giải phóng mặt bằng, giai đoạn bồi thường thành dự án độc lập”- người đứng đầu Bộ Tài chính nói.

“Nút thắt” cần phải tháo gỡ trên tinh thần quyết liệt, sáng tạo

Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những “nút thắt”, như: thủ tục rườm rà; tâm lý sợ trách nhiệm; sự xung đột về giá trong thực hiện giải phóng mặt bằng; năng lực thi công của nhà thầu… Do đó các địa phương phải sát sao, quyết liệt, đặc biệt nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ trưởng lưu ý các địa phương phải hực hiện quyết liệt Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 63/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022; Công điện số 126/CĐ-TTg và Công điện số 307/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Phải coi đẩy nhanh giải ngân là động lực tăng trưởng kinh tế
Dự án đầu tư công sớm đi vào sử dụng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- xã hội. Ảnh: TL.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, các địa phương phải tập trung phân bổ hết số vốn được giao; tháo gỡ giải phóng mặt bằng; UBND tỉnh cần yêu cầu liên sở Xây dựng - Tài chính phải công bố giá kịp thời, sát thực tế giá nguyên vật liệu; đôn đốc thi công nhanh, nghiệm thu nhanh, bố trí vốn đủ để thanh toán; điều chỉnh vốn cho các dự án tiến độ nhanh, phát huy hiệu quả theo thẩm quyền; thường xuyên kiểm tra công tác giải ngân, giải phóng mặt bằng, đôn đốc thực hiện các dự án đầu tư.

Người đứng đầu Bộ Tài chính và cũng là Tổ trưởng tổ công tác số 6 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị tỉnh thành lập tổ công tác, trong đó giao cho 1 đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh làm tổ trưởng, thường xuyên kiểm tra và có giải pháp phù hợp, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Về chính sách pháp luật, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, báo cáo Chính phủ, Quốc hội để sửa luật, nếu cần thiết có thể báo cáo Quốc hội ban hành nghị quyết.

Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng bày tỏ sự không hài lòng khi có địa phương chưa thực sự nghiêm túc, không có lãnh đạo tỉnh tham dự cuộc họp trong khi giải ngân vốn đầu tư công được Quốc hội, Chính phủ đặc biệt coi trọng, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội./.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam