TP. Hồ Chí Minh: Tăng hiệu quả cải cách hành chính bằng hai nhóm giải pháp chính

12:05 | 19/05/2022 Print
(TBTCO) - Theo Chỉ thị về thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn giai đoạn 2022 – 2025 vừa được ban hành, UBND TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc nâng cao chất lượng cả về công tác quản lý, điều hành lẫn phương cách phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Huy động mọi nguồn lực gia tăng chất lượng điều hành, quản lý

Nhóm giải pháp cải cách hành chính (CCHC) thứ nhất nhằm nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của cơ quan, đơn vị. Để làm tốt, chỉ thị nêu rõ, các đơn vị cần huy động mọi nguồn lực của xã hội, trong đó tập trung xây dựng và phát huy nguồn lực tham gia phát triển khoa học và công nghệ đáp ứng quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh của thành phố.

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đang triển khai chuẩn ISO 9001-2015 trong giải quyết hồ sơ, thủ tục thông quan hàng hóa. Ảnh Đỗ Doãn
Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đang triển khai chuẩn ISO 9001-2015 trong giải quyết hồ sơ, thủ tục thông quan hàng hóa. Ảnh Đỗ Doãn

Đặc biệt, phải thống nhất quan điểm đầu tư cho CCHC là đầu tư cho sự phát triển với phương châm là “đã nói phải làm”, giải quyết dứt điểm, chất lượng, đúng tiến độ, lấy sản phẩm, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN), nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các cơ quan làm thước đo; lấy người dân và DN làm trung tâm, trên tinh thần “của dân, do dân, vì dân”, bảo đảm sự tham gia giám sát và quyền làm chủ của nhân dân; có cơ chế chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ nâng cao khả năng cạnh tranh, khuyến khích sáng tạo.

Bên cạnh đó là chủ động rà soát và báo cáo cấp ủy cùng cấp để xây dựng bổ sung các chương trình, kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện công tác CCHC trong phạm vi quản lý phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, từng ngành, địa phương; đồng thời, đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Người đứng đầu phải thể hiện được vai trò nêu gương trong chấp hành thực hiện CCHC; chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo thống nhất việc thực hiện nhiệm vụ CCHC trong phạm vi quản lý; triển khai, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện CCHC tại cơ quan, đơn vị, địa phương và chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND thành phố về kết quả thực hiện CCHC, chỉ số CCHC tại cơ quan, đơn vị gắn với công tác đánh giá, xếp loại hàng năm.

Đồng thời, tiếp tục quyết tâm trong sắp xếp bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập có trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ theo hướng tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới, cải tiến phương thức làm việc nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động; chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện sang công ty cổ phần...

Gia tăng chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp

Thứ hai là nhóm các giải pháp CCHC để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN. Các địa phương, đơn vị nghiêm túc tổ chức đối thoại giao tiếp với người dân và DN nhằm tiếp thu và sửa đổi, bổ sung kịp thời các vướng mắc, thiếu sót; đồng thời có cơ chế khuyến khích người dân, DN đóng góp, hiến kế CCHC.

Lãnh đạo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn người dân sử dụng máy góp ý công chức thuế trong giải quyết thủ tục thuế. Ảnh Đỗ Doãn
Lãnh đạo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn người dân sử dụng máy góp ý thái độ phục vụ của công chức thuế trong giải quyết hồ sơ, thủ tục thuế. Ảnh Đỗ Doãn

Ngoài ra là phải chủ động và duy trì thường xuyên việc tuyên truyền về tầm quan trọng của CCHC nhằm nâng cao nhận thức, thái độ tích cực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ được giao, phục vụ người dân và DN và nhận sự đồng thuận, chia sẻ, đóng góp của người dân, DN; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, chậm trễ trong giải quyết công việc.

Thường xuyên rà soát đơn giản hóa, kiểm soát thủ tục hành chính đúng theo quy định; đẩy nhanh việc chuẩn hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ; tập trung triển khai số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định; kiện toàn và nâng cao tinh thần, trách nhiệm và sự thân thiện của đội ngũ công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa các cấp khi tiếp xúc, hướng dẫn giải quyết hồ sơ cho người dân, DN.

Chỉ thị cũng yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các tiến bộ khoa học công nghệ nhằm góp phần thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số; thực hiện trao đổi 100% văn bản giữa các cơ quan hành chính nhà nước dưới dạng điện tử (trừ văn bản mật); đảm bảo 100% cán bộ, công chức sử dụng thường xuyên hệ thống thư điện tử, đặc biệt là ứng dụng hiệu quả truyền hình trực tuyến trong các cuộc họp đến tận cơ sở; 100% cơ quan, đơn vị áp dụng và duy trì Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 trong hoạt động…

Được biết, qua một năm triển khai thực hiện Quyết định số 1191/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND thành phố, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của các sở, ban, ngành, UBND các cấp; sự đồng thuận, chung tay của người dân và DN, công tác CCHC trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong năm 2021./.

Đỗ Doãn

© Thời báo Tài chính Việt Nam