Để đô thị thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

18:51 | 18/05/2022 Print
(TBTCO) - Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức ngày 18/5. Đây cũng là lúc để chúng ta nhìn lại sự phát triển cũng như những điểm còn hạn chế của công tác phát triển đô thị hiện nay.
Để đô thị thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Diện tích dành cho cây xanh, khu vui chơi công cộng tại đô thị còn rất hạn chế. Ảnh: Hoàng Giang

Diện mạo đô thị - những mảng sáng

Những năm gần đây, công cuộc đô thị hóa tại Việt Nam được đẩy mạnh. Tốc độ tăng tỷ lệ đô thị hóa bình quân giai đoạn 2010 – 2020 là 27%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% vào năm 2020. Không gian đô thị được mở rộng, số lượng đô thị tăng nhanh và được phân bổ tương đối đồng đều trong cả nước.

Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội tại các đô thị được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn, chất lượng được nâng cao. Cùng với đó, số lượng và chất lượng nhà ở cũng được cải thiện. Đặc biệt là hạ tầng số của Việt Nam cơ bản đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN, internet băng thông rộng phủ 100% các xã. Hạ tầng xã hội tại đô thị, bao gồm giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao du lịch, thương mại và dịch vụ… được quan tâm đầu tư. Từ đó, chất lượng sống, phúc lợi và tuổi thọ của cư dân đô thị từng bước được nâng cao, thu nhập tăng, tỷ lệ nghèo ngày càng giảm.

Để tạo điều kiện cho đô thị có sự phát triển mạnh mẽ, thể chế, chính sách về đô thị ngày càng hoàn thiện hơn, đồng thời mô hình chính quyền đô thị đặc thù được triển khai thí điểm tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Môi trường đầu tư, kinh doanh tại các đô thị ngày càng được cải thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp khu vực đô thị.

Cũng từ đó, kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng cao, đóng góp tỷ trọng ngày càng lớn vào kinh tế chung của địa phương, của vùng và cả nước. Có thể thấy, sự phát triển kinh tế của các đô thị đã góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả nước theo hướng giảm dần tỷ trọng nông lâm thủy sản và tăng tỷ trọng đóng góp của công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Qua các thời kỳ, trung ương và các địa phương đã bố trí nguồn vốn lớn cho phát triển đô thị, tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, chỉnh trang và tái thiết đô thị. Điều đáng mừng là số lượng các tỉnh, thành phố tự chủ được ngân sách và có điều tiết về ngân sách trung ương cũng ngày càng tăng lên.

Nguồn thu ngân sách của chính quyền đô thị tăng mạnh, đóng góp đáng kể vào hoạt động đầu tư phát triển đô thị và vào nguồn ngân sách của cả nước, trong đó nguồn thu từ đất tăng nhanh. Số lượng các tỉnh, thành phố tự chủ được ngân sách và có điều tiết về ngân sách trung ương cũng ngày càng tăng lên, giai đoạn 2007 - 2010 có 11 địa phương, 2011 – 2015 có 13 địa phương, 2016 - 2020 có 16 địa phương.

Vẫn còn đó những bất cập

Tuy đạt được nhiều bước tiến, nhưng hiện tại, việc đô thị hóa vẫn còn khá nhiều tồn tại, hạn chế, đặt ra yêu cầu cần được giải quyết. Hiện tỷ lệ đô thị hóa đạt được còn thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2020 và còn khoảng cách khá xa so với tỷ lệ đô thị hóa bình quân của khu vực và thế giới, đồng thời chưa đồng đều giữa các vùng miền.

Đặc biệt, việc đô thị hóa đất đai diễn ra nhanh hơn đô thị hóa dân số, dẫn đến việc đô thị hóa nhưng không kéo theo các hoạt động kinh tế thực chất. Cùng các bất cập khác, đã gây ra lãng phí về đất đai, kết nối vùng và khu vực yếu. Quá trình di cư tự do diễn ra khá phổ biến, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý xã hội, quản lý dân cư, nảy sinh phức tạp về an ninh trật tự.

Đô thị hóa chưa đồng bộ và chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới cũng đang gây ra nhiều hệ lụy khó giải quyết. Đơn cử như việc chưa chú trọng xây dựng hạ tầng, dịch vụ phúc lợi xã hội cho công nhân tại các khu đô thị, đang tạo áp lực lên các khu vực dân cư xung quanh, biến đổi khu vực xung quanh thành nơi cung cấp nhà ở giá rẻ, cảnh quan, môi trường đều không đảm bảo. Nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp, đối tượng chính sách cũng chưa được quan tâm đầy đủ trong quy hoạch chung đô thị.

Việc thu hồi đất nông nghiệp cho phát triển công nghiệp, đô thị với quy mô lớn làm ảnh hưởng tới đời sống người nông dân, làm tăng nguy cơ thất nghiệp, gây áp lực di dân vào đô thị và phát sinh nhiều hậu quả về mặt xã hội. Có thể kể đến những xu hướng không tốt phát sinh như: nữ hóa nông nghiệp, nữ hóa chủ hộ (vì nam giới đi làm ăn xa) và lão hóa nông thôn, gây ra những nguy cơ với đời sống gia đình, nhất là với người già, trẻ em ở nông thôn.

Sự phát triển thiếu cân đối của hệ thống đô thị đã khiến cho sự phân định chức năng đô thị chưa rõ ràng, chưa có sự chia sẻ giữa các đô thị và chưa phát huy được vai trò đô thị động lực.

Một điểm yếu rất dễ nhận thấy là quản lý đô thị còn nhiều bất cập, hạn chế. Đây là công việc mà nhìn đâu cũng thấy “có vấn đề”. Các vi phạm như: Vi phạm về trật tự xây dựng, cấp phép, quy hoạch treo, chuyển giao vận hành nhà chung cư, ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường… xảy ra khá phổ biến, trong khi việc xây dựng lối sống văn hóa, văn minh đô thị lại chưa được chú trọng đúng mức. Nhìn sâu hơn nữa, chúng ta thấy, các yếu tố văn hóa, cảnh quan đặc thù chưa được chú trọng phát triển, nên bộ mặt đô thị còn thiếu bản sắc, thiếu điểm nhấn và phát triển theo kiểu tự phát. Đó là do việc xây dựng, quảng bá thương hiệu đô thị chưa được quan tâm đúng mức, thiếu bài bản và tầm nhìn dài hạn, nên chưa phát huy được hiệu quả về kinh tế từ thương hiệu đô thị.

Nguyên nhân của những tồn tại trên có một phần quan trọng nằm ở chỗ thể chế, chính sách cho đô thị hóa và phát triển đô thị, mô hình chính quyền đô thị còn nhiều bất cập. Một số cơ chế, chính sách đã có sự cải thiện, song còn thiếu đồng bộ, chồng chéo hoặc chưa theo kịp xu hướng phát triển mới…

Những tồn tại, hạn chế của phát triển đô thị cho thấy, việc Đảng ta ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW thời điểm hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh năm bản lề triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030. Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà nghị quyết đề ra sẽ là cơ sở cho chúng ta hiện thực hóa các mục tiêu về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị theo hướng phát triển nhanh, bền vững, thông minh, tăng tính kết nối, nâng cao chất lượng sống và có kiến trúc hiện đại, giàu bản sắc.

Trong khi xu hướng của thế giới hiện nay là xây dựng đô thị theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai thì tại Việt Nam điều này thực hiện còn chậm, kết quả hạn chế.

Kim Thanh

© Thời báo Tài chính Việt Nam